A+ A A- Kiểu đọc sách

Triển lãm về đình làng Việt: 'Hội làng' thời... facebook

12:00 09/08/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm gồm chuỗi hoạt động: trưng bày ảnh đình làng, tương tác chạm gỗ, diễn xướng dân gian, tọa đàm bảo tồn, ẩm thực quê... Nên, những người tham gia triển lãm vẫn ví 3 tuần trưng bày là những ngày “hội làng”. Cộng đồng “làng” ở đây là 4.000 thành viên nhóm facebook “Đình làng Việt”.

Triển lãm Đình làng Việt - Những điều còn - mất khai mạc hôm qua (8/8 và kéo dài tới 23/8) tại Heritage Space - Dolphin Plaza (28 Trần Bình, Hà Nội).

Hát Xoan và đục đẽo giữa phòng triển lãm

Những ngày “hội làng” mở đầu bằng tiếng trống hội giục giã. Với số lượng thành viên lên tới hơn 4.000, không lạ khi phòng triển lãm rộng tới gần trăm m2 chật kín.

Mở đầu sự kiện, “trưởng thôn” Nguyễn Đức Bình, người sáng lập nhóm “Đình làng Việt”, tuyên bố lý do triển lãm. Không kính thưa, kính gửi nhiều, ông Bình chỉ nói vỏn vẹn đôi ba câu, đại thể: cám ơn tất cả vì đã đến.

Triển lãm trưng bày hơn 100 bức ảnh về nhiều kích cỡ, thể loại về nét đẹp đình làng Việt, những hư hại của đình làng qua thời gian, sự lãng quên đình làng trong cộng đồng và cả những cuộc "trùng tu như phá" trong những năm qua...

Dù diện tích mặt tường khá rộng, song việc dùng nhiều ảnh kích cỡ lớn, ảnh xếp chặt làm thiếu khoảng trống để mắt nghỉ. Điều này khiến việc xem hết hơn 100 bức ảnh khá mệt.


Các nghệ nhân hát xoan Phú Thọ diễn xướng hát xoan tại triển lãm. Ảnh: Thái Thu Quyên

Tuy nhiên, ảnh chỉ là một phần (nếu không muốn nói mang tính trang trí, tạo cảm giác là nhiều) của ngày “hội làng”. Bởi tiếng là sự kiện triển lãm ảnh, song Đình làng Việt - Những điều còn - mất có rất nhiều hoạt động để làm sống lại không khí lễ hội quê tại một trung tâm thương mại lớn bậc nhất Hà Nội.

Ở giữa phòng triển lãm, các nghệ nhân mộc Chàng Sơn trình diễn đục đẽo những mảng chạm tinh tế theo tạo hình của các ngôi đình cổ. Kế bên, người tham gia triển lãm có thể trực tiếp tương tác, sơn son lại các hoa văn cấu kiện.

Sân khấu chính là ảnh cỡ lớn nội thất một ngôi đình và 4 chiếc chiếu, hai bên sân khấu là hai vại hoa sen cùng hai con nghê gỗ được làm bởi nghệ nhân Chàng Sơn. Trên sâu khấu, các nghệ nhân hát xoan Phú Thọ đang trình bày những giai điệu ca cổ tự ngàn năm...

Phòng kế bên là không gian ẩm thực của những món quà quê. Những bánh tẻ, bánh đúc, bánh dày, cơm sen, nem rán, bánh phu thê, bánh cuốn, cơm gà lá sen, nem rán, chè con ong, nước vối... được các thành viên trong nhóm chuẩn bị chu đáo. Hoa trái trong ngày “hội làng” cũng đều mang phong vị rất quê như: thị, na, chuối...

Bên cạnh các hoạt động vui chơi, ngày “hội làng” còn có những hoạt động ý nghĩa như các buổi tọa đàm về bảo tồn, phát huy giá trị di sản của đình làng Việt sẽ diễn ra liên tục trong gần 3 tuần triển lãm. Diễn giả của các buổi tọa đàm là các học giả uy tín cùng các nhà quản lý.


Nghệ nhân Chàng Sơn chạm trổ những nét tinh hoa theo tạo hình đình làng của cha ông. Ảnh: Nguyễn Trần Thế Hiệp

Chuyển dịch không gian văn hóa

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN), nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay: Triển lãm Đình làng Việt - Những điều còn - mất là sự kiện đánh dấu sự biến chuyển văn hóa rất thú vị.

Vì trong thời đại số, thế giới phẳng đã khiến hoạt động của làng xã dưới những mái đình cổ kính phần nào bị ảnh hưởng. Song, nhóm Đình làng Việt lại đang dùng mạng xã hội để tạo một cộng đồng với những cá thể mang những giá trị chung về di sản để tác động ngược lại, thúc đẩy công cuộc bảo vệ và phục hưng di sản đình làng của cha ông.

“Nói cách khác, không gian văn hóa đình làng đã chuyển dịch từ một cộng đồng gắn bó với nhau bởi vị trí địa lý thành một cộng đồng gắn bó với nhau bởi những giá trị chung kết nối nhờ facebook” - nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nói tiếp - “Và ngày “hội làng” này cũng được các cá thể của cộng đồng Đình làng Việt tự góp của, góp công với lòng nhiệt thànhcủa mô hình làng xã”.

Cụ thể, kinh phí gần 40 triệu đồng để tổ chức triển lãm Đình làng Việt - Những điều còn - mất do các thành viên tự đóng góp. Ngoài tiền mặt, các thành viên cũng tự tay nấu các món thôn quê, làm các sản phẩm mỹ nghệ, in, treo ảnh... để chung tay trong “ngày hội”.

Trước đó nhiều tháng, một số thành viên đã lặn lội tới những ngôi đình có hoa văn cổ đặc sắc; một số thành viên khác tới các ngôi đình bị tàn phá bởi thời gian... để ghi hình làm tư liệu tại triển lãm. Tất cả những hoạt động này đều do các thành viên tự nguyện đăng ký thực hiện.

Trình chiếu 3D triển lãm trên website

Sau ngày mở đầu, triển lãm cũng được trình chiếu bằng công nghệ 3D trên website vr3d.vn để những ai ở xa vẫn có thể “tham quan” triển lãm.

Nguyễn Trí Quang, người dựng lại toàn bộ triển lãm bằng công nghệ 3D cho biết: Tôi dựng lại toàn bộ triển lãm bằng công nghệ 3D mất độ 2 tuần.

Tất nhiên, trong khoảng thời gian đó, tôi không thể làm những công việc khác của tôi. Nhưng, việc của “làng” là việc chung, ai làm được gì thì làm việc đó.

Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...