Trung Quốc: Tết Đoan Ngọ trở thành lễ pháp định
Chu Sứ giết Giao Long hung dữ giúp dân loại bỏ thú dữ, thiên tai. |
Về tên gọi, ngoài tên chính thức là tết Đoan ngọ, nhiều địa phương ở Trung Quốc còn gọi là tết “Đoan Ngũ”, “Trùng Ngũ”, “Đoan Dương”, “Long Châu”, “Tết Hè”... nhưng đều tổ chức vào ngày 5/5 Âm lịch. Về nguồn gốc, tết Đoan ngọ có tới hơn 10 phiên bản khác nhau, trong đó được lưu truyền rộng rãi nhất có:
- Đây vốn là ngày tưởng niệm nhà thơ nổi tiếng Khuất Nguyên thuộc nước Sở cách đây 2286 năm. Ông là người yêu nước nhưng bị nước Sở ngược đãi, nên ngày 5/5 ÂL năm 278 trước công nguyên đã nhảy xuống sông Mịch La (nay thuộc tỉnh Hồ Nam) tự tử, dân chúng tìm cách cứu mà không được. Thương tiếc nhà thơ có tài, có lòng yêu nước nồng nàn nhưng bị chết oan uổng, nên ngày 5/5 ÂL hàng năm dân chúng tổ chức lễ hội tưởng niệm, trong đó thường tổ chức đua thuyền để ghi nhớ dân chúng thời đó tìm cách cứu Khuất Nguyên và làm bánh chưng để cúng ông. Bởi vậy, tết này còn gọi là “Tết yêu nước”.
Tết Đoan Ngọ của người Việt
không thể thiếu hoa quả và rượu nếp |
- Phiên bản khác cho rằng tết Đoan ngọ có sớm hơn thời Khuất Nguyên rất nhiều. Tương truyền ngày 5/5 ÂL có nhân vật huyền thoại tên là Chu Sứ đã bơi thuyền giết được Giao Long hung dữ ở các sông, giúp dân loại bỏ thú dữ, thiên tai. Về sau vào ngày này dân chúng tổ chức lễ hội, với phong tục đua thuyền, làm bánh chưng, để nhớ công đức của Chu Sứ và để cầu mưa thuận gió hòa, được mùa và trừ bỏ tai họa, tránh thiên tai. - Lại có phiên bản cho rằng Việt Vương Câu Tiễn có chí phục thù, ra sức luyện thủy quân để quay lại đánh nước Ngô, nên lệnh cho gói bánh chưng làm lương ăn dự trữ lâu ngày cho quân lính trong thời gian luyện quân dài ngày trên sông. Bởi vậy, để kỷ niệm tinh thần bất khuất, chí phục thù của Việt Vương Câu Tiễn, ngày 5/5 ÂL hàng năm dân chúng vùng nam Trung Quốc gói bánh chưng, tổ chức đua thuyền. Vì vậy, tết Đoan ngọ còn gọi là “Tết Long châu” (đua thuyền Rồng).
- Theo một phiên bản khác thì dân chúng thời xa xưa cho rằng khi vào Hè nhiều tai họa, dịch bệnh nhất là đối với trẻ em, nên chọn ngày 5/5 ÂL, gọi là “Trọng Hè” (Chính Hè), làm tết Đoan ngọ. Trong ngày này, ngoài hoạt động làm tăng sức khỏe nhất là đua thuyền, mọi người còn ăn thứ có chất đề kháng cao đối với dịch bệnh, nhất là đối với trẻ em. Ngoài ra dân chúng còn đeo lá bùa cho trẻ em, viết trên trán trẻ chữ “Vương” bằng màu vàng để trừ yêu ma cầu mong cho trẻ không bị ốm đau, đồng thời đưa trẻ lớn tuổi luyện tập bắn cung, múa kiếm. Bởi vậy, dân chúng gọi tết Đoan ngọ là “Tết Hè” hay “Tết Trẻ em”.
Mặc dù có nhiều phiên bản khác nhau, nhưng đây là một hoạt động văn hóa lễ hội có ý nghĩa truyền thống tốt đẹp và có đặc điểm chung là đua thuyền, gói bánh chưng, trừ thú dữ, tai họa và ăn đồ vật có chất đề kháng chống dịch bệnh. Song phổ biến nhất là phiên bản kỷ niệm Nhà thơ yêu nước Khuất Nguyên và Việt Vương Câu Tiễn luyện quân, nhờ đó mà tết Đoan ngọ còn lưu truyền tới ngày nay và mang nội dung di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp. Vì thế Chính phủ Trung Quốc đã chính thức đưa Tết Đoan ngọ vào Danh mục những ngày lễ pháp định trong năm là những ngày dân chúng được nghỉ và tổ chức các hoạt động kỉ niệm.