30 năm Giải Phim châu Âu: Dùng tiếng cười để truyền tải những thông điệp lớn
(Thethaovanhoa.vn) - Trong 30 năm phát triển, Giải Phim châu Âu đã chứng minh rằng đây là giải độc đáo mang khí chất châu Âu, không bị ảnh hưởng bởi chính trị, là nơi thể hiện sự cam kết và sáng kiến của châu Âu đối với môi trường điện ảnh.
Tất cả bắt đầu từ một chai vang trắng. Thượng nghị sĩ Berlin về các vấn đề văn hóa Volker Hassemer và Erika Gregor, người đồng sáng lập Diễn đàn Berlin, trong lúc nhâm nhi đã ngẫm nghĩ xem làm thế nào để tăng sức nặng cho điện ảnh châu Âu.
Ngày càng “dân chủ”
Các cuộc thảo luận của họ sau đó đã làm nên một gala kỷ niệm điện ảnh “made in Europe” vào năm 1988, năm được Liên minh châu Âu chỉ định là Năm Rạp chiếu phim và Truyền hình châu Âu.
Theo ý tưởng ban đầu, Giải Phim châu Âu (EFA) chỉ là một sự kiện tổ chức vào cuối năm 1988 ở Berlin với tư cách là Thành phố Văn hóa châu Âu. Tuy nhiên, khi các nhà làm phim từ phía Tây và Đông cùng tụ họp lại với nhau, họ rất vui mừng trước sáng kiến này và quyết định thành lập Học viện Điện ảnh châu Âu.
Từ khi Học viện được thành lập năm 1989 dưới sự bảo trợ của 40 nhà làm phim châu Âu, nó chính thức trở thành đơn vị tổ chức EFA, thay vì coi đây là sự kiện văn hóa của thành phố.
Ban đầu, thể lệ giải cũng giống như hạng mục phim nước ngoài của Oscar: mỗi quốc gia chọn ra một ứng cử, dù rõ ràng các nước cân nhắc tới vấn đề chính trị hơn là tập trung vào các tiêu chí nghệ thuật. Một ban giám khảo sau đó sẽ chọn ra danh sách đề cử và tác phẩm chiến thắng cuối cùng. Quy tắc này tới năm 1996 mới thay đổi. Khi này, dân chủ hơn, sau khi có đề cử, tất cả các thành viên Học viện đều có quyền bỏ phiếu để chọn ra các chiến thắng cuối cùng.
Quyết định tích cực này đã giúp giải thưởng được mở rộng, công nhận thành tựu của nhiều nhóm người bao gồm các nhà thiết kế trang phục, biên tập, thiết kế âm thanh và nghệ sĩ trang điểm. Phim dự thi cũng không nhất thiết phải do nhà nước chọn ra.
Nhìn lại lịch sử 30 năm, có thể thấy các nhà tổ chức đã thay đổi thể thức để phù hợp với thị hiếu và các đối tượng khán giải khác nhau. Bằng chứng là EFA đã bổ sung thêm Giải khán giả trẻ (YAA) cách đây 5 năm và Giải Phim các trường đại học châu Âu (EUFA) cách đây 1 năm. Năm nay, khoảng 2.000 khán giả từ 12 tới 14 tuổi ở 31 quốc gia châu Âu đã tới thảo luận và bỏ phiếu cho 3 đề cử YAA. Còn giải EUFA 2017 cũng thu hút được 20 phim.
Bản sắc châu Âu
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp điện ảnh châu Âu cho rằng EFA vẫn chỉ là giải cục bộ. “Chắc chắn, các giải EFA giúp những phim như Ida hay Youth có đà để tới Oscar nhưng tôi không thấy nó có tác động lớn tới khán giả. Tất cả mọi người ngoài ngành công nghiệp đều không quen thuộc với giải này” - theo CEO New Europe Film Sales Jan Naszewski.
Năm ngoái, nhiều người còn buộc tội giải chính trị hóa. Tại lễ trao giải, trong bài phát biểu của mình, chủ tịch Học viện Điện ảnh châu Âu Wim Wenders nhấn mạnh sự leo thang của chủ nghĩa dân túy trên toàn lục địa.
“Đây là căn bệnh lâu đời và tệ hại nhất châu Âu. Làm thế nào nó lại trở lại vào lúc nào? Các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân túy cùng với những lời dối trá đe dọa giết chết những giấc mơ đáng tự hào nhất của chúng ta” - ông Wenders nói trên sân khấu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, năm ngoái, giải Phim xuất sắc nhất đã trao cho Toni Erdmann, một bộ phim hài về tình cảm cha con, nêu lên những vấn nạn xã hội và hầu như không có bóng dáng chính trị. Còn năm nay, Cành cọ vàng The Square, tác phẩm cũng mang tính xã hội, đặc biệt liên quan tới nghệ thuật, được tôn vinh ở hạng mục cao nhất này. Không những thế, nó còn giành cả giải cho đạo diễn, diễn viên, kịch bản và phim hài châu Âu.
“Chúng tôi muốn nói điều gì đó quan trọng, nhưng chúng tôi muốn nó cũng mang tính giải trí và thú vị. Tôi nghĩ đấy là một phần trong cách tiếp cận của châu Âu” - đạo diễn Ruben Ostlund nói trong phát biểu nhận giải.
Trong khi một số chuyên gia khuyên giải nên tập trung vào những tác phẩm gây xúc động như Oscar và Eurovision Song Contest hay mời nhiều sao tới dự lễ trao giải để thu hút công chúng, nhưng rõ ràng EFA đang có những bước đi phù hợp với xu thế, nhưng không để mất bản sắc của riêng mình.
Trailer "The Square", bộ phim đoạt bốn giải quan trọng tại Giải Phim châu Âu năm nay:
Nữ diễn viên xinh đẹp Julie Delpy nhận giải Cống hiến Một trong những điểm nhấn của EFA năm nay đó là giải Cống hiến trao cho Julie Delpy, nữ diễn viên xinh đẹp nhưng rất “khó nhằn”, người cho rằng thành tựu lớn nhất của cô là “đã sống sót được trong ngành này 30 năm”. Ngoài ra, một số giải khác là giả Nữ diễn viên châu Âu cho Alexandra Borbely (On Body and Soul), Phim tài liệu châu Âu cho Communion và Phim Hoạt hình châu Âu cho Loving Vincent. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)