loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF lần thứ 10 vừa khép lại trong ngập tràn ánh sáng, sắc màu và cảm xúc. 17.000 khán đài luôn được lấp kín chỗ ngồi mỗi đêm, du lịch tăng hơn 11% so với cùng kỳ, những hình ảnh tuyệt đẹp về văn hoá, lịch sử, con người và cảnh quan thành phố bên sông Hàn, Việt Nam một lần nữa được lan toả. Đà Nẵng đã tạo dựng nên một sản phẩm du lịch giải trí độc đáo, gợi mở nhiều bài học quý về cách làm thương hiệu du lịch.
Tối 6/7, trải qua 4 đêm thi “Cội nguồn” – “Mầm sống” – “Tình yêu” – “Sắc màu”, hành trình “Những dòng sông kể chuyện” của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng - DIFF 2019 đã khép lại với đêm thi thứ 5 “Ra khơi”. Phần trình diễn đỉnh cao của Phần Lan đã giúp họ vượt qua đội Anh, đem ngôi vô địch về cho mình.
Chúng ta hãy trở lại Cuộc thi Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFC) được tổ chức đầu tiên vào năm 2008 để thấy một bước chuyển dịch dài về lượng và chất. Khởi đầu, số lượng chỉ 4-5 đội (năm 2019 lên 8 đội) pháo hoa quốc tế, trong đó có cả đội pháo hoa của Thành phố Đà Nẵng, mỗi cuộc thi được tổ chức trong thời gian 2 ngày.
Do thời gian thi tài ngắn, hai bờ sông Hàn quá tải bởi khán giả địa phương và khách du lịch quá đông trong khi không gian các sân khấu chưa thực sự được cấu trúc bài bản. Thời đó, cứ chuẩn bị đến mùa pháo hoa, người dân thành phố lại rạo rực trước cả tháng trời. Không phân biệt già- trẻ, gái - trai, giàu- nghèo, từ sáng sớm tinh mơ ai nấy đều cố gắng đến thật sớm để chọn và giữ chỗ ngồi thật đẹp. Người dân "chia lô, chia nền" trên các vị trí đẹp tạo ra nhiêu cảnh huống vừa vui vừa buồn cười. Những vị trí ven sông, trên tàu thuyền đều được lấp kín bởi hàng vạn khán giả rất khó kiểm soát.
Nhưng giờ đây, với sự đầu tư cả về quy mô, chất lượng, thời gian kéo dài 1-2 tháng, người dân và du khách đều thoải mái để tận hưởng trọn vẹn lễ hội. Họ thực sự được được đối xử như "thượng đế", bước vào các khán đài với một vị thế khác hẳn. Điều đó lý giải vì sao pháo hoa đã tạo nên những cú bật vọt ngoạn mục về tăng trưởng các nguồn thu.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, so với cùng kỳ DIFF 2018, lượng khách lưu trú ước đạt 116.433 lượt, tăng 11%; Công suất phòng khách sạn luôn đạt mức 65-70%; khối khách sạn 4-5 sao công suất đạt tới 75-85%, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp trong thành phố.
Lễ hội không chỉ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, du khách, tạo điểm nhấn cho thành phố Đà Nẵng mà còn góp phần thu hút khách du lịch đến với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế cũng như các tỉnh miền Trung trong hơn 1 tháng diễn ra sự kiện.
Phân tích về quy mô đầu tư, hình thức tổ chức, đại diện đơn vị thực hiện Lễ hội, ông Dương Thế Bằng – Chủ tịch Sun Group khu vực miền Trung cho biết: “Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng DIFF 2019 đã được đầu tư với tổng chi phí gần 140 tỷ đồng, với sự tham gia của 4.000 nhân lực. Số kinh phí từ các nhà tài trợ tương đương hơn 31 tỷ đồng. Tổng số vé xem pháo hoa phát hành là 79.329 vé, trong đó số vé tặng là 53.027 vé. Doanh thu từ bán vé là gần 12 tỷ đồng”.
Xét giá trị mà pháo hoa mang lại không chỉ nhìn từ góc độ doanh thu, mà còn ở khía cạnh quảng bá du lịch, xây dựng thương hiệu, năng lực tổ chức các sự kiện lớn, là điểm đến đáng tin cậy cho bạn bè quốc tế trong việc chọn lựa nơi tổ chức các hội nghị, diễn đàn... thượng đỉnh. Từ Tuần lễ cấp cao APEC 2018 đến DIFF 2019 cũng đáng ghi nhận ý thức của người dân, du khách.... ngày càng văn minh. Không ít hình ảnh đẹp được ghi lại, nhiều người dân, du khách thậm chí là các chiến sĩ công an, học sinh, sinh viên đã ở lại nhặt rác, trả lại một thành phố xanh - sạch - đẹp. Sau mỗi đêm tranh tài, thành phố đã được trả lại như cũ, sạch tinh tươm, không khí trong lành, du khách vui mừng phơi phới.
Chia sẻ với phóng viên Thể thao và Văn hoá, ông Lê Trung Chinh, PCT UBND TP Đà Nẵng – Trưởng BTC DIFF 2019 bày tỏ: “Để tổ chức bất kỳ hoạt động nào đều gặp những khó khăn nhất định, đặc biệt đây là lễ hội pháo hoa tầm quốc tế quy tụ 8 đội tham gia dự thi, nhưng chúng tôi đã tổ chức thành công tốt đẹp.
Tinh thần chung xuyên suốt của 10 lần tổ chức sự kiện này đều có 1 quan điểm, đó là mỗi năm có một sự đổi mới mới tuy nhiên cốt lõi vẫn là tinh thần giao lưu văn hóa, quốc tế các dân tộc. Đồng thời qua dịp này nhằm thúc đẩy du lịch địa phương cũng như vùng miền cùng phát triển”.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng – Phó BTC DIFF 2019 cho biết: “Dù đã bước qua mùa thứ 10, theo dõi khán giả ở sân khấu, hai bên bờ sông và trên Tivi có thể thấy DIFF vẫn chứng tỏ được sự hấp dẫn của nó.
Hấp dẫn bởi nó có tính đại chúng và nghệ thuật rất cao, nó phục vụ cho tất cả mọi người. Những người có trình độ cao về nghệ thuật có âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu. Những người dân bình thường thì có thể thưởng thức pháo hoa. Nó hấp dẫn bởi mỗi kỳ tổ chức là một chủ đề riêng và các hoạt động phụ trợ bên lề ngày càng nhiều, quy mô, hoành tráng”.
“Hiện ở Nha Trang có lễ hội biển, Quảng Ninh có Canirval, Huế có Festival, Đà Nẵng có Lễ hội pháo hoa quốc tế.... Tôi nghĩ mỗi địa phương cũng nên nghiên cứu, xây dựng một sản phẩm văn hóa – du lịch - giải trí riêng cho mình, độc đáo, khác biệt phù hợp với đặc điểm từng vùng miền thì việc thu hút khách du lịch sẽ có kết quả tốt” - ông Huỳnh Hùng chia sẻ.
Việc tổ chức các lễ hội, đặc biệt xây dựng lễ hội trở thành thương hiệu cần cả quá trình, cần sự chung tay của nhiều cấp. Đà Nẵng, sau 10 năm đã tạo dựng được một sản phẩm du lịch đặc thù để được nhắc đến là thành phố của pháo hoa, âu cũng là phần thưởng đáng trân quý.
Bằng chứng là thành phố bên dòng sông Hàn thơ mộng liên tiếp được lọt vào Top những điểm đến du lịch hấp dẫn, Điểm đến sự kiện, lễ hội hàng đầu châu Á.
Hoàng Yến
loading...