(Thethaovanhoa.vn) - The Face Vietnam lên sóng VTV3 ngày 18/6 tới đây, Vietnam’s Next Top Model sau đó gần 1 tháng – 17/7, Siêu mẫu Việt Nam cũng đang ráo riết kêu gọi các cô gái chân dài nộp hồ sơ. Các cuộc thi tìm kiếm người mẫu đang dàn hàng ngang chuẩn bị “tấn công” sóng truyền hình.
Mỗi cuộc thi mỗi tiêu chí lựa chọn, chấm điểm nhưng cùng chung một mục đích, cung cấp người mẫu cho thị trường thời trang Việt Nam. Tuy nhiên, nếu lắng nghe từ thị trường người mẫu qua các hoạt động kinh doanh của ngành thời trang, quảng cáo thì thấy, dù có “vét” hết những người có khả năng từ các cuộc thi nói trên, và nhiều cuộc thi chưa được nhắc tên, cũng chưa đủ cung.
Quảng cáo - Địa hạt không dành cho người mẫu
Nếu chịu khó ngồi xem hết các clip quảng cáo được chen vào những chương trình truyền hình hot nhất trong những ngày cuối tuần, không khó nhận ra hầu như chẳng có gương mặt quảng cáo nào là người mẫu, dù có giải thưởng hay không.
Các nhãn hàng thường lựa chọn những ngôi sao trong lĩnh vực giải trí như ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ múa, rất ít khi là hoa hậu, á hậu… để đóng clip quảng cáo sản phẩm. Và rất ít người trong số đó được lựa chọn để làm người đại diện thương hiệu. Những nghệ sĩ như Linh Nga, Hồ Ngọc Hà, Đông Nhi… khi đã được lựa chọn thì lại làm đại diện cho một lúc mấy thương hiệu, miễn là các thương hiệu không đụng nhau về ngành hàng.
Thực tế, giới làm quảng cáo khi đứng trước những bài toán khó về việc lựa chọn gương mặt cho các clip quảng cáo, họ thường giải bằng cách… tìm người mẫu Thái Lan. Những clip quảng cáo dầu gội đầu, mỹ phẩm hầu như sử dụng người mẫu Thái.
Bộ ba huấn luyện viên "The Face – Gương mặt thương hiệu"
Những người mẫu này, ngoài ngoại hình tương đối ổn, đáp ứng đúng tiêu chí của nhãn hàng cần quảng cáo, và giá rẻ. Nhưng một điều quan trọng hơn, các người mẫu này sẽ không bị “truy cứu” về đời sống riêng tư, đạo đức cá nhân hoặc soi mói scandal – điều mà các thương hiệu rất tránh khi chọn đại sứ, thậm chí phải đưa vào hợp đồng thành một điều khoản rõ ràng.
Còn lại, xuất hiện trên catwalk của các sàn diễn thời trang mới là những người mẫu trưởng thành từ các cuộc thi như Siêu mẫu Việt Nam, Ngôi sao người mẫu, hayVietnam’s Next Top Model.
Nhưng thực tế, trên thế giới, doanh thu mang lại cho cá nhân các người mẫu và các tổ chức liên quan đến họ lại từ quảng cáo chứ không phải catwalk.
Naomi Campbell – "mẹ đẻ" của The Face mà Việt Nam đang mua bản quyền chuẩn bị phát sóng đã từng bỏ túi nhiều hợp đồng béo bở khi làm đại sứ thương hiệu, chẳng hạn 2 triệu USD từ nhà D&G...
Trong khi đó, những người mẫu hạng A nếu có trình diễn catwalk ở các tuần lễ thời trang danh tiếng nhất như Paris Fashion Week hay New York Fashion Week cũng chỉ bỏ túi được 800 – 1.000 USD/show; còn người mẫu thường thường thì chỉ kiếm được 150 – 300 USD/show.
Đúng là hơi khập khiễng khi dẫn chứng những con số thù lao của các người mẫu thế giới trong thế so sánh giữa trình diễn catwalk với làm quảng cáo nhưng điều này cũng không hề khác biệt với thị trường người mẫu ở Việt Nam. Một người mẫu hạng A, được giữ vị trí vedette trong các show diễn ở những tuần lễ thời trang đang được tổ chức rầm rộ ở Việt Nam thường cũng chỉ kiếm được 5-6 triệu/show, người mẫu ít tên tuổi thì chỉ 3-4 triệu/show.
Trong khi đó, để quay một clip quảng cáo, với nhãn hàng ít tiếng tăm nhất, họ cũng có thể bỏ túi 5-7 ngàn USD. Những gương mặt như Hồ Ngọc Hà, Ngô Thanh Vân, Linh Nga, Đông Nhi…, khi mà danh tiếng của họ đã vượt ra ngoài địa vị người mẫu thì con số có thể lên đến vài chục ngàn, thậm chí vài trăm ngàn USD.
* The Face: Giải thưởng chính là hợp đồng quảng cáo!
Được mua bản quyền từ Endemol Shine Group (do siêu mẫu Naomi Campbell tham gia sáng tạo) và Việt hoá với cái tên Gương mặt thương hiệu, The Face Vietnam cho thấy cuộc thi này tấn công vào lĩnh vực cung cấp người mẫu quảng cáo – địa hạt kiếm tiền khủng nhưng đang thiếu thốn trầm trọng ở Việt Nam.
Lựa chọn 3 gương mặt đang đình đám trong giới giải trí là Hồ Ngọc Hà, Phạm Hương và Lan Khuê, trong đó nổi bật là Hồ Ngọc Hà với thành tích từng một lúc làm đại sứ đến 8 thương hiệu, The Face xác định rõ ràng mục đích phía sau cuộc thi này.
Và mục đích đó không hề vu vơ rằng: “The Face là một chương trình truyền hình thực tế được tổ chức nhằm mục đích tìm ra người mẫu hội tụ đủ những tố chất để trở thành gương mặt đại diện, đại sứ cho các nhãn hàng, thương hiệu” như nhà tổ chức đã công bố một cách rất xã giao trong cuộc họp báo vừa qua.
Mà hẳn là: Giải thưởng cho những người giành được ngôi vị cao nhất trong cuộc thi này chính là những hợp đồng quảng cáo!
Kỳ vọng là thế nhưng thực tế ra sao, và trong khuôn khổ một cuộc thi mà mục đích lớn hơn là rating, là giải trí, kỳ vọng này có đạt được hay không, mọi thứ dường như không nằm ở sự mong đợi của khán giả. Khán giả chỉ cần thưởng thức một chương trình giải trí hấp dẫn, thế thôi.
Dương Vân Anh
Thể thao & Văn hóa