20 năm một 'Tủ sách Tuổi mới lớn'
20 năm là chặng đường dài đối với một tủ sách văn chương viết cho thế hệ học trò, thường không được đánh giả là đủ “hàn lâm”. Nhưng nó góp vào đời sống tinh thần của một thế hệ trẻ thứ cảm xúc chân phương, sự đồng điệu - và với nhiều người đó là hạt mầm văn chương đầu đời mà những trang viết này đã gieo vào lòng họ.
1. “Bắt đầu bằng những tên tuổi gắn với nhiều thành tựu: Đinh Tiến Luyện, Đoàn Thạch Biền, Nguyễn Thái Hải, Mường Mán, Từ Kế Tường, Bùi Chí Vinh… tủ sách thu hút sự chú ý của hầu hết các cây bút đang sung sức trên địa hạt đặc biệt này: Phan Hồn Nhiên, Nguyên Hương, Nguyễn Thị Châu Giang, Vũ Đình Giang, Lưu Thị Lương, Thu Trân, Nguyễn Thu Phương, Dương Thụy, Hoàng Anh Tú, Đàm Huy Đông, Nguyễn Ngọc Thuần… Khởi đi là mỗi tháng 2 tập (2002), rồi đều đặn mỗi tuần 1 tập, đến tháng 6/2003 là mỗi tuần 2 tập (1 tập truyện ngắn, 1 tập truyện dài), tủ sách đã dành sân chơi rộng mở của bạn đọc tuổi mới lớn, nơi gặp gỡ, ngóng chờ, gửi gắm sáng tác tin cậy của hàng trăm cây bút mới.
Chính từ nơi đây, bạn đọc lần đầu tiên chào đón những tên tuổi mới của làng văn: Bùi Đặng Quốc Thiều, Văn Thành Lê, Chu Thanh Hương, Võ Thu Hương, Phương Huyền, La Thị Ánh Hường, Ngô Thị Hạnh, Nguyễn Thiên Ngân, Yến Linh, Nguyễn Văn Học, Hà Thanh Phúc, Huỳnh Tài, Chu Quang Mạnh Thắng, Hồ Huy Sơn, Trần Huyền Trang, Phạm Vũ Ngọc Nga… Nhiều lắm. Hàng trăm tác phẩm đầu tay của những bạn trẻ lần đầu chạm ngõ văn chương”.
Đó là những chia sẻ của nhà thơ Cao Xuân Sơn (nguyên Phó Giám đốc NXB Kim Đồng, Giám đốc Chi nhánh NXB Kim Đồng tại TP.HCM) trong lời nói đầu viết cho sự trở lại 4 tác phẩm thuộc Tủ sách Tuổi mới lớn nhân kỷ niệm 20 năm (2002 - 2022) ngày tủ sách ra đời.
Ta thấy điều gì ở những dòng tâm sự này?
Đầu tiên, phải kể đến những cái tên được liệt kê. Độc giả trẻ tuổi hôm nay chắc không biết nhiều tác giả thành danh kể trên có một xuất phát điểm từ tủ sách dành cho lứa tuổi mới lớn hay gọi thân thương hơn là lứa tuổi học trò.
Ai cũng từng trải qua tuổi học trò đầy hoa mộng, nhưng không phải ai cũng viết được để làm sao các bạn học trò đọc thấy thích, thấy đồng điệu. Nhiều tác giả kể trên góp giọng vào Tủ sách khi còn khá trẻ, nghĩa là chưa qua không gian của mái trường, phấn trắng, bảng đen… bao lâu, đã chọn lấy không gian gần gũi ấy để dựng câu chuyện “của mình”, những sinh hoạt, tình cảm, nhịp sống đã hằng sâu trong ký ức một thời.
Như với tác giả Dương Thụy, những tác phẩm thành danh viết sau này của chị vẫn tìm được độc giả chủ yếu là những người trẻ, với những trải nghiệm “phương xa” và tâm tình của thế hệ hiện đại. Hay Nguyễn Ngọc Thuần, từ viết cho tuổi mới lớn ngược thời gian về với tuổi thơ và cho ra tác phẩm thiếu nhi trong trẻo Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ.
Ta còn thấy tủ sách chỉ giới hạn trong một độ tuổi, nhưng có cuộc chạy tiếp sức của nhiều thế hệ tác giả, thuộc mọi vùng miền. Có những nhà văn sáng tác từ trước năm 1975 như Đoàn Thạch Biền, Từ Kế Tường… đến thế hệ các nhà văn trẻ hơn. Điều này làm cho Tủ sách luôn tiệm cận được với hơi thở của thời đại. Nói nôm na, đó là sự tiếp nối của các thế hệ “tuổi mới lớn” từ thư tình viết tay, giấu trong ngăn bàn đến những tin nhắn điện thoại và giờ đây là vô số phương tiện mới.
Kế đến phải nói về tốc độ xuất bản. Từ mỗi tháng 2 tập, đến mỗi tuần 1 tập rồi mỗi tuần 2 tập. Với riêng một tủ sách do nhà xuất bản thực hiện, tiến độ xuất bản như vậy còn hơn một tờ tuần báo thông thường. Đội ngũ của Kim Đồng hẳn phải dành nhiều tâm sức và ưu ái cho Tủ sách.
Với số lượng tác phẩm cũng như đội ngũ tác giả sáng tác cho Tủ sách Tuổi mới lớn, thêm nữa Tủ sách lại được khởi phát từ chi nhánh phía nam của NXB Kim Đồng, đều này gợi nhớ ta đến Tủ sách Tuổi hoa ở Sài Gòn trước 1975, gồm những sáng tác viết cho tuổi học trò. Tủ sách Tuổi hoa chia thành nhiều “loài hoa” phù hợp với lứa học trò miền Nam như Hoa đỏ là các truyện phiêu lưu trinh thám, Hoa tím là tình yêu chớm nở tuổi học trò và Hoa xanh là truyện về tình thân như gia đình, bạn bè.
2. Sáng 5/6 ở Đường sách TP.HCM đã diễn ra buổi giao lưu kỷ niệm 20 năm Tủ sách Tuổi mới lớn. Nhân dịp này, NXB cũng tái bản tác phẩm của một số tác giả từng gắn bó với tủ sách: nhà văn Nguyễn Ngọc Thuần với Nhện ảo, nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang với Ba chàng trai, một cô gái và những chiếc lá, và nhà văn Nguyễn Thu Thủy với Những lối về miền hoa, nhà văn Đoàn Phương Huyền với Nắng trong lòng phố...
Các tác phẩm trở lại lần này đều được tái bản trong diện mạo mới, với bìa và minh họa bắt mắt hơn. Mỹ thuật cũng là khâu được NXB Kim Đồng quan tâm. Còn nhớ những cuốn thuộc Tủ sách Tuổi mới lớn trước đây, đều có chung định dạng bìa, cách trình bày, khổ sách, điều này như một cách “nhận dạng thương hiệu” trong lòng độc giả. Nhất là độc giả tuổi học trò, những người đã dõi theo Tủ sách hàng tuần.
- Đông A ra mắt tủ sách Văn chương & Mỹ thuật
- Tủ sách 'Thiên đường không tuổi' dành cho tuổi học trò
- Tủ sách Tuổi Hoa trở lại sau 50 năm
Chính mức độ phổ thông đã giúp cho các tác phẩm của Tủ sách Tuổi mới lớn trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ học trò khắp cả nước.
Tại buổi giao lưu, nhiều thế hệ tác giả đã tề tựu cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời gắn bó với Tủ sách Tuổi mới lớn. Họ có thể đã rẽ sang một lối văn chương mới hay thậm chí đã dừng “cuộc chơi”, nhưng không thể phủ nhận Tủ sách Tuổi mới lớn như một dấu ấn trong cuộc đời.
Tái bản những tác phẩm không đơn thuần là việc “ôn cố” mà nói như nhà thơ Cao Xuân Sơn “bởi khí quyển và tinh thần của người trẻ toát ra từ mỗi trang văn ngày ấy vẫn cần, vẫn hợp với nhịp đập hôm nay”. Và vì thế, mà cuộc chạy tiếp sức của những nhà văn với sáng tác dành cho tuổi học trò vẫn tiếp tục.
Huỳnh Trọng Khang