“Sống đẹp” - loạt 365 phim ngắn về 365 tình huống ứng xử
(TT&VH Online) - Từ 4/5/2011, loạt phim ngắn 365 tập đã được phát sóng hàng ngày trong khung “giờ vàng” của VTV1 - ngay sau bản tin thời sự buổi tối - với chủ đề chung là “Sống đẹp”. Mặc dù chỉ có thời lượng từ 1 - 1,5 phút cho mỗi một câu chuyện mà các đạo diễn Trần Nam Hải và Nguyễn Mạnh Hà định kể cho bạn xem truyền hình, nhưng thông điệp mà chương trình để lại đã tạo nên nhiều ấn tượng thú vị.
Chương trình “Sống đẹp” là ý tưởng chung của nhiều người xây dựng thành, nhằm tôn vinh những hành vi ứng xử đẹp, đúng mực với cộng đồng; tôn trọng bản thân, gia đình và người khác với thái độ sống, cách cư xử lành mạnh; là những lời khen ngợi nhưng cũng có thể là những lời “trách khéo” dưới góc nhìn hài hước và hóm hỉnh. Mục đích của dự án là tạo ra một chương trình truyền thông nổi bật, phổ cập, hướng đến nhận thức và đời sống của đại bộ phận dân chúng, với các thông điệp được phát sóng lặp đi lặp lại nhằm định hướng cộng đồng tới một cuộc sống văn minh, tốt đẹp, nhân văn, thân thiện và hiểu biết hơn.
Đạo diễn Trần Nam Hải
Ông Phùng Duy Khương, Phó Tổng Giám đốc Maritime Bank – đơn vị hợp tác sản xuất với VTV1 cho hay, điểm đặc biệt lớn nhất của chương trình là phim ngắn dạng tiểu phẩm truyền hình được phát sóng liên tục, thông điệp trực tiếp và ấn tượng khiến khán giả dễ ghi nhớ. Chẳng hạn thói xấu như xả rác, hút thuốc lá, ghen tị và nói xấu, tập tục tốt như thờ cúng tổ tiên, tiết kiệm và để dành, nhiều cặp phạm trù ứng xử như mua sắm và chi tiêu, nói lời xin lỗi và cảm ơn, tình bạn, tập thể dục, đọc sách… đều là những việc gặp hàng ngày nhưng có thể thời gian đã khiến chúng ta lãng quên đi.
Chủ đề chung là như vậy, nhưng để triển khai thành 365 tập phim phát sóng trong vòng 1 năm không phải là chuyện đơn giản. Được biết, nhà sản xuất đã mời các cây bút, nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa có uy tín như Phạm Xuân Nguyên, Trần Quang Quý, TS Nguyễn Thị Hậu, Trang Hạ, Phan An… làm cố vấn cũng như phác thảo ý tưởng cho từng tập phim cụ thể.
Đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà, tác giả của nhiều phim ngắn và phim tài liệu có tiếng vang trước đây cho hay, cá nhân anh rất thích “Sống đẹp”. Đơn giản vì chương trình có quy mô hợp lý và tinh thần tự do. “Làm một dự án mà bạn tự do thì sẽ sáng tạo được nhiều hơn. Tuy nhiên ý tưởng, hình thức thể hiện và thông điệp của mỗi tập phim thực sự đã trở thành một thách thức. Thời gian 1 - 1,5 phút quá ngắn yêu cầu phim phải cô đọng, giản dị tới mức tối đa, mạch lạc, không có lỗi, nhưng vẫn phải hấp dẫn. Vượt qua cấp độ đó, phim phải để lại những dấu ấn cá nhân. Cao hơn cấp độ này, dấu ấn cá nhân biến mất, chỉ còn đọng lại một câu hỏi của khán giả: phim vừa xem có hay không mà thôi. 365 ngày là 365 thông điệp. Cuối cùng, việc này là gì? Là niềm hy vọng góp một chút nào đó nhằm thay đổi hiện thực xã hội. Chúng tôi tin rằng, nếu muốn người Việt Nam ta thay đổi thói quen xếp hàng thì thay vì làm 365 tập thì chỉ làm 1 tập thôi, phát ròng rã trong 5 năm thì may ra… Nhưng chúng tôi không ngừng hy vọng về điều đó” – đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà chia sẻ.
Cảnh quay một tình huống ứng xử về chào hỏi
Đạo diễn Trần Nam Hải cho hay, chương trình được thai nghén và ra mắt khán giả nhằm gìn giữ lại những nét sống đẹp trong xã hội. Ban đầu, những người sản xuất cho rằng xã hội cần có nhiều hơn những chương trình giúp trẻ trau dồi hành vi ứng xử và kỹ năng sống. Tuy nhiên, sau một thời gian làm việc thử nghiệm, ekip làm việc nhận thấy con người sinh ra vốn được dạy dỗ nhưng những điều tốt đẹp ấy đã mai một đi vì thời gian, nên chương trình được làm ra không chỉ dành cho giới trẻ mà ngay cả cho những người đã trưởng thành, hiện đang là lực lượng lao động chính và là động lực phát triển của xã hội. “Xã hội ngày một phát triển với những thay đổi tích cực và cả tiêu cực. Chúng ta cần phát triển nhưng cũng cần duy trì những cái đồng hành, là văn hóa, truyền thống, những tập quán đẹp... cũng như tiếp nhận thêm những hành vi ứng xử văn minh mới. Trước đây, trong nhà khi một người con trai chào đời thì cha mẹ lo trồng xoan để khi con lớn thì có gỗ làm nhà. Trẻ con trước gặp người lớn là phải khoanh tay cúi đầu chào, giờ chào hỏi thế nào cũng cần phải bàn. Người ta cần nhiều kiến thức căn bản hơn để sống hòa hợp với một xã hội mà cơ sở hạ tầng và vật chất ngày càng văn minh, hiện đại như hiện nay” – đạo diễn Trần Nam Hải nhận xét.
“Sống đẹp” được sản xuất bằng thể thức phim cực ngắn, nhưng dù cực ngắn thì vẫn là phim. Trong khoảng 50 số phát sóng vừa qua đã “tiêu tốn” gần 100 diễn viên trên tổng số 500 – 700 diễn viên dự kiến sẽ xuất hiện trong khoảng thời gian 1 năm phát sóng. Đó là chưa kể đến việc phải di chuyển, thay đổi bối cảnh liên tục... Tại Australia cũng có một số loạt phim cực ngắn tương tự, nhưng được sản xuất tại trường quay, chứ không làm tại hiện trường như “Sống đẹp”. Nhưng Đạo diễn Trần Nam Hải cho rằng, nhóm sản xuất đều tâm đắc, thậm chí ngay cả các diễn viên cũng vậy, bởi đơn giản là ai cũng mong con cái mình lớn lên trong một xã hội tốt đẹp hơn, văn minh hơn. Bản thân các đơn vị hợp tác sản xuất chương trình không phải là nhà quản lý hoặc bắt ép mọi người phải thay đổi điều gì, nên chỉ giới hạn trong việc nêu một câu hỏi, gây một tiếng cười nhằm đánh thức những điều tốt đẹp mà ngay chính người lớn ngày nay đã được giáo dục nhưng cũng lãng quên đi.
Ông Nguyễn Thanh Dương – Giám đốc Khối tổng hợp của Maritime Bank, đơn vị tài trợ khẳng định, “Sống đẹp” là một chương trình giàu ý nghĩa, nhằm tác động vào nhận thức của mỗi cá nhân, sao cho cuộc sống quanh ta văn minh hơn. Muốn làm được điều đó, chương trình không chỉ được sản xuất dài hơi hơn khoảng thời gian 1 năm như đã ký kết, mà có thể được phát sóng trong nhiều năm tới. “Ban đầu, chúng tôi băn khoăn với thông điệp “Gieo thói quen, gặt tính cách”, nhưng trước ngày phát sóng đã quyết định đổi thành “Cùng Maritime Bank xây dựng nếp sống đẹp”. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, quyền lợi của Nhà tài trợ chỉ là phụ. Tất cả chúng tôi đều đặt ý nghĩa chung của chương trình lên thang mức cao nhất” - ông Thanh Dương nói.
Thế Vinh