A+ A A- Kiểu đọc sách

Sách 'Thành kỳ ý': Gây tranh cãi vì tranh minh họa giống Trung Quốc

06:52 18/01/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Thành kỳ ý, tiểu thuyết kèm tranh vẽ của cặp tác giả Linh - San, gây xôn xao trên các diễn đàn vài tháng nay vì tranh minh họa nhân vật bị cho là “bắt chước Trung Quốc”. Sách ra mắt sáng 17/1 tại Hà Nội.

Thành kỳ ý  là tác phẩm hợp tác giữa nhà văn Lê Thị Ngọc Linh (Linh) và họa sĩ Bùi Hải Bình (San). Sách được xuất bản theo hình thức gây quỹ cộng đồng. Sách dày 327 trang (chưa tính nhiều trang tranh màu), do Comicola, Đông A và NXB Văn học ấn hành.

“Lịch sử” hay “lãng mạn có yếu tố lịch sử”?

Thành kỳ ý là bộ trường tiểu thuyết, dự kiến gồm 3 tập có tên là Máu, Hoa, Lệ. Bộ tiểu thuyết lấy bối cảnh triều đại Lê Sơ cách đây 500 năm, dưới các thời vua: Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Xuyên suốt là câu chuyện về cuộc đời, tình yêu và duyên nợ của nàng Ngọc Huyên với bốn huynh đệ nhà Đế vương.


Tạo hình nhân vật Ngọc Huyên 

Máu kể về vụ án Lệ Chi Viên khiến 400 người bị xử chém. Người thiếp thứ tư của Nguyễn Trãi trốn thoát tới nơi ẩn náu cùng mẹ con Hoàng tử Lê Tư Thành, hạ sinh cặp song sinh Anh Vũ và Ngọc Huyên. Sau này, ba đứa trẻ lớn lên rơi vào vòng xoáy tranh đoạt quyền lực chốn hoàng cung.

Trên bìa tập 1 của Thành kỳ ý có ghi rõ thể loại sách là “Tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử”. Nhưng khi quảng bá, sách được giới thiệu là “tiểu thuyết lịch sử”. Đây là một điểm gây tranh cãi. Nơi đăng nhiều ý kiến phản đối nhất là trang Facebook Ngôn tình - Ném đá Confessions.


Trang phục của nhân vật Thần phi mang đậm nét Phật giáo, và được tạo nên bởi sự kết hợp từ nhiều bức tượng nhân vật lịch sử khác nhau

Phía phản đối cho rằng nếu nhận là “tiểu thuyết lịch sử” thì sách phải “phản ánh trung thực các sự thật lịch sử”, và “cốt truyện chính kể về các sự kiện lịch sử chứ không phải chuyện tình cảm”. Trong khi đó, nếu là “tiểu thuyết lãng mạn có yếu tố lịch sử” thì sách có quyền “hư cấu nhiều” và “cốt truyện chính kể về chuyện tình cảm”.

Trả lời Thể thao & Văn hóa về thể loại của Thành kỳ ý, họa sĩ San cho biết: “Gọi Thành kỳ ý là một tiểu thuyết lịch sử cũng không sai. Bởi ban biên tập Đông A đã nghiên cứu để đảm bảo tính lịch sử và các mốc lịch sử trong truyện có tính chính xác cao nhất. Công ty cũng mời nhiều chuyên gia lịch sử thẩm định nội dung. Khi bản thảo chuyển đến NXB Văn học, NXB cũng thẩm định rất kỹ trong 1 tháng”.


Nhóm tác giả "Thành ký ý" gồm Linh (trái) và San (phải) cùng hai người mẫu hóa trang thành nhân vật trong truyện

“Một trong những học giả được Đông A mời thẩm định là TS Trần Trọng Dương, anh không góp ý gì về mốc lịch sử được đề cập trong sách” - tác giả Linh nói thêm.

Bởi vậy, theo nhóm sáng tác, gọi Thành kỳ ý là “tiểu thuyết lịch sử” hay “lãng mạn có yếu tố lịch sử” đều không sai.

Trung Quốc hay Đại Việt thời Lê Sơ?

Một yếu tố khác gây tranh cãi dữ dội là tạo hình nhân vật đã được công bố trên mạng. Từ khi dự án gây quỹ cộng đồng bắt đầu vào tháng 5/2015, ngay lập tức, đã có những phản hồi cho rằng tranh vẽ của Thành kỳ ý “giống tranh minh họa tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc” hay “không chân thực về lịch sử”. Đến tận khi sách ra mắt, chủ đề tranh cãi này vẫn rất nóng trên trang Ngôn tình - Ném đá Confessions.


Bìa cuốn "Thành ký ý" đang gây tranh cãi

Bàn về tranh cãi này, nhóm sáng tác đã công bố một số tư liệu và căn cứ lịch sử. Đó là ảnh chụp các bức tượng nhân vật lịch sử thời Lê cùng những hình vẽ phục dựng.

Họa sĩ San nói: “Ở thời Lê Sơ, từ năm 1428, vua Lê Thái Tông đã sai Nguyễn Trãi sang Trung Quốc lấy quy chế trang phục về cho Đại Việt. Thời đó, nước ta cũng thuộc nhóm các nước “đồng văn” (cùng một chữ viết). Các nước này có nhiều điểm tương đồng về trang phục. Trong đó, Trung Quốc là nước có trang phục thiết triều đạt đến đỉnh cao, được các nước khác học tập. Mặc dù vậy, đại đồng tiểu dị, nước ta không bắt chước hoàn toàn. Có những chi tiết được thay đổi làm nên nét riêng biệt của Đại Việt”.

Chẳng hạn, trang phục của nhân vật Thần phi (nguyên mẫu là Nguyễn Thị Anh) được San vẽ mang đậm nét Phật giáo, và được tạo nên bởi sự kết hợp từ nhiều bức tượng nhân vật lịch sử khác nhau. Một ví dụ khác là áo giáp nhân vật Thái tử Lê Nghi Dân…

Quá trình sáng tác và phục dựng trang phục nhân vật của Thành Kỳ Ý được cố vấn bởi nhóm Đại Việt Cổ Phong - một nhóm người yêu thích và có kiến thức rất tốt về lịch sử.

Nói với Thể thao & Văn hóa, Linh và San khẳng định: “Phản hồi của độc giả dù tiêu cực hay tích cực đều cho thấy một điều rất lạc quan: độc giả không quay lưng với lịch sử, trái lại còn rất quan tâm”.

Về các ý kiến trên Ngôn tình - Ném đá Confessions, họa sĩ San nói: “Ý kiến của những người chưa đọc sách thì tôi không tính đến. Các bình luận đều bắt nguồn từ những cảm xúc tiêu cực. Còn theo thống kê của chúng tôi, 10 người ủng hộ thì có 1, 2 người phản đối. Đó cũng là điều bình thường”.

Nha Đam
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...