Triển lãm ảnh Audrey Hepburn: Góc khuất của huyền thoại Hollywood
(Thethaovanhoa.vn) - Từ ngày 2/7, Phòng trưng bày Quốc gia London (Anh) sẽ tổ chức triển lãm ảnh Audrey Hepburn: Portraits Of An Icon (tạm dịch: Audrey Hepburn: Chân dung một thần tượng). Qua đây, công chúng sẽ được chiêm ngưỡng những những bức ảnh chưa hề được công bố để hiểu thêm về con người thực của Hepburn.
Triển lãm không chỉ có những bức ảnh kinh điển chụp “ngôi sao” Hepburn của các nhiếp ảnh gia Irving Penn, Richard Avedon, Cecil Beaton và Norman Parkinson, mà còn có những bức rất riêng tư. Đó là bức ảnh chụp Hepburn khi còn là một bé gái 9 tuổi, mỉm cười trước ống kính hay một bức ảnh khác chụp Hepburn ở tuổi vị thành niên đang tập các tư thế ballet hoặc một bức ảnh chụp Hepburn cười miệng ngoác đến tai, tay ôm một bó hoa...
Gầy gò và “múa giống như một con hà mã”
Những bức ảnh này thuộc quyền sở hữu của các con trai Hepburn. Đây là lần đầu tiên họ cho mượn các bức ảnh đầy tính riêng tư ấy để trưng bày. Luca Dotti, con trai của Hepburn với bác sĩ tâm thần Italy Andrea Dotti, tin rằng tính cách của mẹ mình, như quảng đại, ấm áp và chuyên nghiệp, được đúc kết từ thời thơ ấu đầy khốn khó của bà.
Hepburn sinh ra ở Brussels (Bỉ) trong một gia đình có mẹ là người Hà Lan và cha là người Anh. Khi Hepburn 6 tuổi, cha bà từ bỏ gia đình và sau này bà từng mô tả “đó là sự kiện gây tổn thương nhất trong cuộc đời tôi”. Theo Dotti: “Việc này luôn khiến mẹ tôi thấy cần có tình cảm của người cha”.
Khi Thế chiến II bùng nổ, Hepburn và mẹ chuyển tới Ba Lan, song một thời gian ngắn sau đó, đất nước này rơi vào tay phát xít Đức. Mùa Đông năm 1944-1945, hàng ngàn người ở Ba Lan rơi vào nạn đói. Hepburn bị suy dinh dưỡng nặng song may mắn thoát chết. Kể từ đó trở đi, Hepburn luôn cảm thấy biết ơn vì mình được sống sót.
Bà luôn muốn trở thành một nghệ sĩ ballet, vì vậy mẹ bà đã quyết định chuyển tới London để con gái mình có thể học tại trường Ballet Rambert. Tuy nhiên, do nạn đói ở Hà Lan, các cơ của Hepburn không phát triển toàn diện và do vậy bà không có được sức khỏe như các bạn cùng học.
Còn có nhiều cách giải thích khác về chuyện này, song Dotti nói rằng, mẹ ông từng kể lại, Madame Rambert tuyên bố bà quá cao để trở thành nghệ sĩ ballet và “múa giống như một con hà mã”.
“Mẹ tôi thực sự muốn trở thành một nghệ sĩ ballet” - Sean Hepburn Ferrer, con trai của Hepburn với nam diễn viên Mel Ferrer, viết trong cuốn hồi ký về mẹ mình. “Bà trở về phòng và chỉ muốn chết sau khi nghe những lời nhận xét đó”.
Từ năm 1948, Hepburn bắt đầu xuất hiện trên sân khấu London. Nhiếp ảnh gia Antony Beauchamp, người xem Hepburn trình diễn hồi năm 1949, kể: “Điều lôi cuốn tôi nhất là đôi mắt lấp lánh của Hepburn và suốt buổi tối hôm đó mắt tôi dán vào gương mặt của cô ấy”.
Sau khi tham gia vai phụ trong một số phim, năm 1951, Hepburn được giao vai chính trong vở Gigi trên sân khấu Broadway và nhờ vai diễn này, lần đầu tiên bà được xuất hiện trên tạp chí American Vogue với bức ảnh chân dung do Irving Penn chụp.
Theo lời kể của con trai Hepburn, bà luôn thấy cần phải làm việc siêng năng hơn. Mẹ bà đã mất hết tiền trong chiến tranh và nỗi nghèo khổ, đói ăn vẫn đeo bám tâm trí bà. “Mẹ tôi không làm việc để trở thành người nổi tiếng, mà là để kiếm tiền. Bà luôn mang phương châm đó trong suốt cuộc đời mình” – Dotti cho hay.
Năm 1953, Hepburn tham gia Roman Holiday, bộ phim đã đưa bà vào hàng “sao” ở Hollywood và đem về cho bà giải Oscar duy nhất. Khi đóng phim này, nghệ sĩ trang điểm người Italy đã khuyên Hepburn không nên kẻ đậm mắt, để tự nhiên vì như vậy nó sẽ tôn được đôi mắt của bà. Kể từ đó, Hepburn nghe theo lời khuyên này.
Luôn coi trọng mọi thứ trong cuộc sống
Những bức ảnh chụp Hepburn trong bộ trang phục đóng phim Sabrina (1954) và bức ảnh chụp bà đứng dựa chân ở cánh cửa (của Antony Beauchamp) cho thấy bà có một sự tự tin mới, có lẽ bởi bà tìm được đúng phong cách của mình. Có thể bà không có sức lôi cuốn đầy gợi cảm như Marilyn Monroe, song ngoại hình đầy mỏng mảnh, ngực phẳng lại khiến bà nổi bật.
Dotti kể, mặc dù được khen xinh, song Hepburn không bao giờ tin điều đó. Hepburn tự nhận thức rõ được về mình. Bà thấy chân và tai mình quá to, người thì quá mỏng và bởi vậy nên chẳng bao giờ ngắm mình kỹ. Đó cũng là lý do tại sao, bà thấy hạnh phúc khi rút lui khỏi tầm mắt của công chúng.
Tuy là một ngôi sao, song Hepburn vẫn sống một cuộc đời rất đỗi bình thường ở Roma, đi chợ và nấu nướng cho mẹ chồng. Sống với người mẹ bình dị như vậy nên khi nhỏ, Dotti không hề biết mẹ mình là người nổi tiếng như thế nào. Trong cuốn sách mới viết về mẹ, mang tựa đề Audrey At Home, Dotti viết: “Khi còn nhỏ, lúc một nhóm nhà báo liên tục hỏi tôi về mẹ, tôi trả lời họ một cách bực tức: "Các ông nhầm, tôi là con trai của ông Dotti’”.
Năm 1988, Hepburn được bổ nhiệm là Đặc phái viên của Unicef. Sau chuyến đi tới Somalia với vai trò này, bà đã bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Hepburn qua đời hồi tháng 1/1993.
Triển lãm còn trưng bày bức ảnh chụp Hepburn trước khi qua đời. Bà đứng khoanh tay trong một studio, gương mặt hơi ngước lên. Đây là tư thế thể hiện sự vui sướng một cách tự nhiên và vô thức.
“Đây là khía cạnh tôi nhớ nhất về mẹ. Bà luôn thể hiện sự kinh ngạc với bất cứ chuyện to nhỏ gì trong cuộc sống. Tôi không nhận ra điều này khi mẹ còn sống, song giờ khi đã lớn tuổi hơn, tôi nhận ra rằng mẹ coi trọng mọi thứ trong cuộc sống như nhau, kể cả một bông hoa nhỏ hay một ngày nghỉ” - Dotti chia sẻ.
Audrey Hepburn trên trang bìa tạp chí American Vogue phát hành hồi năm 1955 Audrey Hepburn (1929-1993) là một diễn viên điện ảnh của những thập niên 1950, 1960. Qua các cuộc bầu chọn, bà thường được xem là một trong những phụ nữ đẹp nhất thế kỷ 20. Audrey Hepburn cũng là một biểu tượng của thời trang và còn được biết tới với vai trò một người hoạt động nhân đạo, Đại sứ thiện chí của UNICEF. |
Việt Lâm (theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa