A+ A A- Kiểu đọc sách

Tác quyền âm nhạc: Nếu là thị trường, hãy để thị trường điều chỉnh

06:22 24/08/2014
loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Liên quan tới những thắc mắc, tranh luận thời gian gần đây về việc VCPMC thu tác quyền trong các chương trình biểu diễn âm nhạc, Tiêu điểm đã có cuộc trao đổi với Giám đốc phía Nam của Trung tâm, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn.

* Cứ mỗi lần câu chuyện tác quyền nóng lên, lại có ý kiến đặt vấn đề về chuyện thu chi minh bạch của VCPMC. Ông có thấy đó là vấn đề không?

- Nếu thu chi không minh bạch vậy thì bộ phận kiểm toán của Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới (CISAC) hàng năm dùng để làm gì? Nếu bọn tôi làm bậy thì VCPMC chẳng bao giờ được yên ổn đâu. Bây giờ ai cần minh chứng điều gì, chúng tôi có thể rõ ràng được hết. Chẳng hạn mới đây có nhạc sĩ lên tiếng về chuyện tác quyền anh ấy nhận được tối đa là 2 triệu đồng một bài. Nhưng chúng tôi có đủ dữ liệu để chứng minh anh ấy từng ký nhận hơn 3 triệu đồng một bài. Vậy mà lên báo nói lung tung và làm mọi chuyện cứ rùm beng lên. Ngay cả bản thân họ không nhớ hoặc cố tình không nhớ nhưng cơ sở dữ liệu của VCPMC lúc nào cũng có thể chứng minh được mọi thứ.


Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC

* Nhưng đâu phải lời đồn lúc nào cũng sai. Chẳng hạn việc VCPMC ngã giá, giảm giá đến ngạc nhiên. Có những chương trình VCPMC áp giá thu là 80 triệu nhưng sau khi đàm phán, giá thực tế chỉ còn khoảng 20 triệu.

- Đây là thỏa thuận dân sự nên có thể đàm phán, có thuận mua và vừa bán. Nếu đơn vị tổ chức biểu diễn gặp khó khăn chúng tôi không bao giờ dồn họ vào chân tường. VCPMC có biểu giá chung (từ 1/1/2014) quy định rất rõ ràng về giá cả để từ đó các bên có thể gặp nhau và đàm phán.

Ví dụ, VCPMC có biểu giá chung cho việc thu tiền ở các quán karaoke. Nhưng liệu có thể áp giá ở quận 1 với giá ở quận 9 (TP.HCM) được không? Một chai bia tại một tiệm karaoke quận 1 có giá 50 ngàn đồng nhưng ở quận 9, mức giá đó ai sẽ uống? Vậy VCPMC sẽ áp giá nào với cơ sở này? Chắc chắn chúng tôi sẽ phải giảm giá ở quận 9 chứ.

Việc đàm phán như vậy, quốc tế họ cũng làm chứ đâu phải riêng VCPMC. Tôi ví dụ trường hợp bài Bonjour Vietnam. Có doanh nghiệp tại Việt Nam muốn mua bài hát này để làm quảng cáo và họ nhờ đến VCPMC, chúng tôi đã làm việc với chủ sở hữu là một trung tâm tác quyền tại Pháp. Cái giá phía Pháp đưa ra là 100 ngàn USD. Chúng tôi đàm phán và đưa ra các dẫn chứng rằng với giá đó thì không thể làm tại Việt Nam được. Giá cuối cùng được chốt lại là 10 nghìn USD. Phía Pháp không sai khi đưa ra cái giá ban đầu quá cao nhưng họ sẵn sàng điều chỉnh tùy vào trường hợp cụ thể.

* Biểu mẫu giá VCPMC đưa ra, dù đúng luật, bị xem là cao quá, không ít người cho rằng đây là cái “bẫy” mà đàm phán kiểu gì cũng “dính”?

- VCPMC không đưa ra một cái bẫy nào cả. Nói thẳng ra, cái bẫy nào cho phép bán 1 vé 4 triệu đồng? Tôi biết có rất nhiều tác giả muốn tặng miễn phí bài hát để chị Khánh Ly hát nhạc của họ nhưng tại sao chị chỉ hát Trịnh Công Sơn? Vì nếu không phải nhạc Trịnh Công Sơn liệu khán giả có bỏ ra 4 triệu đồng để mua vé? Tại sao cùng trong một chương trình có ca sĩ được trả 200 triệu đồng nhưng cũng có người hát chỉ được 5 triệu? Điều gì hình thành nên những chuyện như vậy? Xin thưa ngay: thị trường. Vậy nếu là thị trường thì hãy để thị trường tự điều chỉnh theo đúng tình hình thực tiễn.

* Vậy tại sao VCPMC cứ thu tiền trước mà không đợi “thực tiễn”, bởi có khi nhà tổ chức méo mặt vì ế vé trước đêm diễn?

- Có hai điều chúng ta cần phải hiểu rõ. Thứ nhất, các nhà sản xuất không hề muốn công bố thực tế con số hay những việc đã thực hiện. Tại vì nếu thu tiền tác quyền sau đêm diễn thì mọi con số phải rành mạch, hồ sơ thuế cho anh in bao nhiêu vé, giá vé cao thấp ra sao, màn hình âm thanh giá thế nào, tiền ca sĩ ra sao, sân khấu chi bao nhiêu… Đây là chuyện nhạy cảm. VCPMC cũng không muốn đi quá sâu vào chuyện làm ăn của những nhà tổ chức.

Thứ hai, trong thực tế, bản thân tôi đã làm khá nhiều lần thu tác quyền sau đêm diễn. Nhưng phần lớn, sau đêm diễn, công ty đó biến mất. Thậm chí tôi đến địa chỉ do công ty đó cung cấp thì nhà đó đã trả không thuê nữa. Trong khi đó bộ phận âm thanh, ánh sáng, ca sĩ, sân khấu, bảo vệ, tất tần tật đều đã nhận tiền, chỉ có tiền tác quyền của nhạc sĩ thì không.

* Cách đây 5 năm (2009), ông từng trả lời rằng VCPMC sẽ trang bị hệ thống hiện đại để kiểm soát lượt download trên Internet của các trang kinh doanh nhạc số. Nhưng đến giờ vẫn chưa thấy điều đó trở thành hiện thực?

- Chúng tôi đã triển khai và giờ đang ở giai đoạn cuối.

“Công thức” thu phí tác quyền của VCPMC

Với các chương trình biểu diễn âm nhạc tổ chức trong nhà hoặc ngoài trời. Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc VCPMC - cho biết:

“Chúng tôi căn cứ vào Nghị định 61 của Chính phủ về chế độ nhuận bút cho tác giả và chủ sở hữu tác phẩm. Vắn tắt, theo đó, đơn vị tổ chức biểu diễn phải trả từ 15 - 21% doanh thu của buổi diễn cho các thành phần tác giả có tác phẩm được khai thác, bao gồm nhạc sĩ, phối khí, biên đạo múa, họa sĩ...

Từ quy định này, VCPMC chủ động chọn mức thu 5% . Nghĩa là chỉ bằng 1/3 hoặc 1/ 4 mức thù lao chung cho tập thể tác giả - cho dù ở nhiều đêm diễn, vai trò của phối khí, biên đạo múa là không hề có hoặc rất mờ nhạt. Doanh thu của buổi diễn được tính bằng mức vé trung bình x 60% số ghế (nếu biểu diễn ngoài trời) hoặc x 75% số ghế (nếu biểu diễn trong nhà). Chúng tôi không thu 100% số ghế, bởi hiểu rằng không phải chương trình nào cũng có thể bán hết vé theo dự kiến.

Sau khi trừ đi 20% phí hoạt động của VCPMC, số tiền này sẽ được chia theo số ca khúc được biểu diễn để chuyển tới các tác giả hoặc người nắm bản quyền. Kể từ khi công việc này được tiến hành, các nhạc sĩ đều tuyệt đối đồng ý với chúng tôi về mức thu này, và vẫn đều đặn nhận tiền bản quyền theo quý”.

Sơn Tùng (ghi)

Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...