(Thethaovanhoa.vn) - Mức độ nổi tiếng toàn cầu của K-pop luôn là điều quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư xứ kim chi, những người luôn lo ngại rằng liệu sự trỗi dậy mới nhất của ngôi sao nào đó có phải là đợt sóng cuối cùng.
Vẫn phát triển theo chiều hướng đi lên
Thời gian trước, một số người trong ngành đã đưa ra nhận định "không có thần tượng trẻ mãi" và lập luận rằng việc các nhóm nhạc thần tượng có tuổi thọ tương đối ngắn có thể là mối nguy đe dọa ngành công nghiệp K-biz.
Tuy nhiên, sau một thập kỷ quan sát, các chuyên gia nay lại tin tưởng rằng trong thị trường âm nhạc, làn sóng Hàn Quốc (còn có tên gọi khác là Hallyu) là hiện tượng có thật và lâu bền, dù các ngôi sao hay ban nhạc K-pop có tuổi nghề ngắn ngủi như thế nào.
"Khoảng thời gian cho sự thay đổi thế hệ giữa các nhóm nhạc thần tượng K-pop đã trở nên ngắn hơn, nhưng nói chung, văn hóa K-pop không bao giờ mất đi sức hút của nó" - Kim Gi-hyun, một quan chức quan hệ công chúng của tập đoàn giải trí hàng đầu Hàn Quốc CJ E&M cho biết.
Một trong những đặc điểm nổi bật của làn sóng Hàn Quốc là sự gia tăng về số lượng các nhóm/ca sĩ cũng như sự đa dạng trong phong cách của họ, điều mang lại lợi ích cho cả ngành công nghiệp và các khán giả có nguồn gốc văn hóa khác nhau.
"Monsta X có thể không quá nổi tại Hàn Quốc nhưng lại là một trong những nhóm nhạc thu hút nhất tại Nhật Bản. Trong khi đó, các fan tại Pháp có thể "xin chết" vì Hyoyeon của Girls' Generation khi cô đến thăm Paris" - Kim cho biết thêm.
Một ví dụ khác cho sự phát triển mạnh mẽ của Hallyu là MCountdown, chương trình âm nhạc K-pop trên mạng cáp Mnet của CJ E&M, đang ngày càng thu hút nhiều khán giả quốc tế dù đã lên sóng suốt hơn một thập kỉ. "Hiện tại, gần một nửa số khán giả của MCountdown là người hâm mộ quốc tế" - ông Lee Sang-hoon, một nhà phân tích cao cấp tại CJ E&M, phụ trách chương trình MCountdown nói.
Không chỉ vậy, sự bùng nổ của làn sóng K-pop cũng tạo ra nhiều cơ hội mới cho các nhà tiếp thị âm nhạc trên thị trường quốc tế. "Chúng tôi bắt đầu cung cấp các sản phẩm âm nhạc K-pop ở quê nhà và trên thị trường toàn cầu từ khoảng 7-8 năm trước, khi K-pop phát triển mạnh như một nền văn hóa mới" - Kim Ji-min, một quan chức quan hệ công chúng tại Universal Music Korea cho biết.
"Là một công ty thu âm thương mại, chúng tôi luôn theo dõi chặt chẽ những biến động của K-pop vì nó chiếm hơn 80% thị trường âm nhạc Hàn Quốc. K-pop đã tăng trưởng nhanh chóng một cách đáng ngạc nhiên trong 20 năm qua, và một trong những công việc chính của chúng tôi ở đây là đưa nó ra thị trường toàn cầu" - Kim nói.
Nhóm nhạc nữ Girls' Generation của Hàn Quốc. Ảnh: Billboard
Universal Music Korea là chi nhánh tại Hàn Quốc của công ty truyền thông đại chúng đa quốc gia của Pháp mang tên Vivendi Universal Group, hiện nắm giữ hơn 30% thị phần toàn cầu với mạng lưới trải rộng tại 77 quốc gia. Vivendi Universal Group có chi nhánh tại nhiều khu vực và các thành phố lớn trên thế giới như London, Santa Monica, Tokyo và Hồng Kông.
Một số nghệ sĩ K-pop nằm dưới sự bao bọc của Universal Music Korea có thể kể tới ngôi sao Lim Hyung -joo hay ca sĩ-nhạc sĩ R&B Dean, nghệ sĩ châu Á đầu tiên biểu diễn tại Spotify House, chương trình ca nhạc chính tại lễ hội âm nhạc Mỹ South by Southwest. Psy, người nổi tiếng với ca khúc Gangnam Style, cũng đã ký hợp đồng với Universal Music Korea thông qua hãng quản lý YG Entertainment của mình.
Không lên đỉnh trong một sớm một chiều
Tuy nhiên, sự bùng nổ của K-pop không hề diễn ra một cách nhanh chóng. Sau một thập kỷ nghiên cứu và thử nghiệm, những người hoạt động trong ngành đã rút ra nhiều bài học và lĩnh hội được các bí quyết trong việc mở rộng thị trường ra bên ngoài.
Dù các nhà phê bình địa phương chưa thống nhất được quan điểm về việc ai là người tiên phong trong việc đưa làn sóng Hàn Quốc ra thế giới, phần đông đều cho rằng chính các phương tiện truyền thông Trung Quốc trong giai đoạn những năm 2000 đã giúp thúc đẩy quá trình này, bên cạnh đó là sự nổi tiếng của TVXQ, một nhóm nhạc thần tượng 5 thành viên ra mắt vào tháng 12/2003.
Hiện nay, chiến lược phổ biến mà các nghệ sĩ Hàn theo đuổi trong quá trình quảng bá sản phẩm và phát triển tên tuổi vẫn là "Quê nhà trước, nước ngoài sau", điều có thể thấy rõ trong cách làm việc của một số nhóm nhạc được công nhận nhất như Girls' Generation, Big Bang và CNBlue.
Sau đó, có thể kể tới một xu hướng mới cũng đang phát triển trong K-pop là thêm các thành viên nước ngoài vào nhóm. Các thành viên có yếu tố quốc tế đã xuất hiện trong rất nhiều nhóm nhạc thần tượng thế hệ đầu, như Circle, một nhóm nhạc nữ K-pop ra mắt vào năm 1998. Tuy nhiên, "chiêu" này trở nên phổ biến hơn sau khi ban nhạc 2PM của JYP Entertainment, ra mắt năm 2008, nổi tiếng khắp châu Á, nhờ vào sự thu hút của thành viên người Thái Nichkhun.
Tuy nhiên, việc đưa các thành viên nước ngoài vào nhóm không phải lúc nào cũng đem lại hiệu ứng tích cực, đôi khi nó có thể trở thành chủ đề gây tranh cãi chính trị và tranh chấp pháp lý.
Một trong những trường hợp đáng chú ý nhất liên quan tới thành viên Tsuyu của nhóm nhạc nữ Twice (thuộc công ty JYP), ra mắt vào năm 2015. Sau khi cô gái Đài Loan 16 tuổi vẫy cờ Đài Loan trên một chương trình thực tế của Hàn Quốc, một cuộc biểu tình dữ dội ngay lập tức nổ ra tại Trung Quốc đại lục, với việc JYP và Twice đều bị cáo buộc ủng hộ sự độc lập của Đài Loan. Sau khi xin lỗi công khai trên truyền hình, Tsuyu tiếp tục bị người hâm mộ Đài Loan đả kích. JYP cũng bị cáo buộc là đã ép ca sĩ tuổi teen nói lời xin lỗi.
Ngoài ra, S.M. Entertainment, công ty quản lý K-pop lớn nhất của nước này, đã trải qua một loạt cuộc chiến pháp lý với các thần tượng Trung Quốc, trong đó có cựu thành viên nhóm Super Junior Han Geng và cựu thành viên của EXO là Kris và Luhan, về các hợp đồng độc quyền đã kí giữa đôi bên.
Trào lưu hợp tác giữa Hàn Quốc-Trung Quốc
K-pop Pledis Entertainment và Starship Entertainment, hai công ty giải trí tầm trung của Hàn Quốc đã cộng tác kinh doanh với Yuehua Entertainment của Trung Quốc nhằm giành được thế thượng phong tại thị trường đông dân bậc nhất thế giới. Starship và Yuehua thậm chí còn tiến một bước xa hơn bằng cách cùng nhau tung ra một nhóm nhạc nữ Hàn Quốc-Trung Quốc mang tên Cosmic Girls, vào tháng 2/2016.
1 tháng sau đó, Yedang Entertainment của Hàn ra mắt Banana Culture, nhóm nhạc chung đặt dưới sự quản lý của họ và tập đoàn truyền thông Trung Quốc Banana Project, được điều hành bởi con trai một ông trùm bất động sản nước này.
Các hãng giải trí Hàn Quốc cũng được đánh giá là ngày càng tập trung vào việc thu hút các fan hâm mộ Trung Quốc, dẫn đến tác động ngược lại là sự cạnh tranh giữa các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhằm có được các tin tức độc quyền cũng trở nên khốc liệt hơn.
"Chúng tôi đang ở thời điểm được các phương tiện truyền thông Trung Quốc chú ý nhất kể từ khi ra mắt của ban nhạc" - Choi Seon-jin, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Woollim Entertainment, chịu trách nhiệm về nhóm INFINITE nói - "Bây giờ các phóng viên tin tức của Trung Quốc đến thẳng các cuộc họp báo và thậm chí còn đặt câu hỏi bằng tiếng Hàn".
Duy An
Theo Yonhap News