(Thethaovanhoa.vn) - Giới sưu tập Bùi Xuân Phái sắp có dịp sở hữu một trong những kiệt tác của danh họa này - tác phẩm Phố cổ Hà Nội, thuộc thời kỳ nâu, trong khoảng 1960 đến 1970.
1. Cụ thể, tại phiên đấu giá “Thiện Nhân và những người bạn” lúc 19h45 ngày 22/10 tại Gem Center (TP.HCM), kiệt tác này sẽ lên sàn cùng 10 tác phẩm đầy sức hút khác.
Tác phẩm của Bùi Xuân Phái, danh họa nổi tiếng với phố cổ Hà Nội, có thể chia làm 3 thời kỳ: nâu (từ 1960 đến 1970), ghi xám (từ 1970 đến 1980), lam (từ 1980 đến khi qua đời năm 1988). Đến nay, chưa có một thống kê khả tín nào cho biết tổng số tranh mà ông đã vẽ về phố cổ Hà Nội. Chỉ biết rằng có vài con phố, ông vẽ đi vẽ lại nhiều lần.
Trong Tâm tư nghệ thuật, Bùi Xuân Phái từng viết: “Không ngại gì việc làm đi làm lại để tìm ra cái hay hơn”. Thời kỳ nâu này, dù u uẩn, buồn, đôi khi bế tắc, nhưng lại được đánh giá rất cao, đã giúp Bùi Xuân Phái tạo ra được những kiệt tác cho mình. Cũng chính thời kỳ này, tác phẩm Hà Nội kháng chiến (vẽ năm 1966) của Bùi Xuân Phái từng có giá khởi điểm là 200.000 USD tại một phiên đấu quốc tế.
Tượng Phật Dược Sư bằng ngọc lưu ly và vàng, có giá khởi điểm 5.000 USD
Dù nổi tiếng như vậy nhưng sinh thời Bùi Xuân Phái chỉ được một lần triển lãm cá nhân, đó là năm 1984. Ngay triển lãm này Bùi Xuân Phái đã bán 24 bức, một thông tin thật sự sốc với họa giới thời trước Đổi mới (năm 1986). Với cột mốc tươi vui này, cùng với giải thưởng mỹ thuật toàn quốc (1980), giải thưởng mỹ thuật thủ đô (các năm 1981, 1983, 1984) đã làm cho Bùi Xuân Phái chuyển từ thời kỳ ghi xám sang thời kỳ lam: vui tươi, lạc quan, nhiều sức sống hơn.
Tác phẩm Phố cổ Hà Nội (sơn dầu trên bố, 55 cm x 72 cm, vẽ khoảng 1968 - 1972) tại phiên đấu này được xem là kiệt tác, vì nó tiêu biểu cho kỹ thuật và tâm hồn Phái. Nó xứng tầm là một bảo vật, không chỉ vì chất lượng nghệ thuật ở tầm cao, mà còn có kích thước thuộc vào nhóm tác phẩm to nhất.
Tranh từng thuộc sở hữu của nhà sưu tập huyền thoại Đức Minh, với lịch sử và bảo chứng rõ ràng, được khởi động ở mức giá lý tưởng: 77.000 USD. Đây đúng nghĩa là cơ hội có một không hai với những ai yêu thích danh họa này.
Kiệt tác "Phố cổ Hà Nội" của danh họa Bùi Xuân Phái, với giá khởi điểm là 77.000 USD.
2. Phiên đấu này còn có các tác phẩm thú vị của thi sĩ Bùi Giáng (1926 - 1998), Lê Kinh Tài, Đinh Thị Thắm Poong, Lim Khim Katy, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Văn Đức, Lê Hào, Đào Xuân Tình, Nguyễn Ngọc Vũ…
Bùi Giáng sinh thời vẽ hàng trăm bức tranh, nhưng do đa số người được tặng chỉ nghĩ ông cuồng điên vẽ bậy bạ, ít được lưu giữ lại. Thế nhưng chỉ cần một chút độ lùi về thời gian và chút bình tĩnh trong cảm nhận, tranh Bùi Giáng khá riêng biệt, không như họa sĩ vẽ, mà cũng không như... nhà thơ vẽ.
Tác phẩm Gửi đêm (mực tàu và gouache color trên giấy, 42 cm x 31,5 cm, 1992) tại phiên đấu này là một đại diện hoàn chỉnh, với giá khởi điểm 2.500 USD.
Còn họa sĩ thời danh Lê Kinh Tài giới thiệu tác phẩm khổ lớn Tôi - diều gió (sơn dầu và heavy acrylic trên bố, 150 cm x 180cm, 2009) với giá khởi điểm 60.000 USD. Đây là tác phẩm có giá khởi điểm cao nhì, chỉ xếp sau Bùi Xuân Phái.
Ngoài ra, phiên đấu còn giới thiệu Tượng Phật Dược Sư (ngọc lưu ly và vàng 24K, 20cm x 14 cm x 9 cm) với giá khởi điểm là 5.000 USD. Tượng được tạo tác tinh tế, được gia trì (làm phép, cúng, tụng kinh...) bởi Đức pháp vương Gyalwang Drukpa, Nhiếp chính vương Gyalwa Dokhampa, Nhiếp chính vương Thuksey Rinpoche và ni sư Jetsunma Tenzin Palmo.
Phiên đấu do Quỹ Sống để yêu thương Việt Nam (Live To Love Vietnam) tổ chức, mục đích là tìm kinh phí cho Quỹ Thiện Nhân trong việc phẫu thuật dị tật đường tiểu trẻ em Việt Nam. Dù có mục đích thiện nguyện, nhưng tất cả tác phẩm đều được tuyển lựa nghiêm ngặt, nên phần lớn đạt chất lượng sưu tập.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa