A+ A A- Kiểu đọc sách

The Voice Mỹ: Toan tính hay là chết

14:37 22/06/2013
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Việc quán quân The Voice các mùa trước chưa trở thành ngôi sao tầm cỡ, dù chưa làm giảm đáng kể tỷ suất người xem, nhưng nhà sản xuất biết rằng sớm hay muộn cũng làm ảnh hưởng đến uy tín của chương trình ăn khách này.

The Voice, American Idol và những cuộc thi âm nhạc kiêm truyền hình thực tế tương tự đều có những mục đích tương tự nhau: Thi tài năng, chọn ra một nghệ sĩ có khả năng thành công trong ngành công nghiệp âm nhạc, tạo ra một chương trình truyền hình có tỷ suất người xem cao và tăng chứ không phải giảm theo từng mùa.

Liệt kê ra thì đơn giản, nhưng đằng sau đó là rất nhiều toan tính đau đầu.

Vừa thi vừa bán nhạc trên iTunes để tìm quán quân

Tại Mỹ, cũng như ở Việt Nam, The Voice hiện là cuộc thi ca nhạc - chương trình truyền hình thực tế nóng nhất, có lượng khán giả đông đảo. Chương trình này đang ở thời ăn khách, còn American Idol đã xuống dốc, nếu so sánh mức độ thành công giữa hai bên mà chỉ nhìn vào hiện tại thì thật khập khiễng.

The Voice có vẻ đang thắng thế, nhưng xét về tiêu chí chọn ra các nghệ sĩ có khả năng thành công thì nhà sản xuất The Voice cần xem lại bởi đã 4 mùa thi nhưng các quán quân của 3 mùa trước (lần lượt là Javier Colon, Jermaine Paul và Cassadee Pope) đều chưa trở thành những ngôi sao ca nhạc tầm cỡ như mong đợi, kiểu như Kelly Clarkson hay Carrie Underwood bên phía American Idol.

Đó chính là một lý do khiến doanh số bán nhạc trên iTunes (thứ chứng tỏ sức hút thị trường của thí sinh) cũng được lấy làm một trong các tiêu chí (bên cạnh lượng bầu chọn của khán giả) để tìm ra quán quân The Voice. Tóm lại thì, The Voice đâu chỉ là về “giọng hát”. Cũng như việc cả triệu người có giọng hát hay nhưng số lượng ngôi sao ca nhạc tầm cỡ trên thế giới thì ít hơn nhiều.

Huấn luyện viên Adam Levine đứng cả lên ghế để kêu gọi giọng ca chuyên nghiệp Judith Hill về đội của mình, mặc dù vậy, về sau Hill vẫn bị loại sớm. The Voice luôn nổi tiếng vì những lời khen ngợi “lộng lẫy”, ví von quá đà

Tránh đi theo “vết xe đổ” của American Idol

Danielle Bradbery, quán quân The Voice năm nay, cũng là thí sinh hội tụ những yếu tố để thành công trong thị trường âm nhạc: khán giả yêu một thần đồng có vẻ ngoài thánh thiện (Danielle 16 tuổi). Ngoài ra, việc 2 ngôi sao nhạc đồng quê hàng đầu hiện nay Carrie Underwood và Miranda Lambert từng là người chiến thắng tại các cuộc thi âm nhạc cho thấy người hâm mộ nhạc đồng quê rất nhiệt tình bầu chọn.

Tại chung kết The Voice tối 18/6, Danielle có phần biểu diễn cuối trong đêm thi, điều này giúp cô vẫn còn “tươi mới” trong tâm trí khán giả khi đêm thi kết thúc.

Việc đội của Blake Shelton giành chiến thắng lần thứ 3 trong số 4 mùa The Voice cũng được nhiều báo tô đậm như một minh chứng cho sự mát tay của huấn luyện viên này. Mặc dù vậy, thành quả ngọt ngào kéo theo nguy cơ: Nếu cứ thế này thì cuộc thi sẽ trở nên nhàm chán. “Nhàm chán” là điều không thể chấp nhận đối với mọi chương trình truyền hình thực tế. Nhà sản xuất có thể để khán giả la ó, nhưng còn hơn là họ không thèm bàn tán gì.

Và một nguy cơ khác: thí sinh các mùa sau sẽ đổ xô về đội của Blake. Vì đội Blake sở hữu 75% chiến thắng ở The Voice, thì tại sao không? Thí sinh chắc chắn sẽ chọn anh nếu họ có cơ hội. Nếu điều này xảy ra, mà sự thực là đã phần nào xảy ra trong mùa thi năm nay, đội Blake sẽ giống như một “trại” huấn luyện quán quân.


Quán quân The Voice năm nay, cô gái xinh đẹp 16 tuổi Danielle Bradbery, được kỳ vọng sẽ trở thành một ngôi sao, điều mà các quán quân trước đó vẫn chưa làm được

Lúc đó thì cũng chẳng khác mấy việc cuộc thi có một kết quả đã được định sẵn - điều sẽ khiến khán giả tức giận hơn bao giờ hết vì cảm thấy bị qua mặt. Cảm giác này, khán giả Việt Nam đã trải qua khi xảy ra vụ scandal Phương Uyên trong chương trình The Voice năm ngoái.

Trở lại với “trại huấn luyện quán quân” của Blake Shelton, điều đó là công bằng. Cuộc đời là vậy. Blake giỏi và thí sinh của anh được yêu thích. Nhưng còn tương lai của The Voice?

Hãy nhìn vào American Idol, không hay chút nào khi các quán quân của họ qua các mùa trông giông giống nhau: một anh chàng đẹp trai dễ mến, thường ôm guitar (David Cook, Kris Allen, Lee DeWyze, Scotty McCreery, Phillip Phillips…). Điều đó tạo cho khán giả ấn tượng rằng chương trình chẳng có gì bất ngờ gay cấn, có thể đoán trước được.

Liên tiếp 5 mùa American Idol, quán quân đều là nam khiến nhà sản xuất đứng ngồi không yên và có làm hẳn một đoạn quảng cáo với gợi ý: Quán quân năm nay có thể là nữ? Năm nay, cầu được ước thấy, họ có Candice Glover, một giọng ca nữ theo dòng R&B, đăng quang ngôi thần tượng. Nhưng chương trình vẫn đi xuống.

Tóm lại, kinh nghiệm xương máu cho The Voice là: Bất kể vì lý do gì, đừng tác động đến kết quả, hãy để công chúng Mỹ chọn người họ thích và cầu nguyện cho lựa chọn đó sẽ giúp chương trình hấp dẫn đủ để khán giả vẫn ngồi trước màn hình ở mùa sau.

The Voice không thích những người chuyên nghiệp

Judith Hill, một giọng ca bị loại ở Top 8, từng được khán giả yêu thích khi cuộc thi bắt đầu nhưng về sau bị chỉ trích vì là ca sĩ chuyên nghiệp mà lại tham gia cuộc thi dành cho những người nghiệp dư. Cụ thể: Hill từng được mời tham dự chuyến lưu diễn không bao giờ diễn ra This Is It với huyền thoại quá cố Michael Jackson trong vai trò ca sĩ hát song ca.

Thực ra, The Voice không hề có luật cấm ca sĩ chuyên nghiệp dự thi, nhưng phần đông công chúng nhìn nhận điều đó như một việc sai trái và thiếu công bằng. Và đã mất lòng công chúng - những người có quyền bầu chọn - thì không thể nào trụ lại được.

Mi Ly
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...