40 năm giữ gìn, phát triển Hội thơ làng Chùa: Để thơ ca trở thành một di sản của làng
Có một hội thơ nằm trong một ngôi làng có truyền thống yêu thơ và làm thơ từ lâu đời. Thơ ca xuất hiện trong hương ước của làng như một minh chứng. Đó là Hội thơ làng Chùa (tức làng Hoàng Dương, xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội).
Việc giữ gìn và phát triển Hội thơ làng Chùa đã được đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022 ở hạng mục Giải Việc làm. Lễ trao giải sẽ diễn ra vào 14h, ngày 6/10 tới tại Hà Nội.
Để hiểu hơn về hội thơ, làng thơ đặc biệt này, Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, thành viên Hội thơ làng Chùa, cũng là một người con của làng Chùa với một tình yêu quê hương và thi ca da diết.
“Người làng Chùa luôn coi thi ca là một giá trị”
*Được biết, mới đây Hội thơ làng Chùa tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm thành lập. Vậy xin ông cho biết đôi nét hội thơ cũng như truyền thống yêu thơ và làm thơ của người làng Chùa?
- Người làng Chùa yêu thơ và làm thơ trước hết là truyền thống có từ xa xưa. Từ năm 1936, tao đàn thơ làng Chùa đã được thành lập. Các vị bô lão làng Chùa khi xưa sinh hoạt thơ theo các phiên chợ. Hồi đó, các cuộc thi thơ, bình thơ của tao đàn thường xuyên được tổ chức tại đình, chùa của làng. Và giải thưởng bấy giờ cho những bài bình thơ hay nhất, cho những bài thơ hay nhất thường chỉ là một chiếc quạt giấy. Tinh thần của thi ca làng Chùa từ đó đến nay vẫn kêu gọi con người sống tử tế, nhớ đến nguồn cội, quê hương và về những vẻ đẹp của văn hóa, của đời sống.
Sau này, do điều kiện lịch sử, tao đàn thơ làng Chùa phải tạm dừng. Đến năm 1982, với truyền thống yêu thơ ca, người làng Chùa quyết định tái lập tao đàn thơ với tên gọi Hội thơ làng Chùa, hoạt động cho đến nay. Hội thơ làng Chùa gồm những người làng Chùa, những người yêu thơ ca và tôi cũng là một thành viên.
Hiện nay, vào tối thứ Năm hàng tuần tại làng Chùa đều diễn ra các chương trình thơ. Người làm thơ chúc thọ, người làm thơ phê phán những gia đình sống thiếu văn hóa, khuyên giải vợ chồng. Người làm thơ nói về việc cày cấy. Người làm thơ nuôi dạy con cháu hiếu thảo, hay ca ngợi những vẻ đẹp của quê hương, cuộc sống,… Các chương trình thơ của người làng cũng được phát đi thường xuyên trên hệ thống phát thanh.
Ở làng Chùa hầu như ai cũng yêu thơ, kể cả những người làng đã đi công tác xa trở lại quê hương cũng sinh hoạt hội thơ đều đặn. Đó là tình yêu thơ của làng Chùa. Không chỉ yêu, người làng Chùa luôn coi thi ca là một giá trị. Trong hương ước của làng Chùa có câu rằng: Người làng Chùa lấy đức làm gốc, lấy thơ để truyền đức.
*Rõ ràng có thể thấy không chỉ trong hội thơ, mà người làng Chùa đã có một truyền thống yêu thơ và coi trọng giá trị của thơ ca, như đã xuất hiện trong hương ước. Với vị trí quan trọng như vậy, thơ ca xuất hiện như thế nào trong đời sống của người làng Chùa, thưa ông?
- Ngoài sinh hoạt thường xuyên của Hội thơ làng Chùa, trong các sự kiện của làng thơ ca đều được vang lên. Vào ngày mùa, hay khi cưới xin, ma chay, trong những nghi lễ, hay trong những biến cố, mọi sự kiện của làng Chùa, thơ ca đều xuất hiện và đóng góp. Có những đám cưới của con cái, cháu chắt, thì cha mẹ, ông bà cũng đọc thơ để chúc mừng hạnh phúc, dặn dò con cháu.
Người làng Chùa làm thơ rất giản dị, với những thể thơ truyền thống như lục bát, song thất lục bát, hay tứ tuyệt, thơ vần,… Thơ người làng Chùa nói về tất cả sinh hoạt của người làng, và ca ngợi vẻ đẹp làng quê của mình. Người làng Chùa có thể sinh hoạt thơ ca trong những ngôi nhà nhỏ bé của mình. Nhưng thông thường họ chọn đình làng là nơi sinh hoạt để làm thơ, đọc thơ và bình thơ.
Đến ngày hội làng 13 tháng Giêng hàng năm, có những hoạt động chính là thi cây cảnh và thi đọc thơ, bình thơ. Hương ước làng Chùa cũng có một câu rằng: Vào ngày hội làng, thiên hạ thì mổ trâu, mổ bò, uống rượu, chơi cờ, đánh bạc, còn người làng Chùa ta thì đốt trầm để đọc thơ… Mừng thay, mừng thay, mừng thay đất này sinh ra các nhà thơ.
Tinh thần thi ca xa xưa của người làng Chùa đã có như thế!
Cho nên người làng Chùa có rất nhiều câu viết về thơ ca, viết về cuộc sống, dặn dò con cái đúc kết thành những bài học cuộc sống. Và ngày xưa, họ viết thơ lên khắp các tường đi dọc làng với những câu như: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Hay: “Sông Đáy lúc cạn, lúc vơi, nhưng một lòng hướng về biển cả. Thơ người làng Chùa lúc nồng, lúc nhạt, nhưng luôn hướng về đạo lớn”. Đạo lớn đó là đạo làm người. Tinh thần của người làng Chùa là lấy thơ ca để truyền đi những giá trị, bài học dạy dỗ con cháu của tổ tiên, cha mẹ.
Những sinh hoạt thơ ca của người làng Chùa diễn ra thường xuyên và phổ biến như mọi sinh hoạt thường hằng. Có những người làm được những câu thơ mới đến nhà đọc cho nhau nghe. Đến những sự kiện của làng đương nhiên thơ ca sẽ vang lên, cũng như nhiều sinh hoạt khác của người dân làng Chùa đều gắn với thơ ca. Thơ song hành với đời sống cấy trồng, gặt hái, buồn vui,… Thơ đồng hành suốt biết bao nhiêu năm tháng cùng với người dân làng Chùa.
*Là một nhà thơ sinh ra và lớn lên ở làng Chùa, trong sự chứng kiến cá nhân từ xưa cho tới nay, theo ông thơ ca có vai trò như thế nào trong đời sống của người dân làng Chùa?
- Trước hết, thơ làm cho người ta yêu mảnh đất đó, yêu làng của mình, yêu tổ tiên, ông bà. Thứ hai, đôi khi trong thơ có những điều răn dạy, hay nói cách khác, để giáo dục những thế hệ trẻ, con cháu thì người ta dùng thơ ca. Bởi thế, thơ làng Chùa đa dạng như thơ giễu nhại một người hay đánh vợ, một người hay uống rượu, hoặc có những hành vi bất hiếu với cha mẹ, hay có những cử chỉ không tôn trọng thầy cô,…
Cho nên, ở làng Chùa cứ độ hai năm một lần lại tổ chức một cuộc thi thơ cho trẻ em. Đến nay, làng Chùa đã tổ chức 5 cuộc thi thơ cho trẻ em ở làng và các vùng lân cận, để viết về ông bà, cha mẹ, thầy cô, bạn bè, quê hương.
Và người làng Chùa cũng đã tổ chức được 2 cuộc thi thơ toàn quốc mang tên Thi ca và Nguồn cội để kêu gọi các nhà thơ, những người yêu thơ ca hãy viết về mảnh đất mình sinh ra, lớn lên có tổ tiên, ông bà, cha mẹ, có thiên nhiên, có sông núi, có cánh đồng và kêu gọi những vẻ đẹp. Mỗi lần được tổ chức, cuộc thi thơ đều nhận được sự tham gia đông đảo của hàng ngàn tác giả. Trong đó có rất nhiều nhà thơ tên tuổi, nhà thơ chuyên nghiệp, nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn tham dự. Lần thứ nhất, cuộc thi đã trao giải nhất cho nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú với Trường ca Biển. Cuộc thi lần thứ hai, giải nhất thuộc về nhà thơ Đinh Thị Như Thúy với Những ngày Đông gió thổi. Và cả 2 nhà thơ này đã trở thành công dân danh dự của làng Chùa.
Yêu thơ ca, sáng tạo thơ ca… vẫn bền bỉ
*Ở góc độ của một nhà thơ chuyên nghiệp, ông có cảm nghĩ gì về những bài thơ được viết ra bởi những người dân làng Chùa?
- Trước hết về nghệ thuật, họ viết rất giản dị. Đó là những lời từ trong tâm hồn, trong lòng mà họ suy nghĩ, họ cất lên. Không thể đòi hỏi nghệ thuật cao ở họ bởi những người làm thơ hầu hết là những người nông dân. Thế nhưng cái tình trong những bài thơ lại hết sức sâu sắc, cái yêu sâu sắc. Tôi cho đó là một điều quan trọng.
Chúng ta có những nhà thơ làm thơ để thay đổi ngôn ngữ thi ca trong tiếng Việt, hay để tác động vào sự phát triển văn học, trong lĩnh vực thi ca. Nhưng cũng có những người làm thơ như người làng Chùa, đã tạo dựng một đời sống, một tinh thần sống cho một cộng đồng, cho một vùng đất. Người làng Chùa làm thơ để tạo lên một đời sống văn hóa của cộng đồng đó. Nó lan tỏa, chia sẻ, kêu gọi những điều tốt đẹp, nhắc nhở, cảnh báo những điều xấu xa. Nó kêu gọi bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ văn hóa, bảo vệ gia đình. Tôi cho rằng tác dụng của thơ làng Chùa nằm ở những điều này.
Theo thời gian, nghệ thuật trong thơ của người làng Chùa mỗi ngày có thể cao lên và nhuần nhuyễn hơn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất ở một cộng đồng sinh hoạt thơ ca như làng Chùa, chính là tinh thần của đạo đức, của lẽ sống và tinh thần của văn hóa. Đây là hai tinh thần quan trọng và thơ làng Chùa chứa đựng cả hai điều đó. Một là, những vẻ đẹp văn hóa của một vùng làng quê truyền thống. Hai là những vẻ đẹp về lẽ sống của con người.
*Phong trào thơ ca đang nở rộng ở nhiều làng quê với những câu lạc bộ thơ quần chúng khá phát triển. Ở một chừng mực so sánh nào đó, với những đặc điểm độc đáo, phải chăng sinh hoạt thơ ca ở làng Chùa nói chung, và ở Hội thơ làng Chùa nói riêng có những sự khác biệt nhất định, thưa ông?
- Trước hết, thơ ca làng Chùa có một nguồn gốc và một lịch sử lâu dài từ xa xưa. Hai là, người làng Chùa làm thơ như một “nhiệm vụ” tự thân. Mãi sau này, nhiều người mới biết về làng Chùa đã sống và làm thơ như vậy. Người làng Chùa cũng không có ý định là để cho mọi người phải biết rằng mình đang sống và làm thơ. Thay vào đó, họ chỉ thấy rằng việc làm thơ cần thiết cho cho chính bản thân, cho gia đình, cho dòng họ, cho làng của mình. Hơn nữa, trong bất cứ hoàn cảnh nào thì việc yêu thơ ca, sáng tạo thơ ca của người làng Chùa vẫn bền bỉ.
Có những thời điểm cách đây 40 năm với những khó khăn về đời sống kinh tế, cả những năm trước khi thành lập Hội thơ làng Chùa, những người làng vẫn sinh hoạt thơ ca như một truyền thống. Họ sinh hoạt thơ trong năm tháng chiến tranh, trong những ngày sau hòa bình. Việc thành lập hội thơ sau này như một cách để thúc đẩy tình yêu thơ ca của người làng lên cao hơn nữa.
Đặc biệt, người làng Chùa chưa bao giờ nói về mức độ, vị trí của thơ ca, mà chỉ kêu gọi con người sống tử tế bằng một hình thức là thơ ca. Chính điều này làm nên sự khác biệt với những CLB thơ quần chúng khác. Cần nhắc lại, người làng Chùa làm thơ như một “nhiệm vụ” tự thân. Họ sinh hoạt thơ hằng ngày, đi làm đồng đọc thơ, ngồi trong nhà đọc thơ, khi ăn cỗ đọc thơ, bên cạnh người mất cũng đọc thơ để chia sẻ,… Thơ ca như tiếng nói hàng ngày của người làng Chùa, trong đó chứa đựng những sự biến động về tình cảm, về những sự kiện, về mưa nắng, về mùa màng của người làng Chùa… tất cả đều hiện lên trong thơ ca.
Và người làng Chùacũng luôn luôn nhận mình không phải là những nhà thơ, hay biết làm thơ giỏi. Họ chỉ dùng thơ ca như một hình thức ở mức độ nào đó, để truyền tải tinh thần sống và quan niệm sống của họ, cũng như để giáo dục con cháu.
*Trước đó, ông có chia sẻ, sinh hoạt thơ ca làng Chùa chủ yếu để tạo lập một đời sống văn hóa. Ở một khía cạnh nào đó, ông có cho rằng sinh hoạt thơ ca ở làng Chùa đang làm đẹp hơn đời sống văn hóa cho Hà Nội hôm nay?
- Làng Chùa là một ví dụ cho một cộng đồng làng xóm mà ở đó thơ ca được lan tỏa. Thơ ca là gì? Nó là một vẻ đẹp của tâm hồn, là ý thức sống, là lẽ sống. Người làng Chùa có câu: “Thuộc một câu thơ hay, quên một câu chửi độc”. Tức là khi những câu thơ được vang lên bằng tâm hồn, cho dù mộc mạc, đơn giản cũng hiện lên một vẻ đẹp và khi vẻ đẹp đó hiển lộ sẽ lấn át những điều xấu xa. Cho nên, gặp người làng Chùa, họ rất hay nói hài hước, hóm hỉnh. Họ gặp khách, tiếp khách về làng rất ân cần, chia sẻ.
Ở làng Chùa, khi có những khúc mắc giữa người này với người kia, hay trong gia đình, thơ ca được mang đến. Thơ giải tỏa những nóng giận, xích mích. Nó khác một lời góp ý, một lời khiển trách. Trong thơ có chê trách, có phê phán, có góp ý, thậm chí có những phán định với những hành động chưa phải, nhưng bằng thơ ca đã giúp những người tiếp nhận có một tinh thần hoàn toàn khác.
Trước đây, một số nhà văn, nhà thơ không đồng ý để các CLB thơ phát triển nhiều như hiện nay. Họ cho rằng, như vậy sẽ ảnh hưởng đến thi ca. Đó là sự nhầm lẫn. Mỗi sinh hoạt thơ ca đều hướng về cái đẹp, ngay cả với những tử tù. Cách đây nhiều năm, tôi từng đến một trại giam và đọc thơ của những người tử tù. Họ làm những bài thơ, mặc dù trước đó có thể không làm thơ. Họ gửi cho cha mẹ, gửi cho anh em, vợ chồng, thậm chí họ gửi cho gia đình nạn nhân mà họ đã gây tội. Ở đó, phần con người bắt đầu hiện ra đầy sám hối để ân hận, dẫu chẳng thay đổi được tội ác nhưng nó sẽ gieo vào lòng những người khác nhiều điều. Đó là sự cần thiết của thơ ca.
Đến giờ, có càng nhiều người làm thơ, thì càng nhiều người ý thức về cái đẹp, ý thức về lòng nhân ái hơn. Điều này sẽ tác động đến đời sống thật sự. Trong lúc đời sống với những vô cảm, giá lạnh của con người với con người đang là một sự cảnh báo thì tất cả những điều (như thơ ca) mang vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp của tâm hồn, vẻ đẹp của lẽ sống sẽ cần thiết vô cùng và nó cần bước vào đời sống. Và người Việt Nam là người rất thích nghe thơ ca và chọn lựa thơ ca như một hình thức hiệu quả trong việc chia sẻ, bày tỏ, truyền bá, thậm chí giáo dục con người.
“Người làng Chùa có câu: “Thuộc một câu thơ hay, quên một câu chửi độc”. Tức là khi những câu thơ được vang lên bằng tâm hồn, cho dù mộc mạc, đơn giản cũng hiện lên một vẻ đẹp và khi vẻ đẹp đó hiển lộ sẽ lấn át những điều xấu xa” (Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều). |
Phục hồi vẻ đẹp ngàn năm văn vật
*Có lẽ phải nói rằng, hiếm có một nơi nào như ở làng Chùa, nơi có một làng thơ đúng nghĩa. Với tất cả những sự độc đáo, đặc biệt, thậm chí là duy nhất của mình, theo ông Hội thơ làng Chùa có đóng góp như thế nào cho diện mạo văn hóa tinh thần của Hà Nội từ xưa đến nay?
- Đã có rất nhiều câu câu lạc bộ về làng Chùa. Họ muốn học cách để thơ có thể lan tỏa như ở làng Chùa, thay vì vẫn sinh hoạt như những người chỉ biết thơ với nhau. Ở làng Chùa, đời sống thơ ca không phân định giữa những người làm thơ và những người không làm thơ. Tất cả đều hòa đồng.
Sinh hoạt thơ ở làng Chùa nói chung, ở Hội thơ làng Chùa nói riêng, tôi nghĩ sẽ có tác động nhất định vào đời sống văn hóa tinh thần của Thủ đô, mang trở lại sự lịch thiệp, nét đẹp tinh tế, hào hoa cũng như đầy sâu sắc. Bởi, viết thơ, dù hay hay chưa hay nhưng ở mức độ nào đó cũng sẽ thể hiện được những vẻ đẹp của ngôn ngữ rất sâu sắc, tinh tế, chia sẻ, và đầy lòng bác ái.
Dẫu trước kia làng Chùa thuộc Hà Tây (cũ), nhưng đã nằm trong vùng văn hóa lân cận, mang vẻ đẹp của đất kinh thành. Trước đây, kinh thành Thăng Long có những tao đàn thơ của những người trí tuệ cao, học vấn lớn, các nhà nho nhưng dần dần cũng đã lan tỏa và tác động trong đời sống.
Ở một chừng mực nào đó, đời sống thơ ca ở làng Chùa bắt đầu củng cố lại những giá trị văn hóa truyền thống, và mở ra những vẻ đẹp của con người, kêu gọi sự hàn gắn giữa con người với con người, và bảo vệ những vẻ đẹp của mảnh đất mà mỗi người được sinh ra và lớn lên. Hà Nội cần điều này và không chỉ Hà Nội mà nhiều nơi khác cũng cần điều này, thậm chí ở trên thế giới.
Ví như, khi ông Chủ tịch của Hội Nhà văn Colombia tìm hiểu về làng thơ-làng Chùa, ông đã viết trên báo Colombia rằng: Chúng ta cần nhiều làng Chùa hơn nữa ở Colombia. Cũng trong một bài trả lời phỏng vấn dài của tôi trên báo Colombia cách đây hơn 10 năm trong một lần tôi dự liên hoan thơ ở đó, họ hỏi thơ ca ở Việt Nam, tôi đã kể về đời sống thi ca ở làng Chùa. Tôi nhắc đến câu nói của người làng Chùa: “Thơ ca không làm ra lúa vàng, gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho người gieo trồng”. Những nhà thơ Colombia khi ấy đã rất thích thú và suy nghĩ về câu nói đó của người làng Chùa. Bởi thơ ca không làm ra vật chất nhưng nó làm ra những giấc mơ đẹp. Khi con người không có một giấc mơ đẹp thì họ không thể làm được một điều gì cho cuộc đời mình hay cho cộng đồng.
*Ông có nhắc tới những tao đàn thơ từ xa xưa trên đất Thăng Long nói riêng và vùng văn hóa kinh thành nói chung. Liệu có thể coi làng Chùa là một ví dụ điển hình để phát huy những giá trị thơ ca đã trở thành truyền thống cho đến nay của Hà Nội?
- Đúng như thế. Bởi, khi xưa các bậc cao niên đã kể về tao đàn thơ ở làng Chùa, với đầy hào hoa, đầy thanh lịch, đầy sâu sắc nhưng cũng đầy giản dị trong đời sống. Phải nhớ rằng, thơ ca không phải một văn bản, một bài thơ cụ thể. Nó là tinh thần sống của con người được hiển hiện qua thi ca. Đất Tràng An khi xưa đã có những tao đàn, có những sinh hoạt đầy văn hóa, sâu sắc và giản dị như vậy.
Thơ ca làm lên phong cách, làm lên cốt cách của rất nhiều vùng đất, đặc biệt như Hà Nội, như Huế, như Kinh Bắc, hay nhiều vùng đất khác. Ở đó có những vẻ đẹp, những vẻ đẹp cho đến giờ cần phải được lưu giữ và phát triển, tất nhiên sẽ phải phù hợp với đời sống đương đại. Song, đời sống hiện đại này chỉ giúp có các phương tiện để truyền bá những vẻ đẹp của thi ca hay vẻ đẹp của văn hóa, của lẽ sống thông qua thi ca được lan rộng hơn đến mọi người. Ngày xưa không có đài phát thanh, cũng không có những hình thức truyền bá khác. Còn bây giờ ở làng Chùa có đài phát thanh giúp những chương trình đọc thơ, chia sẻ thơ, bình thơ, tâm sự của những người làm thơ,… lan tỏa để cả làng đều được tiếp cận với thơ ca.
Tất cả những điều này sẽ góp phần phục hồi những vẻ đẹp ngàn năm văn vật của mảnh đất này đang bị chúng ta lãng quên. Những vẻ đẹp khi đã trở thành một vẻ đẹp của văn hóa thì không có tuổi, không cũ kỹ. Nó sẽ sống qua các thời đại với một hình thức khác. Tôi nghĩ rằng Hội thơ làng Chùa có chức năng như vậy. Nó không định làm điều đó nhưng tự thân hoạt động của Hội thơ làng Chùa và những điều họ đang làm cho chúng ta suy ngẫm về điều đó.
- Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 15-2022: Công bố 9 đề cử, vẫn bí mật Giải thưởng Lớn
- Công bố Đề cử Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 15 - 2022
- Khởi động 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' lần 15- 2022
*Trở lại với Hội thơ làng Chùa, cho đến nay đã trải qua 40 năm xây dựng, giữ gìn và phát triển kể từ ngày tái thành lập. Vậy theo ông, bằng những lý do nào mà cho đến nay làng Chùa vẫn duy trì được truyền thống thơ ca và ngày càng phát triển?
- Có rất nhiều lý do. Một là, hầu như người làng Chùa đều làm thơ, người làm ít, làm nhiều. Có những khi tôi đi công tác xa trở về, bước trên đường làng, có người vừa đi cấy về, “bắt” tôi dừng lại và nhờ nghe hộ bài thơ vừa làm đêm qua xem có được không? Như thế để thấy, trước hết có những hạt nhân vô cùng yêu thơ ở làng Chùa. Hai là, thơ ca được cả làng đón nhận, và ai cũng yêu thơ. Ba là, có những hạt nhân rất tích cực và họ làm thơ không phải để trở thành nhà thơ, hay để mọi người biết đến, mà họ thấy cần thiết trong đời sống sinh hoạt của làng quê.
Hơn thế, chính quyền thôn cũng tham gia vào đời sống thơ ca của địa phương, như bí thư chi bộ, chủ nhiệm, hay trưởng thôn đều là những hội viên hội thơ, đều làm thơ. Ở làng Chùa, giữa chính quyền, giữa những dòng họ, giữa bô lão, giữa những người trẻ, cho đến cả trẻ em đều yêu thơ và đều cùng cất tiếng. Chính vì thế, thơ ca trở thành một văn hóa chung của người làng Chùa, phát triển và bền vững cho đến tận hôm nay.
Nếu chỉ có một vài người thích thơ, vì thực tế làng nào cũng có những người làm thơ, nhưng để tạo ra một đời sống của thi ca thực sự, như một sự linh thiêng ở làng đó (như ở làng Chùa) thì không phải làng nào cũng làm được. Đời sống thơ ca ở làng Chùa thống nhất tất cả, sự yêu thi ca, sự thấy thơ ca có tác động quan trọng trong đời sống. Nó giúp người ta truyền tải những vấn đề của đạo đức, của lối sống, của văn hóa làng quê. Nó bảo vệ được vẻ đẹp truyền thống của làng đó và chia sẻ được với con người bằng những tác động trong đời sống thực sự. Nó đồng nhất giữa mọi người, từ những đứa trẻ, những người thanh niên, với những người già, và cả chính quyền thôn. Nó hòa hợp tất cả, mọi người ở bất kỳ vị trí nào, ở địa vị nào, ở lứa tuổi nào trong làng Chùa cũng đều yêu thơ. Để thơ trở thành một di sản của làng, cũng như trở thành một hơi thở của làng, mà người làng không thể rời bỏ được.
*Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
3 đề cử Giải Việc làm – Vì tình yêu Hà Nội 1. Dự án "Bảo tồn, sửa chữa, chống xuống cấp nhà biệt thự 49 Trần Hưng Đạo - 46 Hàng Bài" 2. Bốn mươi năm xây dựng, giữ gìn, phát triển Hội thơ làng Chùa" (tức làng Hoàng Dương, thuộc xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội). 3. Việc "Trùng tu, tôn tạo, bảo tồn Di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao". |
Công Bắc (Thực hiện)