Bán tác phẩm làm từ thiện: Nghệ thuật 'đong tấm lòng'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/6 vừa qua, nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn kết thúc triển lãm Không ảnh Sài Gòn với 40 tác phẩm chụp Sài Gòn từ trời cao. Hơn nửa số tác phẩm trong triển lãm này đã có người mua để góp vào Quỹ Hiểu về trái tim, nhằm giúp học sinh nghèo. Cũng trong những ngày qua, tác phẩmGạc Ma - Vòng tròn bất tửđã được trả giá lên tới 400 triệu đồng trong cuộc đấu giá vẫn chưa tới hồi kết.
Lâu nay, các cuộc bán đấu giá vì mục đích từ thiện luôn nhận được sự quan tâm của nhiều người. Đặc biệt, giá của các sản phẩm bình thường hay tác phẩm nghệ thuật luôn cao ngất, vượt qua giá cả thông thường. Nói như một tác phẩm của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, có thể các cuộc đấu giá như thế chính là nghệ thuật “đong tấm lòng”, dù mỗi người có mỗi lý do để mua.
Nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn: Tác phẩm đẹp đã gặp tấm lòng đẹp
* Hơn một nửa số tác phẩm của anh trong triển lãm Không ảnh Sài Gòn đã có người mua, anh có xem đây là một kỷ lục mới của mình?
- Dù nhiều lần được công nhận kỷ lục Việt Nam liên quan đến nghề phóng viên ảnh hay chụp ảnh nghệ thuật, tôi vẫn xem việc bán được hơn 20 tác phẩm trong triển lãm vừa rồi là một kỷ lục mới và rất nhiều ý nghĩa với không chỉ cá nhân tôi. Vì lâu nay, tôi chỉ triển lãm các tác phẩm của mình hoặc in thành sách chứ chưa bao giờ có ý định đem bán. Đây là lần đầu tiên tôi bán tác phẩm của mình vì mục đích giúp các em học sinh nghèo ở vùng sâu vùng xa.
* Anh nhận thấy người mua tác phẩm của mình là vì nghệ thuật hay vì từ thiện khi giá khá cao, từ 10 - 50 triệu đồng/tác phẩm?
- Một tác phẩm nhiếp ảnh thường không cao giá bằng một tác phẩm hội họa, vì nhiếp ảnh có thể nhân bản được chứ không phải độc bản. Tôi thấy người mua tác phẩm của mình trong triển lãm vừa rồi vì cả hai: nghệ thuật và từ thiện. Tôi khẳng định như thế vì có người mua cùng lúc 2 - 3 tác phẩm. Nếu mua chỉ vì từ thiện, tôi không nghĩ là họ lại mua nhiều như vậy. Đặc biệt, có một nữ họa sĩ đang sinh sống tại Mỹ, đã mua hai tác phẩm của tôi để đem sang Mỹ.
Nhiều người sinh sống cả đời ở Sài Gòn, quen thành phố này đến từng con hẻm nhỏ, nhưng khi xem Không ảnh Sài Gòn đã nói: “Đời tôi chưa bao giờ nhìn Sài Gòn từ những góc như thế này, vừa gần gũi thân quen nhưng lại rất khác và đẹp như tranh”. Có lẽ, tác phẩm đẹp đã gặp được tấm lòng đẹp tạo nên sự thành công cho triển lãm.
Thượng tọa Thích Thanh Phong: Tôi rất nể phục tinh thần quả cảm của các chiến sĩ Gạc Ma
Thượng tọa Thích Thanh Phong, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm (TP.HCM) cùng các phật tử của nhà chùa vừa đấu giá 400 triệu đồng cho bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử. Thượng tọa Thích Thanh Phong cho biết: “Tôi thấy đây là cuộc đấu giá tranh rất ý nghĩa. Tôi đã lặng người khi xem đi xem lại nhiều lần đoạn video do Trung Quốc công bố gần đây về trận chiến tàn sát 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam trên đảo Gạc Ma. Tôi đã mất ngủ nhiều đêm và thường nói chuyện với các tăng ni phật tử về nỗi đau khôn nguôi này. Chắc chắn nhiều người sẽ hỏi vì sao một vị trụ trì chùa lại quan tâm đến đảo Gạc Ma?
Lịch sử phát triển của chùa Vĩnh Nghiêm gắn liền với sự hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Trong sử sách còn ghi rõ: Năm 1282, trước thảm họa ngoại xâm, quân Nguyên - Mông chuẩn bị xâm chiếm nước Nam, ngài đã chủ trì Hội nghị Bình Than để lấy ý kiến toàn dân trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Năm 1284, trước khi cuộc chiến tranh diễn ra, ngài chủ trì Hội nghị Diên Hồng, lấy ý kiến các vị bô lão, những người đứng đầu các bộ lạc. Toàn thể hội nghị già trẻ, gái trai đều một lòng quyết chiến. Năm 1285, với tinh thần bảo vệ Tổ quốc, ngài đã lãnh đạo và chiến thắng cuộc xâm lăng Nguyên - Mông lần thứ nhất. Năm 1288, Trần Nhân Tông lại một lần nữa lãnh đạo cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, với sự quyết tâm chiến thắng, ngài đã chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ hai.
Kế thừa tư tưởng của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tôi luôn ghi nhớ lời di chúc của ngài “… Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn: Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu mai sau”. Tinh thần và truyền thống tốt đẹp đó của Phật hoàng Trần Nhân Tông rất cần truyền lại cho thanh niên và mọi người dân Việt Nam hiện nay.
Tôi rất nể phục tinh thần quả cảm quyết giữ lá cờ Tổ quốc dù trên ngực nhuốm máu cho đến phút cuối cùng của các chiến sĩ Gạc Ma trên bức tranh. Với tất cả lòng thành, tôi thay mặt chùa Vĩnh Nghiêm và các tăng ni phật tử tham gia cuộc đấu giá tranh rất ý nghĩa này và xin được tặng thêm 64 phần quà cho các gia đình liệt sĩ Gạc Ma. Nếu đấu giá thành công, tôi xin được trao tặng bức tranh đặc biệt này cho toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trong dịp 27/7 sắp tới tôi sẽ cùng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vận động tất cả tăng ni phật tử và các chùa trên khắp Việt Nam làm lễ cầu siêu cho 64 liệt sĩ Gạc Ma nói riêng và tất cả các liệt sĩ, nghĩa sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam; trong đó có các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến tranh chống ngoại xâm 17/2/1979 và các tử sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ đảo Hoàng Sa năm 1974. Tôi nghĩ đã là những người lính Việt Nam ngã xuống để chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc thiêng liêng, thì dù ở bất kỳ giai đoạn nào, thể chế nào cũng cần được tri ân và tôn vinh”.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News - Trí Việt: Nhà tổ chức cũng phải có tấm lòng
Công ty sách First News - Trí Việt đã cùng họa sĩ Bùi Lệ Trang thực hiện bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử và đem bán đấu giá nhằm tri ân 64 gia đình liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma vào năm 1988. Cuộc đấu giá này ngày càng được nhiều người, nhiều giới trong xã hội quan tâm.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc First News cho rằng: “Làm nhà tổ chức cuộc bán đấu giá này, nhất định chúng tôi phải có tấm lòng và thành tâm trong việc mình làm. Tấm lòng và sự thành tâm đó của chúng tôi đã được nhân lên gấp nhiều lần bởi những tấm lòng khác cùng chung mục đích: yêu nước! Tôi từng đi xem hoặc tham gia nhiều cuộc đấu giá khác do đơn vị khác tổ chức; song vì thiếu sự chân thành, vì các mục đích danh và lợi nên các cuộc đấu giá như thế gặt hái được thành công rất ít, thậm chí còn mang tiếng xấu. Khi chúng tôi xác định mục đích mình làm hoàn toàn trong sáng, thì việc chúng tôi nhận được sự sẻ chia của nhiều người cũng là điều hẳn nhiên. Giá bức tranh Gạc Ma - Vòng tròn bất tử là vô cùng tận vì những tấm lòng của những người yêu nước Việt, chứ không đơn thuần là một bức tranh như mọi bức tranh bình thường khác”.
Trạc Tuyền (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần