A+ A A- Kiểu đọc sách

Ảo thuật gia Hoàng Nghiêm: Ước mơ lớn của 'người bay'

20:22 20/12/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hoàng Nghiêm vừa xác lập Kỷ lục Việt Nam cho tiết mục 2 người bay cao nhất vào ngày 12/12 vừa qua. Đây có lẽ cũng là tiết mục ảo thuật 2 người bay trên không duy nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này. Mới đây, tại chương trình Kỳ tài lộ diện, ảo thuật Hoàng Nghiêm làm giám khảo của bảng Đồ lớn (ảo thuật với đạo cụ có kích cỡ lớn), kết quả bảng này giành chiến thắng chung cuộc.

Qua chương trình Kỳ tài lộ diện, khán giả biết thêm Hoàng Nghiêm (thành viên Hiệp hội Ảo thuật gia quốc tế Hoa Kỳ - IMS) còn là chuyên gia sáng tạo, cung cấp đạo cụ ảo thuật kích cỡ lớn, được bạn bè quốc tế biết tiếng. Nhưng không nhiều người biết con đường thành danh của ảo thuật gia này.

Có khiếu ảo thuật từ nhỏ

Hoàng Nghiêm sinh năm 1978 tại TP.HCM trong một gia đình rất khó khăn, không một ai theo nghề ảo thuật. Năm học lớp 10, trong một lần nhìn thấy người hàng xóm biểu diễn ảo thuật, Hoàng Nghiêm đã bị “ma lực” của nó cuốn hút. Nhìn thấy vẻ mặt say mê của cậu bé Hoàng Nghiêm, ảo thuật gia ấy đã dạy cho anh những trò đơn giản như xòe bài, biến ra những bông hoa từ 2 cái chén không, “lục tử liên hoàn” (làm ảo thuật với 6 chiếc vòng)…

Chú thích ảnh
Ảo thuật gia Hoàng Nghiêm

Ngoài ra, anh còn học lóm những tiết mục ảo thuật của nước ngoài qua các chương trình giải trí trên ti vi. Điểm đặc biệt, chỉ cần xem qua 1 - 2 lần các trò đơn giản là anh có thể biết được bí ẩn của trò ảo thuật và có thể làm lại được. Trong những năm học cấp 3, anh cứ tự mày mò học ảo thuật theo cách này, khi bước chân vào đại học, anh bắt đầu đi diễn.

Với gương mặt điển trai, vóc dáng thư sinh, cộng thêm tài năng ảo thuật, thời sinh viên, Hoàng Nghiêm khá nổi, được bạn bè ngưỡng mộ. Một lần biểu diễn tại trường, anh đã lọt vào mắt xanh của lãnh đạo Đoàn Văn công Đồng Tháp, đó cũng là mối duyên để anh theo đoàn về Đồng Tháp biểu diễn. Ngay lần đầu tiên xuất hiện, Hoàng Nghiêm đã được khán giả nơi đây yêu thích và xem anh như một “ngôi sao”. Tuy nhiên, Hoàng Nghiêm chỉ diễn vài ngày, sau đó phải quay về trường học tiếp.

Tốt nghiệp đại học năm 2000, anh về làm việc cho một trung tâm văn hóa, làm chừng 2 năm, anh lại nhận được lời mời từ Đoàn văn công Đồng Tháp và quyết định từ bỏ công việc ổn định, theo đoàn rày đây mai đó với thu nhập chỉ khoảng 300 nghìn đồng/tháng. Cuộc sống bấp bênh nhiều lúc khiến anh có ý định từ bỏ ảo thuật, nhưng do quá đam mê, anh lại tiếp tục theo đuổi.

Điều đặc biệt nữa, Hoàng Nghiêm không đi vào lối mòn với những tiết mục đã quá quen thuộc, mà luôn tự mày mò, học hỏi và sáng tạo ra nhiều tiết mục có sử dụng các đạo cụ kích cỡ lớn. Từ năm 2007, Hoàng Nghiêm chuyển sang ảo thuật đồ lớn, 1 năm sau, anh được Huy chương đồng cho tiết mục ảo thuật thay đầm dạ hội và người bay trên không tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần thứ nhất. Từ đó, sự nghiệp ảo thuật của anh bước sang trang mới, từng bước khẳng định được vị trí của mình.

Chú thích ảnh
Tiết mục 2 người bay xác lập Kỷ lục Việt Nam

Tương lai của đạo cụ đồ lớn

Ảo thuật đồ lớn thường đòi hỏi cao về kinh phí đầu tư và rủi ro trong việc thu hồi vốn, nên ước tính cả nước hiện chưa có đến 20 ảo thuật gia theo đuổi thường xuyên. Hoàng Nghiêm hiện là một trong những ảo thuật gia tài năng, tiêu biểu của ảo thuật đồ lớn tại Việt Nam.

Ở Việt Nam không có nhiều dụng cụ đồ lớn, mà việc đặt mua ở nước ngoài thì chi phí rất cao, vận chuyển tốn kém. Từ nhu cầu thiết yếu của các ảo thuật gia, Hoàng Nghiêm đã nghiên cứu, học hỏi từ các dụng cụ nước ngoài để sáng tạo ra các dụng cụ ảo thuật “Made in Việt Nam”, với giá thành rẻ và thiết kế phù hợp với người Việt.

Nghề ảo thuật thường chia ra 3 trường phái: trò khéo, đường phố, đồ lớn. Đạo cụ quyết định phần lớn bí mật và sự thành công của các tiết mục ảo thuật đồ lớn. Vì muốn giữ bí mật chiêu trò và tìm kiếm sự độc đáo, mà bản thân không tự chế được, nhiều ảo thuật gia đã tìm đến với Hoàng Nghiêm.

Hiện tại, Hoàng Nghiêm đã trở thành nhà cung cấp dụng cụ ảo thuật hàng đầu ở TP.HCM. Một số ảo thuật gia nước ngoài cũng đặt hàng, ví dụ Mago Nikolas Liotatis lặn lội đến tận xưởng đặt mua khá nhiều sản phẩm như người bay 360 độ, người bay nhỏ, thùng làm biến mất người, bàn chông, một số đồ ảo thuật có kích thước nhỏ như lồng chim, gậy, súng ảo thuật…

Ưu điểm của các dụng cụ ảo thuật Việt Nam là thiết kế có nét riêng, tiện lợi, giá thành rẻ… nên nhiều khách hàng nước ngoài rất ưa thích. Tuy nhiên, theo Hoàng Nghiêm, chi phí vận chuyển đôi khi cao bằng với giá mua dụng cụ nên nhiều khách hàng nước ngoài dù thích nhưng vẫn phải tiếc nuối.

“Tôi đang nghĩ tới việc bán các thiết kế đồ lớn, như vậy mình vừa tiết kiệm được tiền vận chuyển cho người mua hàng, vừa nhân rộng được thương hiệu của Việt Nam” - Hoàng Nghiêm cho biết.

Mới đây, anh được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ảo thuật quận Thủ Đức - một “mái nhà chung” của nhiều ảo thuật gia tại TP.HCM. Đây là nơi sinh hoạt chuyên môn, chia sẻ đam mê và thắt chặt tình đoàn kết. Hoàng Nghiêm cũng đang ấp ủ nhiều dự án lồng ghép ảo thuật với các loại hình giải trí độc đáo, hấp dẫn để thu hút khán giả nhiều hơn.

Tập 10 ‘Kỳ tài lộ diện”: ‘Hot boy làng xiếc’ đu cột trên không ‘đốn tim’ khán giả

Tập 10 ‘Kỳ tài lộ diện”: ‘Hot boy làng xiếc’ đu cột trên không ‘đốn tim’ khán giả

Với sự hỗ trợ của 5 nghệ sĩ xiếc trẻ đến từ đoàn xiếc TP.HCM, “hot boy” Trịnh Thắng mang đến tập 10 Kỳ tài lộ diện một tiết mục đu cột tập thể và tạo hình trên không đẹp mắt,“đốt tim” khán giả...

Như Hà

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...