(Thethaovanhoa.vn) - Cả sân khấu dưới nước lềnh bềnh chung với đám bèo trôi. Khán đài bạc màu thời gian, lá khô rơi đầy. Mùi hôi của rác thải và bèo lâu ngày ứ lại cứ chực xông lên mũi khiến ai một lần chứng kiến và cảm nhận hẳn sẽ khó chịu. Đó là tình trạng bi đát hiện giờ của Nhà hát Múa rối Cô đô Huế.
Cách đây 2 năm, Nhà hát Múa rối Cố đô Huế đã chuyển từ Lê Lợi về Trung tâm du lịch trải nghiệm Huế xưa và nay (tại Đập Đá, Vỹ Dạ). Sau 3 lần chuyển nhà hát, tiêu tốn hàng tỷ đồng, giờ đây, sân khấu và khán đài đang cầm cự trước sự tàn phá của ô nhiễm và thời gian do lâu không được sử dụng và bảo quản đúng mức
Không gian 200m2 của Nhà hát Múa rối Cố đô Huế tại Đập Đá, Vỹ Dạ (TP Huế) giờ bao trùm trong bèo và rác thải
Khác với tuồng, chèo, múa rối nước không có hàng rào ngôn ngữ, tức không dùng lời thoại. Mà thông qua hoạt động của các con rối trên mặt nước, người xem có thể hiểu được cấu tứ trong câu chuyện mà người dàn dựng muốn chuyển tải. Hình ảnh con rồng phun lửa, người nông dân đi cấy đi cày, hình ảnh ông lão bà lão... không cần một thứ ngôn ngữ nào để phiên dịch mà người xem vẫn hiểu, vẫn thấy được cái hay của nó. Với rối nước, ranh giới, bất đồng ngôn ngữ giữa các dân tộc với nhau gần như bị phá bỏ hoàn toàn. Đó chính là cái hay, cái độc đáo mà múa rối nước mang lại.
Mặt nước làm sân khấu biểu diễn dưới nước bốc mùi hôi khó chịu do rác thải ứ lâu ngày
Nhà hát Múa rối Cố đô Huế hiện nay đã xuống cấp trầm trọng về không gian biểu diễn. Bèo dạt, rác thải trên sông ùn vào sân khấu múa rối nước nổi lềnh bềnh, bốc mùi hôi thối khó chịu. Các buổi biểu diễn ở đây giờ chỉ mang tính chất cầm chừng
Không gian sau phong che để những con rối, sào, dây phục vụ cho biểu diễn giờ nhếch nhác và cũng đầy bèo trôi.
Ông Nguyễn Phi Tuấn - Giám đốc Nhà hát Múa rối Cố đô Huế chia sẻ: “Trước thấy đây là một vùng đất đẹp nên tôi mới chuyển nhà hát xuống đây (tại Trung tâm du lịch trải nghiệm Huế xưa và nay). Nhưng vì đất thuê, muốn cố định lâu dài để đầu tư, sửa chữa, phát triển cũng là một điều khó. Giờ kinh phí duy trì phụ thuộc vào các tua lưu diễn. Tôi cũng muốn có một địa điểm cố định để đầu tư bài bản, nhưng kinh phí là cả vấn đề. Giờ tôi cũng đang tìm sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng để hy vọng múa rối nước Cố đô Huế được tiếp tục được đầu tư phục vụ cho công tác bảo tồn và du lịch”.
Đường đi hai bên sân khấu không thể đưa vào phục vụ cho du khách
Huế là vùng đất của di sản, văn hóa. Du khách đến Huế mong muốn tìm đến những không gian văn hóa không chỉ vật thể mà còn cả phi vật thể để thưởng thức và khám phá bản sắc văn hóa nơi đây. Bên cạnh Ca Huế, nhã nhạc cung đình, múa rối nước Cố đô Huế ra đời hy vọng bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống múa rối nước này. Thế nhưng, nếu chỉ một mình ông Nguyễn Phi Tuấn độc bước trên con đường phát triển loại hình múa rối nước trên đất Cố đô thì liệu rằng địa chỉ duy nhất tại Huế về múa rối nước truyền thống của dân tộc có đủ “sức” để bước tiếp hay lại lênh đênh như phận bèo trôi dạt nơi nhà hát đó?.
Các hạng mục khác như phòng vé, phòng tiếp đón hướng dẫn viên đưa khách đến xem múa rối... cũng đều xuống cấp
Nhà hát múa rối nước Cố đô Huế trước kia thuộc Trung tâm văn hóa Thông tin tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhưng sau tách ra thành đơn vị tư nhân do công ty TNHH MTV Thương mại tổ chức biểu diễn Đất Việt đảm nhiệm.
Thanh Nhàn