Loạt chi tiết sai sự thật trong phim sát nhân Dahmer: Câu nói của nạn nhân 14 tuổi gây tranh cãi
Phim về sát nhân Dahmer đang gây sốt có nhiều chi tiết không đúng với thực tế, khiến gia đình nạn nhân phải lên tiếng.
Là bộ phim được bàn tán nhiều nhất thời gian qua, Monster: The Jeffrey Dahmer Story được sản xuất dựa trên câu chuyện cuộc đời của tên sát nhân Jeffrey Dahmer sống tại Milwaukee vào thập niên 60. Tuy nhiên, đây không phải là phim tài liệu, mà là một cách tiếp cận mang tính chích kịch, "drama hóa" của nền tảng Netflix. Chính vì vậy, bộ phim vẫn có một số chi tiết khác với thực tế, thậm chí sai lệch và gây nên sự hiểu lầm nghiêm trọng với khán giả.
Vị hàng xóm Glenda
Trong phim, Glenda (Niecy Nash) là người hàng xóm sống ngay cạnh căn hộ của Dahmer trong khu chung cư Oxford, và là nhân tố quan trọng khiến Dahmer bị bắt. Bà phát hiện ra nhiều mùi hôi phát ra từ căn hộ của Dahmer, cũng không ít lần báo án nhưng không được chú ý. Tuy nhiên trên thực tế, Glenda của đời thật lại sống rất xa Dahmer, và chưa từng gặp mặt hắn.
Glenda sống ở tòa ốc kế cạnh, song hai cô con gái Sandra và cháu gái Nicole của bà đã phát hiện ra hành vi bất thường của Dahmer nên bà đã liên tục báo cảnh sát. Tuy nhiên việc báo án không thành khi Dahmer thành công đánh lừa cảnh sát rằng nạn nhân tên Konerak Sinthasomphone này là bạn trai của hắn, và lúc bấy giờ chỉ đang say xỉn.
- Stephen King - bậc thầy truyện kinh dị
- Joseph Gordon-Levitt vào vai chính phim kinh dị viễn tưởng
- Tiểu thuyết kinh dị của tác giả 'Rambo' David Morrell lên phim
Câu nói của Konerak
Câu chuyện của Konerak trong phim cũng được khắc họa không đúng, thậm chí làm dấy lên cuộc tranh cãi. Konerak là cậu bé 14 tuổi gốc Philippines, đã theo Dahmer về nhà để làm mẫu ảnh, kiếm thêm tiền cho gia đình. Thế nhưng theo chia sẻ của gia đình ngoài đời, Konerak không hề biết Dahmer là ai và hắn đã làm gì với anh trai của cậu, Somsack. Trước kia, người anh trai Somsack đã từng bị Dahmer xâm hại và Dahmer đã ngồi tù về hành vi này.
Thế nhưng khi được khắc họa trên phim, Konerak lại bảo rằng cậu biết Dahmer là ai và hắn đã làm gì với anh trai mình. Ấy vậy mà Konerak vẫn tiếp cận Dahmer chỉ vì muốn kiếm tiền. Tình tiết này trong phim đã khiến khán giả tranh cãi, thậm chí một số người còn trách Konerak quá nhẹ dạ, trong khi không biết sự thật ngoài đời lại trái ngược hoàn toàn.
Dahmer rất thân thiện "trong mắt hàng xóm"
Ngoài đời, Glenda không sống gần Dahmer như trên phim, mà là một người khác. Pamela Bass mới là người phụ nữ "hàng xóm" từng tiếp xúc với Dahmer. Khi Dahmer bị bắt giữ, Pamela từng khai rằng hắn thực chất rất thân thiện và ân cần. Thậm chí Dahmer còn hay tặng bánh kẹp cho Pamela. Song, khi lên phim Pamela đã bị loại đi, hoặc thực chất được hợp nhất với Glenda thành một người.
Tật xấu và thói quen
Có một thói quen và một tật xấu rùng rợn được thay đổi so với đời thật. Đầu tiên, trong cảnh phim Dahmer làm việc tại Trung tâm hiến máu Milwaukee, hắn đã lén trộm một bịch máu về nhà dùng. Tuy nhiên theo những gì được nêu trong báo cáo của cảnh sát, Dahmer đã thử qua ngay trên tầng thượng của trung tâm nhưng rồi phun ra hết.
Bên cạnh đó, tại những phiên tòa, Dahmer luôn xuất hiện với quần áo chỉnh tề, và cặp kính cận như trí thức. Song ngoài đời, tên sát nhân chưa từng đeo kính khi đối diện với thẩm phán.
Hai viên cảnh sát được khen thưởng
Trong tập 9, hai cảnh sát John Balcerzak và Joseph Gabrish được khen thưởng "viên cảnh sát của năm" nhờ bắt được Dahmer. Thế nhưng ngoài đời chuyện này chưa từng xảy ra. Sau khi Dahmer bị bắt, hai vị cảnh sát vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường mà không có bất cứ chứng nhận nào.
Mối quan hệ với Tony Hughes
Tony Hughes là một trong những nạn nhân gây chú ý nhất với khán giả khi xem phim về Dahmer. Tony có bệnh về thính giác, quen biết Dahmer khá lâu và luôn đối xử tốt với hắn. Việc Dahmer xuống tay với Tony khiến người xem vô cùng sốc và đau lòng, vì dường như cả hai có tình cảm với nhau. Thế nhưng cách "lãng mạn hóa" câu chuyện của Tony đã khiến gia đình nạn nhân hết sức khó chịu.
Shirley Hughes, mẹ của Tony, đã chia sẻ với truyền thông rằng bà không thể tin được ekip có thể khắc họa câu chuyện của con trai bà như vậy. Shirley cũng tin rằng cuộc gặp gỡ và quen biết của Tony và Dahmer ngoài đời không giống như phim. Suy cho cùng, hành động dùng sự lãng mạn, ngọt ngào để thể hiện vụ án của Tony đã khiến bộ phim bị chỉ trích.
Tuy có nhiều khác biệt gây tranh cãi nhưng Monster: The Jeffrey Dahmer Story vẫn có không ít chi tiết, tạo hình nhân vật bám sát thực tế. Tính đến hiện tại, đây đang là bộ phim dài tập Mỹ có thời lượng xem cao thứ 2 mọi thời đại trên nền tảng, chỉ sau Stranger Things.
Thành Vũ