Thành phố ít người biết nhưng sở hữu cảnh sắc đẹp đến mê hồn, được người Nhật đưa vào ngạn ngữ ngợi ca
Giữa hàng loạt những điểm đến nổi tiếng của xứ Phù Tang như Tokyo, Kyoto hay Osaka, Nikko nhỏ bé và khiêm nhường vẫn ánh lên như một viên ngọc mà thiên nhiên ban tặng.
Những đền thờ được ôm trọn bởi cánh rừng bát ngát; những thác nước chảy xiết bạc đầu; những ngôi chùa cổ xưa; suối nước nóng tự nhiên; cảnh sắc mùa thu như từ thơ bước ra và những hồ nước lặng như gương - đó là "sơ yếu lý lịch" tóm tắt của Nikko, thành phố chỉ có dân số vỏn vẹn 80.000 người và nằm khiêm nhường trên bản đồ du lịch Nhật Bản.
Với quy mô của nó, xét về danh tiếng thì Nikko không thể bằng những Tokyo, Kyoto hay Osaka, Hokkaido... nhưng nó lại là một viên ngọc sáng giá chưa được khám phá nhiều với cảnh sắc thiên nhiên phong phú khó sánh.
Thành phố nhỏ vùng nông thôn nằm ở tỉnh Tochigi, cách Tokyo chỉ 2 giờ lái xe và từ lâu đã nổi tiếng với người Nhật bởi nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh được UNESCO công nhận và ẩm thực phong phú. Người Nhật thậm chí ưu ái dành hẳn một câu ngạn ngữ để ca ngợi vẻ đẹp thành phố này: "Đừng nói 'kekko' khi chưa đến Nikko" ('kekko' trong tiếng Nhật có nghĩa là đẹp đẽ, tráng lệ hoặc thỏa mãn).
Di sản văn hóa và lịch sử với bề dày hàng thiên niên kỷ
Một trong những thỏi nam châm của Nikko có lẽ là ở địa vị một "cỗ máy thời gian" khổng lồ đưa du khách về hàng thế kỷ trước với vô số bảo vật quốc gia là các ngôi đền, chùa cổ. Bên một sườn núi rừng dốc của Nikko là hơn 100 kiến trúc tôn giáo - cả Thần đạo và Phật giáo - được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.
Nằm ẩn giữa những cây tuyết tùng hàng thế kỷ là một điểm nhấn quan trọng: Đền Toshogu, một khu phức hợp rực rỡ với khoảng một chục công trình kiến trúc. Nó vừa ấn tượng về mặt hình ảnh vừa giàu ý nghĩa: Ngôi đền nằm đó, phô diễn tay nghề thủ công tài tình của nghệ nhân, những ngôi chùa nhiều tầng, cánh cổng mạ vàng và những chi tiết tinh xảo ghi dấu ấn của Tokugawa Ieyasu - shogun đầu tiên của Mạc phủ.
Vào thời vị tướng quân đầu tiên của Mạc phủ, khoảng 127.000 nghệ nhân đã cùng tham gia xây dựng công trình này nhằm tôn vinh ông - nó trở thành ví dụ đỉnh cao của nghệ thuật kiến trúc và trang trí thời kỳ đó.
Trong số những tác phẩm tài tình, không thể không kể đến những hình tượng điêu khắc tinh xảo như chú mèo ngủ, tượng khỉ tam không (không thấy, không nghe, không nói) và một con voi được tạc hoàn toàn từ trí tưởng tượng.
- Lý do người Nhật yêu thích tài khoản Instagram của Jin BTS nhất
- 70% số người Nhật Bản từng tới Việt Nam có ý định quay lại
- Người Nhật xếp hàng chờ trải nghiệm ẩm thực Việt
Nhưng Toshugu không phải điểm nhấn duy nhất giữa rừng tuyết tùng già. Cổ hơn nó đến vài thế kỷ là ngôi đền Futarasan Jinja được xây dựng năm 782 bởi nhà sư Shodo Shonin. Ngôi đền hơn 12 thế kỷ là nơi thờ 3 vị thần núi và vẫn giữ được phong cách cổ xưa của thời Nara - Heian. Một trong những "bảo vật" phải xem của đền là bakedoro - lồng đèn "ma ám", được tương truyền là sẽ thay hình đổi dạng vô cùng quỷ dị khi được thắp lên giữa màn đêm, và vẫn còn lưu giữ vết chém của hàng thế hệ samurai bị nó làm cho kinh hãi.
Chùa Rinnoji, với khung cảnh núi non, sảnh thờ bằng gỗ và khu vườn kiểu Nhật yên tĩnh, là một điểm nổi bật khác cũng gắn liền với tên tuổi nhà sư Phật giáo huyền thoại ở thế kỷ thứ tám Shodo Shonin, người góp công lớn trong việc xây dựng một số lớn đền, chùa tại Nikko.
Cảnh sắc nên thơ
Tất nhiên, một nhân vật chính không thể rời khỏi "spotlight" của một điểm "đi trốn" như Nikko là thiên nhiên hùng vĩ. Công viên quốc gia Nikko, một dải núi rộng lớn, là "chốn niết bàn" cho những người yêu thích hoạt động ngoài trời, với các hoạt động từ đi bộ đường dài đến vượt thác.
Đối với những người thích một nơi nhàn nhã hơn, chỉ cần ngâm mình trong vô số suối nước nóng tự nhiên trong khu vực, sẽ rất phù hợp.
Các thác nước cũng rất đáng để tìm hiểu - đặc biệt là thác Kegon, nơi nước dâng từ độ cao gần 100 mét, được bao quanh bởi những khu rừng rậm rạp. Trong khi đó, Hồ Chuzenji - được mệnh danh là Biển Hạnh phúc - tồn tại đúng với tên gọi của nó, với những cánh hoa anh đào nở rộ vào mùa xuân, những chiếc lá mùa thu rực lửa, cảnh ngắm chim yên bình và những lối trekking hoang sơ...
Không thể không kể đến cảnh sắc như thơ tại một trong những thác nước tuyệt vời của Nikko, Thác Ryuzu bao gồm 2 thác nước đổ xuống cao hơn 210 m. Cảnh tượng ở đây đặc biệt đẹp khi hoa đỗ quyên nở (tháng 5 đến tháng 6), và khi những tán lá phong và cây bằng lăng xung quanh bật lên đầy đủ sặc sỡ sắc màu mùa thu (tháng 9 đến tháng 10). Có một đài quan sát ngay bên thác để du khách dễ dàng quan sát từ trên cao.
Đặc biệt, Nikko cũng là địa điểm có khách sạn nghỉ dưỡng lâu đời nhất ở Nhật Bản: Khách sạn Nikko Kanaya. Được khai trương lần đầu tiên vào năm 1873, nơi nghỉ vẫn giữ được nét duyên dáng cổ điển, với các yếu tố Nhật Bản và phương Tây được kết hợp một cách nghệ thuật xuyên suốt (trần nhà ốp gỗ và đồ nội thất kiểu cổ cùng cửa trượt và trang phục yukata cotton truyền thống cho khách).
Ẩm thực đặc sắc với triết lý tôn vinh sản vật địa phương
Cuối cùng, điểm gia giảm thêm cho vẻ đẹp thiên nhiên và vốn văn hóa giàu có của Nikko chính là ẩm thực đặc sắc hương vị vùng miền. Theo trang Travel Leisure, một chuyến đi đến Nikko sẽ không thể hoàn thiện nếu thiếu đi những món rau củ tươi mát theo mùa của Tochigi hay các món mì thủ công.
Tuy nhiên đặc sắc nhất phải kể đến món đặc sản yaba hay da đậu phụ. Đây là món ăn chế biến từ lớp mỏng trên cùng của sữa đậu nành trong quá trình chế biến đậu phụ. Lớp da mỏng này sau đó được làm khô và tái hydrat hóa, tạo ra một dải mỏng với kết cấu dai. Món ăn này có thể được thưởng thức theo nhiều cách khác nhau như gói trái cây hoặc kết hợp với các món ăn ngon của Nhật Bản như mì ramen.
Hơn nữa, với đặc sắc là một trung tâm của Thần đạo và Phật giáo, ẩm thực Nikko bị ảnh hưởng sâu sắc bởi các món ăn chay thanh đạm, với triết lý mùa nào thức ấy và tôn trọng sản vật địa phương, giúp du khách đắm mình vào không gian văn hóa một cách sâu sắc nhất.
Thạch Anh