A+ A A- Kiểu đọc sách

Vụ tranh giả, tranh nhái: 'Đêm trường tăm tối' của mỹ thuật Việt

07:01 26/07/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - “Ở vị trí tôi, nếu chỉ tìm lại tên một bức tranh và tên tác giả thì câu chuyện đã xong. Nhưng vụ việc liên quan tới những điều lớn hơn: vấn nạn tranh giả, điều đang đưa mỹ thuật Việt về  cảnh đêm trường tăm tối và trở nên xấu xí trước con mắt của quốc tế” – họa sĩ Thành Chương cho biết.

Trước đó, tranh của họa sĩ Thành Chương từng được phát hiện bị “đổi tên” thành của tác giả Tạ Tỵ trong Những bức tranh từ châu Âu về - cuộc “triển lãm tranh giả” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM

* Một chút đánh giá nhanh của ông về thực trạng tranh giả tại VN, cũng như những hệ lụy của nó?

- Đây không còn là chuyện một sớm một chiều nữa mà là vấn nạn đằng đẵng đeo đuổi chúng ta 30 năm nay. Và chúng ta cũng bất lực trong nhiều năm tháng. Ảnh hưởng của nó tất nhiên là tồi tệ vô cùng. Tôi cũng vừa ngồi với mấy anh em trong nghề và bảo nhau: hiện trạng mỹ thuật Việt là một bức tranh đen tối, mờ mịt, không lối thoát. Cả một nền mỹ thuật quốc gia bị dìm xuống tận đáy bùn xấu xí, bẩn thỉu vì câu chuyện này.


Họa sĩ Thành Chương trao đổi với Thể thao & Văn hóa

* Đó là lý do ông lên tiếng mạnh mẽ khi tranh của mình bị “tẩy tên” thành tranh Tạ Tỵ?

- Với vụ việc của tôi, đây là một tai nạn không mong muốn. Bức tranh của tôi bị xâm phạm trắng trợn. Theo tôi, lý do chỉ bởi lợi nhuận. Vì, tranh của họa sĩ Tạ Tỵ đắt giá hơn tranh của tôi.

Nhưng sự không may của tôi lại là cơ may của cả nền mỹ thuật. Anh em nói đó là cơ hội nghìn năm có một. Vì, đây là một vụ việc cụ thể với nhân chứng, vật chứng rất đầy đủ chính xác để các cơ quan chức năng vào cuộc. Từ đó, chúng ta có thể lật ngược lại những vụ việc để lấy lại sự trong sạch, giá trị đích thực và hình ảnh của hội họa Việt.

Ở vị trí của tôi, nếu chỉ tìm lại tên một bức tranh và tên tác giả thì vụ việc đến đây là xong. Nhưng việc này liên quan tới những điều lớn hơn: vấn nạn tranh giả. Và tôi tự thấy trọng trách đặt trên vai mình để cần phải hành động. Tôi sẵn sàng làm nhân chứng trong các động thái tiếp theo của các cơ quan chức năng để hạn chế nạn tranh giả, tranh nhái.


Bức tranh của Thành Chương bị sửa thành của tác giả Tạ Tỵ

* Ông đánh giá sao về động thái của các cơ quan chức năng trước vận hội này?

- Theo tôi, về pháp lý, Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM có thể giữ lại tranh. Một cuộc triển lãm nói rõ là tranh của Những bức tranh từ châu Âu về mà 100% Hội đồng thẩm định cấp quốc gia đánh giá là tranh giả, tranh nhái và yêu cầu giữ lại để cơ quan chức năng vào cuộc thì không lý gì nhà sưu tập lại có thể mang tranh về. Song, Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM lại để tuột mất bằng chứng khi để chủ nhân những bức tranh trên mang tranh đi.

* Vụ việc này đã ảnh hưởng tới cuộc sống ông ra sao?

- Nó cực kỳ kinh khủng tới gia đình tôi. Tôi đặt cả sự nghiệp, danh tiếng, cuộc sống gia đình lên cán cân công lý với ông Hubert (người bán các tác phẩm tranh trong triển lãm cho nhà sưu tập Việt và ký giấy xác nhận những bức tranh trong cuộc triển lãm là tranh thật- PV). Là người giám định tranh, nếu ông ấy thua, ông ấy mất hết. Ngược lại tôi thua, tôi cũng mất hết.

Tôi được gì trong chuyện này? Đòi lại tên tranh? Đòi lại tên mình trong một bức tranh tôi vẽ nửa thế kỷ? Không, tôi không phải “đặt cược” cả cuộc sống của mình vì những điều như thế. Tôi làm việc này không vì cá nhân. Tôi làm vì công việc chung, vì nền mỹ thuật nước nhà.  

* Cảm ơn ông vì cuộc trao đổi!

Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...