120 năm ngày sinh Antoine de Saint-Exupery: Còn mãi tượng đài 'Hoàng tử bé'
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 29/6 vừa qua, cả thế giới đã kỉ niệm 120 năm ngày sinh của chàng phi công Antoine de Saint-Exupery, người đồng thời cũng là văn hào Pháp vô cùng nổi tiếng với cuốn sách Hoàng tử bé (The Little Prince).
Đó là cuốn truyện đầy chất thơ về một phi công trẻ gặp nạn trên sa mạc Sahara và có cuộc gặp gỡ kỳ lạ với một cậu bé ngoài hành tinh. Mang đậm màu sắc triết học, truyện vừa này đã được xuất bản năm 1943, một năm trước khi Saint-Exupery vĩnh viễn biến mất trên bầu trời.
Đam mê bay từ nhỏ
Ngay từ nhỏ, Saint-Exupery đã khao khát được bay lượn trên bầu trời và ông theo đuổi niềm đam mê ấy trong suốt cuộc đời mình, cho đến khi mất tích trong một chuyến bay vào cuối tháng 7/1944.
Nhiều năm sau khi Saint-Exupery biến mất, người ta vẫn chưa có bất cứ manh mối chính xác nào về câu chuyện này. Một số người cho rằng đây là một tai nạn song cũng có người tin máy bay của ông đã bị bắn hạ. Gần nhất, vào tháng 9/1998, ngư dân Jean - Claude Bianco đã tìm thấy một chiếc vòng tay khắc chữ trong lưới kéo của mình. Chiếc vòng ấy không thuộc về ai khác ngoài Antoine de Saint-Exupery.
Tuy nhiên, chuyến bay mất tích của Saint-Exupery không phải là khía cạnh bí ẩn duy nhất trong cuộc đời ngắn ngủi của ông.
Saint-Exupery sinh ra trong một gia đình quý tộc có 5 người con. Cha Saint-Exupery mất sau một cơn đột quỵ khi ông vẫn còn nhỏ. Và từ bé, Saint-Exupery vẫn coi mẹ mình, bà Marie Jean-Baptiste Roger de Saint-Exupery, là “người phụ nữ xinh đẹp, thông minh và chu đáo”. Sau khi chồng mất, bà Marie và 5 đứa con đã chuyển tới sống trong lâu đài của người cô.
Năm 12 tuổi, Saint-Exupery được mẹ cho đi máy bay lần đầu tiên. Kể từ đó ông bắt đầu dành tình yêu cho những chuyến bay. Sau khi không trúng tuyển vào Học viện Hải quân Pháp năm 1918, Saint-Exupery đã học kiến trúc tại Trường Mỹ thuật ở Paris, trước khi lấy được bằng lái phi công quân sự vào tháng 12/1921.
Khi nổ ra Thế chiến II, Saint-Exupery đã có nhiều chuyến bay làm nhiệm vụ trinh sát cho Không quân Pháp. Ở thời điểm các lực lượng quân sự Đức chiếm quyền kiểm soát Paris vào tháng 5/1940, Saint-Exupery rời đất nước để tới New York. Ông trở lại Pháp vào năm 1943 và nhanh chóng trở lại phi đội của mình.
Mặc dù phi công từ 30 tuổi trở lên không được phép lái loại máy bay P-38 Lightning, nhưng Saint-Exupery, 42 tuổi, đã thuyết phục các quan chức tạo ngoại lệ cho mình. Ông từng viết trên tờ Paris-Soir: “Bạn có hiểu rằng sự mạo hiểm và trung thành cho đến chết là những hành vi góp phần rất lớn trong việc tạo nên tính cao quý của con người?”.
Những khi không được bay, Saint-Exupery thừa nhận: “Tôi cảm thấy như đang theo dõi cuộc chiến từ một nhà hát”.
Chàng phi công viết văn
Trong giai đoạn đầu của Thế chiến II, Saint-Exupery vẫn vừa viết văn vẫn vừa tiến hành những chuyến bay trinh sát cho Không quân Pháp. Theo các nhà nghiên cứu, Saint-Exupery thường cầm bút vào 11 giờ đêm hàng ngày và viết cho đến bình minh. Ông thường gọi cho bạn bè mình sau nửa đêm để đọc to những gì ông viết.
Cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông Night Flight (Chuyến bay đêm) được xuất bản năm 1931 và giành được giải thưởng văn học “Prix Femina” của Pháp. Năm 1932, sau khi bản dịch tiếng Anh của Night Flight được phát hành, cuốn sách đã được đưa lên màn bạc với sự thủ diễn của John Barrymore.
Năm 1939, Saint-Exupery tiếp tục xuất bản cuốn hồi ký Terre des hommes, trong đó kể lại các chuyến bay của ông qua Nam Mỹ và Bắc Phi. Cuốn hồi ký đã giành được giải thưởng “Grand Prix du Roman” năm 1939 và được phát hành ở Mỹ dưới tựa đề Wind, Sand and Stars. Cuốn hồi ký này còn được Viện Hàn lâm Pháp trao giải Grand cho Tiểu thuyết cùng Giải thưởng Sách quốc gia Mỹ cho cuốn sách phi hư cấu hay nhất.
Đáng chú ý, trong hồi ký, Saint-Exupery còn mô tả vụ rơi máy bay xuống một sa mạc ở Lybia năm 1935. Saint-Exupery và hoa tiêu của ông không có thức ăn hoặc nước uống trong nhiều ngày trên sa mạc Sahara, cho đến khi một đoàn lữ hành Bedouin tìm thấy và giúp đỡ họ. Dường như, trải nghiệm đó đã truyền cảm hứng để ông viết tiếp cuốn Hoàng tử bé.
Cuốn sách của mọi thế hệ
Hoàng tử bé được xuất bản lần đầu tiên ở Mỹ trong Thế chiến II vào năm 1943. Khi được tung ra thị trường Mỹ, cuốn truyện này chỉ đứng được gần 2 tuần trong danh sách “best-seller” của tạp chí New York Times. Tuy nhiên, cuốn sách đã sớm trở thành một hiện tượng. Đến mùa Thu năm 1943, Hoàng tử bé đã tiêu thụ được 30.000 bản tiếng Anh. 3 năm sau (1946), nó mới được xuất ở Pháp.
Tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng ý: Hoàng tử bé là cuốn sách nổi tiếng nhất của Saint-Exupery. Đó là một câu chuyện ngụ ngôn cho cả trẻ em và người lớn. Trong đó, một hoàng tử đến từ một hành tinh xa lạ đã có được vốn sống và sự hiểu biết bằng cách du hành tới các hành tinh khác nhau. Khi đáp xuống trái đất, cậu gặp một phi công bị rơi xuống sa mạc và trò chuyện về tình bạn, cái chết, thời thơ ấu...
Ít người biết, ban đầu, Saint-Exupery không tự tay cầm bảo thảo cuốn truyện tới nhà xuất bản. Ông đã trao cho người bạn thân của mình, Silvia Hamilton, một chiếc túi giấy có hình minh họa của ông và cuốn bản thảo Hoàng tử bé giấu bên trong, kèm theo lời đề tặng: “Tôi muốn mang đến cho bạn một thứ gì đó thật tuyệt vời. Nhưng đây là tất cả những gì tôi có”.
Cuốn sách khi phát hành được chính tác giả minh họa. Kèm theo đó, ông đã đưa cho nhà xuất bản những hướng dẫn nghiêm ngặt về vị trí đặt hình minh họa, cũng như các chú thích được đưa vào cuốn sách.
Được biết, khi ở độ tuổi 20, Saint-Exupery đã vẽ đi vẽ lại nhân vật Hoàng tử bé trên hóa đơn, khăn trải bàn và mẩu giấy. Khi mọi người hỏi rằng nhân vật nhỏ bé này đến từ đâu, Saint-Exupery nói: “Một ngày nọ tôi nhìn xuống một tờ giấy trắng và một người quay lại nhìn tôi rồi nói: "Tôi là hoàng tử bé’”.
Tính đến nay, Hoàng tử bé đã tiêu thụ được 200 triệu bản và được dịch ra hơn 300 ngôn ngữ và vẫn là cuốn tiểu thuyết tiếng Pháp được chuyển ngữ nhiều nhất trên thế giới. Cuốn sách đã được chuyển thể thành phim, ballet, opera, truyện tranh, trò chơi... Thậm chí, Pháp thậm chí đã mở công viên giải trí mang chủ đề Hoàng tử bé, Le Parc du Petit Prince, vào năm 2014.
Và nhìn vào cách Hoàng tử bé thu hút mọi thế hệ độc giả, người ta lại nhớ đến lời quả quyết của Saint-Exupery trong đó, rằng không ai thực sự biến mất trong cuộc đời: “Tôi sẽ sống trong một ngôi sao. Trong ngôi sao ấy tôi luôn cười. Và như vậy, tất cả các ngôi sao đều cười khi bạn nhìn lên bầu trời vào ban đêm”.
Dựng tượng Saint Exupery và Hoàng tử bé Đúng ngày 29/6/2005, trong dịp kỷ niệm 105 ngày sinh của Saint Exupery, một bức tượng làm bằng đồng, có hình ông và Hoàng tử bé được khánh thành tại thành phố Lyon. Đây là tác phẩm của nghệ sĩ Christiane Guillaubey. Bức tượng này nặng 7 tấn, đặt trên cột đá cẩm thạch cao hơn 5m. Trên bệ đỡ cột đá có khắc 3 đoạn văn được lấy từ các tác phẩm của ông và chân cột là trang cuối cùng trong cuốn truyện Hoàng tử bé. |
Việt Lâm (tổng hợp)