Mai dai cũng vượt xa Oan hồn (ĐD: Troy Lê), cùng công chiếu ngày 28/4, vốn được truyền thông là làm “thay đổi quan điểm của khán giả về phim kinh dị Việt”, nhưng rồi bất lực, vì yếu kém mọi mặt.
Tháng 5 này có đến 7 phim Việt ra rạp, những phim còn lại là: Ngủ với hồn ma (ngày 8/5), Lật mặt (15/5), Bộ ba rắc rối (15/5), Bảo mẫu siêu quậy (29/5), Quyên (29/5). Theo tin từ nhà phát hành thì sau 4 ngày ra rạp, Ma dai đã bán được 175.000 vé, thu về 14 tỷ đồng.
Một pha trộn “khó đỡ”
Nếu xét về ý tưởng gốc, thì Ma dai (con ma lì lợm, dai dẳng) lấy một chút cảm hứng từ Ghost (Hồn ma, KB: Bruce Joel Rubin, ĐD: Jerry Zucker), đoạt giải Oscar cho kịch bản gốc xuất sắc nhất năm 1990.
Trong Ghost, Sam là nhân viên ngân hàng bị giết, nhưng linh hồn vẫn hiện diện nơi trần gian với ước muốn giúp vợ thoát nạn và rửa oan cho mình. Dù âm dương cách biệt, họ vẫn tiếp tục yêu nhau, rồi được hôn nhau như thật. Khi thành công thì hồn ma của Sam lên thiên đàng.
Trong phim, cảnh này diễn tả sự đeo bám của Thố, mà chỉ có Lam mới nhìn thấy được
Trong Ma dai, Thố (do NSƯT Đức Thịnh thủ vai) bị xe tông chết do mải nhìn theo Lam (Ngân Khánh), nên hồn ma cứ bám theo Lam để nhờ giúp đỡ. Kết quả thì họ yêu nhau, dù âm dương cách biệt, rồi cũng được hôn nhau như thật. Khi thành công thì hồn ma của Thố cũng lên thiên đàng.
Tuy ý tưởng cốt lõi là vậy, nhưng không thể nói Ma dai sao chép kịch bản của Ghost, vì hai câu chuyện có cách triển khai với những tình tiết, chi tiết và thông điệp riêng. Hơn nữa, chuyện về một hồn ma có lưu luyến ái tình với thế gian đã trở thành cảm hứng bất tận từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây.
Cái duyên của Ma dai là cách pha trộn tài tình giữa một câu chuyện mang ý nghĩa nhân sinh với bối cảnh hài hước, bất ngờ đến “khó đỡ”. Cách cấu thành nhân vật của Đức Thịnh, danh hài Hoài Linh, danh hài Kiều Oanh… rất dễ đẩy câu chuyện đến ngưỡng của hài hước đơn thuần, nhưng kịch bản đã biết kéo họ lại bằng các tình tiết lắng đọng, xúc động.
Hai đạo diễn cũng đã chọn cách bố trí các tuyến nhân vật khá hợp lý, nên các vai phụ của Hoài Linh, Kiều Oanh, Hà Việt Dũng, Thái Hòa, Hari Won, Thanh Mỹ… đã bổ sung được cho chuyện tình, nghịch cảnh mà Thố và Lam đang đối diện. Chính vì vậy, cái kết của phim dù có hậu nhưng không giáo điều, nên dư âm đủ sức lan tỏa về một chuyện tình dễ thương, gần gũi, nhất là với khán giả trẻ.
Nếu Thái Hòa vào vai chính…
Theo thông tin bên lề, ban đầu vai Thố được Đức Thịnh ngắm cho Thái Hòa, nếu không kẹt quay bổ sung phim Để Mai tính 2 thì dự định này đã thành hiện thực. Nếu Thái Hòa vào vai Thố thì chắc chắn sức hút của Ma dai còn mạnh mẽ hơn, bởi “mãi lực” hiện có của “ông hoàng phòng vé” này rất lớn.
Hơn nữa, ngoài đời Đức Thịnh và Thái Hòa khá thân thiết, họ đã lăn lộn với nhau qua nhiều tiểu phẩm hài, hiểu sở trường sở đoản của nhau, nên Thái Hòa mà đóng vai Thố thì sẽ rất đạt. Tại hôm ra mắt báo chí (27/4), Đức Thịnh nói rằng phút chót anh nhảy vào vai Thố, nên cùng lúc làm hai vai trò không hề đơn giản. Tuy nhiên, công bằng nhìn nhận thì diễn xuất của Đức Thịnh rất đạt, nhiều khoảnh khắc khó có diễn viên nào làm được như vậy.
Vai Lam của Ngân Khánh cũng tự nhiên và thu hút. Nó càng ý nghĩa hơn khi đây có thể là vai diễn cuối cùng, vì nữ diễn viên này muốn rút lui khỏi giới giải trí để du học về ngành sản xuất phim tại Singapore.
Và cuối cùng, kỹ xảo tuy đơn giản nhưng vừa đủ để giúp cho Ma dai diễn đạt được hầu hết các ý muốn mà câu chuyện muốn hướng đến. Giữa thời đại mà kỹ xảo đang lên ngôi, chọn lựa có vẻ đơn giản lại tỏ ra hiệu quả vì người xem có cảm giác chân thật.
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa