Vô duyên như cảnh nóng phim Việt!
Những ngày qua, khán giả xem truyền hình bày tỏ bức xúc vì những cảnh quan hệ thể xác trần trụi xuất hiện trong phim truyền hình Hành trình công lý. Lo ngại phim giờ vàng lạm dụng cảnh nóng lại một nữa được đem ra thảo luận.
Phim truyền hình Hành trình công lý là tác phẩm mới nhất do VFC sản xuất, vừa lên sóng từ đầu tháng 10. Bộ phim là bản Việt hóa kịch bản phim truyền hình The Good Wife của Mỹ, xoay quanh hành trình minh oan cho chồng của Phương (Hồng Diễm) - một người phụ nữ đã chọn từ bỏ sự nghiệp luật sư xán lạn để lui về chăm lo cho gia đình. Tuy nhiên, việc chồng cô ngoại tình, bị quay lén clip tung lên mạng đã đẩy cuộc hôn nhân của họ vào sóng gió.
Việc Hành trình công lý mới lên sóng được 3 tập, nhưng cả ba tập đều xuất hiện cảnh giường chiếu trần trụi vấp phải sự phản đối của khán giả. Số đông cho rằng phim đang lạm dụng yếu tố 18+ như một chiêu trò hút khách phản cảm, gây ảnh hưởng xấu đến khán giả. Những năm trở lại đây, các cảnh thân mật đã không còn hiếm thấy trên sóng phim giờ vàng. Nhưng dường như giữa nhà làm phim và công chúng vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về việc nên tiếp nhận chúng như thế nào.
Khi cảnh nóng không còn là “của hiếm” trên truyền hình
Năm 2018, việc bộ phim Quỳnh búp bê lên sóng khung giờ phim vàng trên sóng đài truyền hình quốc gia đã khiến dư luận dậy sóng. Tác phẩm khắc họa thân phận các cô gái ăn sương bị đánh giá có nhiều cảnh quay bạo lực và mô tả quan hệ xác thịt dung tục quá mức như trường đoạn Quỳnh (Phương Oanh) phải đi “tiếp khách” trong lúc mang thai bốn tháng hay Lan (Thanh Hương) bị cưỡng hiếp tập thể và đánh đập đến mức hóa điên…
Cảnh giường chiếu cũng xuất hiện rải rác trong nhiều bộ phim khác được chiếu trên VTV như Người phán xử (2017), Những cô gái trong thành phố (2018-2019), Bán chồng (2021), Hướng dương ngược nắng (2021), Thương ngày nắng về (2022), Gara hạnh phúc (2022)… dưới nhiều hình thức. Số ít trong danh sách này là quan hệ đồng thuận giữa hai bên, còn phần nhiều là các vụ cưỡng hiếp.
Nhân vật bị đánh thuốc rồi xâm hại là tình tiết được các biên kịch ưa chuộng tới độ Thương ngày nắng về và Gara hạnh phúc đã trở thành hai tác phẩm phát sóng nối tiếp nhau vào cùng một khung giờ cùng xuất hiện chi tiết này. Trong Thương ngày nắng về, Khánh (Lan Phương) bị chị dâu hãm hại, thuê người đánh thuốc mê mang vào khách sạn để cưỡng bức. Tới Gara hạnh phúc, Vân (Nguyễn Hoàng Ngọc Huyền) mắc hội chứng sang chấn tâm lý sau quá khứ bị xâm hại tình dục.
Nếu mở rộng phạm vi thống kê thành “tình tiết quan hệ không đồng thuận”, thì chuỗi phim sẽ tăng lên ba tác phẩm, với sự góp mặt của Hành trình công lý, tác phẩm nối sóng sau khi Gara hạnh phúc khép lại. Cuối tập 1 Hành trình công lý, Hoàng (Việt Anh) đã bị một phụ nữ (Huyền Trang) đánh thuốc rồi quan hệ xác thịt và ghi hình lại.
Tới tập hai của phim, ngay giữa cuộc họp quan trọng, clip sex của Hoàng đã bị tung ra. Khán giả có thể xem được một phần của video thông qua màn hình điện thoại của các nhân vật. Sang đến tập 3, cảnh này tiếp tục được nhắc lại kèm nhiều câu thoại trai gái nhạy cảm thông qua hồi tưởng của nhân vật.
Đi tìm tiếng nói chung giữa nhà làm phim và khán giả
Chia sẻ với chúng tôi về việc đưa các cảnh 18+ vào phim truyền hình chiếu khung giờ vàng, nhà làm phim Trịnh Lê Phong - đạo diễn của Trở về giữa yêu thương (2020) và đồng đạo diễn Những ngày không quên (2020) - bày tỏ quan điểm mỗi cảnh phim đều có mục đích của nó tùy theo ý đồ của đạo diễn. Anh nói: “Mỗi một cảnh ‘nóng’ đều có mục đích của nó. Các đạo diễn sẽ tính toán xem cần sử dụng như thế nào. Nếu đạo diễn thấy cần để phục vụ ý đồ kể chuyện của mình thì họ sẽ sử dụng. Việc này phụ thuộc vào góc nhìn chủ quan của đạo diễn”.
Trước đó, bình luận về cảnh nóng gây tranh cãi trong bộ phim của mình, đạo diễn Nguyễn Mai Hiền cho hay phân đoạn này ra đời không nhằm mục đích lạm dụng hay câu khách, mà để phục vụ nội dung phim. “Đó là chi tiết khá quan trọng để tạo nên những diễn biến chính của câu chuyện”, vị đạo diễn nói. Nhà làm phim cũng phân tích khi đã được duyệt phát trên sóng truyền hình, cảnh nóng trong Hành trình công lý đã được kiểm soát, tiết chế, tính toán về số lần và thời lượng sao cho phù hợp.
Chiếu theo lời giải thích trên, trong Hành trình công lý, ba lần cảnh 18+ xuất hiện quả thực đều phục vụ một diễn biến trong kịch bản: phản ánh sự việc xảy ra, thông báo cho khán giả biết thứ đang được lan truyền là clip sex và những hình ảnh ấy luôn ám ảnh tâm trí của người vợ. Tuy nhiên, trong lần thứ ba sự kiện này được nhắc lại, phim không chỉ dùng hình ảnh mà còn chèn nhiều lời thoại của cặp gian phu dâm phụ - hay nói cách khác, nhà làm phim đã để lọt dirty talk (khẩu dâm) lên màn ảnh.
Đành rằng cảnh 18+ là gia vị cần thiết cho nhiều kịch bản phim trong vai trò bước ngoặt quan trọng thúc đẩy cốt truyện và tâm lý nhân vật phát triển. Tuy nhiên, sau chuỗi ba phim liên tiếp đều sử dụng chung một mô-típ hiếp dâm, và giọt nước tràn ly là những “tiếng động lạ” trong tập 3 của Hành trình công lý, khán giả có quyền nghi ngờ động cơ của nhà làm phim và có phản ứng trái chiều.
- Cô gái từ quá khứ ‘đạp đổ’ Gái già lắm chiêu?
- Cô gái từ quá khứ: Lan Ngọc và Kaity Nguyễn lừa nhau nhưng khán giả mới là người 'mắc bẫy'
Trên mạng xã hội, phần đông quan điểm bày tỏ họ xấu hổ khi phải xem cảnh nóng trong các bộ phim truyền hình chiếu giờ vàng, bối rối khi ngồi bên cạnh mình là con nhỏ hoặc các thành viên khác của gia đình. Một bộ phận chê trách các cảnh thân mật này nghèo nàn, thiếu tính nghệ thuật nếu đem so với nhiều tác phẩm truyền hình quốc tế. Cả hai luồng quan điểm đều dẫn tới cùng một băn khoăn: Liệu các cảnh nóng này có cần thiết hay không?
Đến đây, có thể nhận ra các nhà làm phim truyền hình Việt Nam và khán giả đại chúng đang chưa tìm được tiếng nói chung khi bàn đến việc nên hay không nên có các cảnh nóng trong các TV series. Lấy ví dụ, trong một tác phẩm như Quỳnh búp bê, các cảnh giường chiếu 18+ là cần thiết để tạo ra số phận và xây dựng chân dung nhân vật. Thế nhưng, việc xoáy quá sâu vào diễn biến vụ ngoại tình của Hoàng trong Hành trình công lý, nhắc đi nhắc lại những cảnh quay trần trụi suốt ba tập phim lại khiến tác phẩm trông giống như… không còn gì để kể.
Đành rằng clip sex là cái cớ để mâu thuẫn trong Hành trình công lý phát triển, nhưng đạo diễn hoàn toàn có thể nhắc đến nó một cách gián tiếp thay vì liên tục “trích dẫn trực tiếp” để rồi khiến khán giả bật TV xem phim để giải trí nhưng xem xong lại thêm cơn đau đầu.
Đã đến lúc cần gắn nhãn độ tuổi cho phim truyền hình?
Từ xưa đến nay, những TV series chiếu trên sóng đài truyền hình quốc gia vào khung giờ vàng mỗi tối đều được mặc định là phim gia đình dành cho khán giả mọi lứa tuổi. Điều này bắt nguồn từ việc buổi tối là thời điểm các thành viên trong gia đình quây quần bên mâm cơm, vừa ăn tối vừa xem truyền hình.
Tuy nhiên, trên thực tế, phim truyền hình cũng đa dạng về nội dung, đề tài cũng như có phân loại khán giả theo độ tuổi đa dạng không thua kém điện ảnh. Có những tác phẩm dành cho khán giả mọi lứa tuổi, thì cũng sẽ có bộ phim chỉ dành cho một đối tượng nhất định. Đạo diễn Trịnh Lê Phong chia sẻ: “Để phục vụ khán giả thì sẽ nhiều thể loại phim khác nhau được làm. Chúng ta không thể chỉ sản xuất một loại phim nào đó và bắt mọi người cùng phải xem”.
Nhà làm phim nhấn mạnh: “Ngoài ra phim trong nước còn phải cạnh tranh với phim nước ngoài nên việc có những cảnh phim hơi bạo lực hay ‘nóng’ để phục vụ câu chuyện và phù hợp với một thể loại phim nhất định là chuyện các nhà làm phim phải làm”.
Quay lại với câu chuyện cảnh nóng trên màn ảnh. Hãy lấy ví dụ từ Hàn Quốc. Xứ sở kim chi, cái nôi sản sinh ra những TV series hớp hồn khán giả Việt Nam, đã cho ra đời hàng trăm bộ phim mới mỗi năm, và không phải tác phẩm nào trong số đó cũng có thể thưởng thức bởi khán giả mọi độ tuổi.
Trên mặt báo, những TV series như The world of the married (2020), Nevertheless (2021), My name (2021) hay Forecasting love and weather (2022)… đều từng được nhắc đến ít nhất một lần bởi những cảnh thân mật nóng bỏng giữa các cặp nhân vật. Một vài tác phẩm trong số này cũng vướng chỉ trích vì quá bạo lực, quá nhiều cảnh nóng hay cảnh nóng được đưa vào chưa thuyết phục.
Tuy nhiên, khác biệt của chùm phim này với nhiều tác phẩm truyền hình cũng chứa cảnh nhạy cảm của Việt Nam là chúng có gắn nhãn giới hạn độ tuổi, và được chiếu vào khung giờ đêm rất muộn. Tại Hàn Quốc, The world of the married ban đầu được gắn nhãn không dành cho khán giả dưới 19 tuổi trước khi hạ xuống còn 15, Nevertheless không dành cho khán giả dưới 19 tuổi, con số này với My name là 17 tuổi. The world of the married được sắp xếp để lên sóng vào khung giờ 22h50 thứ sáu và thứ bảy hàng tuần còn Nevertheless là 23h thứ bảy.
Tại Việt Nam, Quỳnh búp bê từng được chiếu vào khung giờ phim tối 20h45, nhưng sau đó phải chuyển tới khung 21h40 vì nội dung chứa nhiều tình tiết và hình ảnh nhạy cảm. Hành trình công lý hay Gara hạnh phúc cũng được phát vào khung giờ 21h40 - mốc thời gian có thể coi là khá muộn khi các khán giả nhỏ tuổi đã lên giường đi ngủ.
Có thể thấy cách sắp xếp các bộ phim có yếu tố nhạy cảm, không dành cho khán giả nhỏ tuổi vào khung giờ đêm này ít nhiều chịu ảnh hưởng từ phong cách làm truyền hình của Hàn Quốc. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có hệ thống phân loại độ tuổi cho các tác phẩm truyền hình. Đây là vấn đề đã được đưa ra thảo luận từ năm 2017, khi Người phán xử lên sóng và được đón nhận rộng rãi song song những lo ngại về yếu tố bạo lực cùng cảnh nóng. Đến năm 2018, với Quỳnh búp bê, câu chuyện lại một lần nữa được nhắc lại.
Bàn về việc thêm nhãn phân loại khán giả cho phim truyền hình Việt Nam, đạo diễn Trịnh Lê Phong cho rằng: “Việc có giới hạn độ tuổi cho các tác phẩm phim truyền hình có bức thiết hay không thì phải phụ thuộc vào nhà quản lý. Với góc độ người làm phim thì việc giới hạn độ tuổi không ảnh hưởng gì đến sự sáng tạo hay khai thác đề tài cả”.
Gắn nhãn phân loại khán giả cho phim có thể coi là cách hữu hiệu để chuẩn bị tâm lý cho khán giả về nội dung tác phẩm họ sắp xem, hoặc cảnh báo về một tập phim có thể không phù hợp với họ. “Bộ phim có chứa yếu tố bạo lực, tình dục, lạm dụng thuốc, tự sát, vấn đề sức khỏe tâm thần. Khán giả cân nhắc kỹ trước khi xem” là lời cảnh báo thường xuất hiện ở đầu một số tập phim truyền hình nước ngoài. Thiết nghĩ, truyền hình Việt Nam cũng nên áp dụng một mô hình cảnh báo nội dung tương tự.
Hoan Ca