Quanh chuyện vi phạm bản quyền: Tác giả cần có ý thức bảo vệ tác phẩm của mình
(Thethaovanhoa.vn) - Câu chuyện đạo thơ đang tạo dư luận lớn trong làng văn, trên mạng xã hội cũng như công chúng. Tuy nhiên, những trường hợp “đạo thơ” vừa xảy ra chỉ là một phần của “tảng băng chìm” về vấn đề bản quyền.
Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nhà văn Đỗ Hàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam và nhà thơ trẻ Vi Thùy Linh về vấn đề bản quyền văn học hiện nay.
Sự dễ dãi đã góp phần gây nhiễu loạn…
* Thưa nhà văn Đỗ Hàn, dưới góc độ của một người làm nghề, ông nhìn nhận những vụ việc liên quan đến bản quyền văn học vừa qua như thế nào?
- Nhà văn Đỗ Hàn: Trước tiên, theo tôi ta nên quay trở lại khái niệm đạo văn. Đạo văn trong từ điển nói rất rõ tức là lấy văn của người khác biến thành văn của mình phục vụ một mục đích nào đó.
Đạo văn ở đây không chỉ là văn chương, mà còn có thể là học thuật và các lĩnh vực khác nữa: văn, thơ, nhạc, mỹ thuật, luận văn, những vấn đề học thuật khác của xã hội đã và đang bị vi phạm rất lớn ở nước ta. Tôi có thể khẳng định môi trường vi phạm bản quyền ở nước ta đang bị ô nhiễm rất nặng, do vậy, ngoài cơ quan pháp luật, trách nhiệm, lương tâm của người cầm bút phải được kêu gọi rõ hơn...
* Thưa nhà thơ Vi Thùy Linh, chị nhìn nhận sự việc vừa qua thế nào?
- Nhà thơ Vi Thùy Linh: Theo tôi, một người xuất bản một tác phẩm, được lưu chiểu, được công bố và được công chúng biết đến rộng rãi thì người đi sau đương nhiên về mặt lý hay tình thì vẫn là... người đi sau!
Ngay khi tôi viết, tôi cũng phải xem hình như câu này mình đã viết rồi, phải khác đi. Tôi không bao giờ viết một bài thơ mà công bố ngay. Tôi cũng không bao giờ đưa thơ lên mạng khi chưa xuất bản, vì tôi phải bảo vệ bản quyền của mình...
Bởi thế tôi cho rằng phải xác định thời điểm công bố, thậm chí không riêng bản quyền về tác phẩm mà bản quyền tên... Đã đi sau phải thay đổi, giống như trường hợp có nhạc sĩ Quốc Bảo ở TP.HCM. Khi nhạc sĩ Đỗ Quốc Bảo ở Hà Nội thấy trùng tên đã đổi thành Đỗ Bảo để nó khác đi.
* Là một người sáng tác với rất nhiều tác phẩm ấn tượng để lại với bạn đọc, chị đã từng bị vi phạm bản quyền bao giờ chưa?
- Bị nhiều lắm! Trước đây thì mọi người cứ nhớ là tôi với nhạc sĩ Ngọc Đại và ca sĩ Trần Thu Hà có xích mích rất lớn khi Ngọc Đại làm cả live show về thơ của tôi mà chưa thực hiện việc trả tiền tác quyền cho tôi. Nhưng tôi rõ ràng và vẫn trân trọng ông là một tài năng, sau đó ông đã xin lỗi và trả nhuận bút sòng phẳng, giờ gặp nhau là vui vẻ.
Nhưng không phải ai cũng kết thúc có hậu như vậy. Tôi vẫn bị vi phạm bản quyền, đồng nghiệp thỉnh thoảng vẫn trích dẫn thơ của tôi mà không chú thích. Một số tác giả phổ thơ nhưng không hỏi, không báo với tôi một câu.
Tôi nghĩ chuyện nhiều người cố tình cầm nhầm, lại còn cãi chày cãi cối như thế này là do lỗi của nhà văn, nhà thơ VN, như thành một cái nếp, rất nhiều năm rồi. Mọi người không có ý thức bảo vệ tác phẩm của mình mà nhiều khi dễ dãi trong cả việc lượng thứ và bỏ qua, vô hình trung đấy là sự dung dưỡng cho những thói tật của lòng tham, sự háo danh, vụ lợi, gây nhiễu loạn những giá trị cho môi trường văn học...
Phải lên tiếng quyết liệt khi bị vi phạm bản quyền
* Đúng là việc tác giả chưa có ý thức bảo vệ ngay tác phẩm của mình vẫn là một câu hỏi mà chính người làm bản quyền có kinh nghiệm nhiều năm thấy là một câu hỏi khó trả lời phải không, thưa nhà văn Đỗ Hàn?
- Nhà văn Đỗ Hàn: Tôi cho rằng để thực hiện bản quyền trên một đất nước phải đảm bảo đủ 4 lực lượng, 4 yếu tố: Người sáng tạo tác phẩm, người sử dụng tác phẩm, pháp luật và dư luận xã hội. Bây giờ để đảm bảo quyền tác giả ấy phải đồng bộ, tất cả phải vào cuộc thì mới được.
Chính vậy, tôi nhất trí ý kiến rằng, ngay bản thân tác giả phải yêu mến, phải trân trọng đứa con tinh thần của mình và phải bảo vệ nó. Đăng ký với Cục Bản quyền là để khẳng định tác phẩm ấy của tôi. Nhưng đăng ký với Trung tâm Quyền tác giả văn học VN là được bảo vệ khi bị vi phạm hoặc khi bị người ta khai thác.
Tuy nhiên, các tác giả VN có một thói quen rất xuề xòa. Khi bị vi phạm, có khi người ta đến gặp, xin lỗi một câu là xong, cho nên rất nhiều cuộc cứ chìm đi, sự việc Phan Huyền Thư tôi tin rồi cũng sẽ chìm là bởi vì chẳng ai lên tiếng nữa.
* Xin hỏi nhà thơ Vi Thùy Linh, chị ý thức như thế nào về việc bảo vệ những đứa con tinh thần của mình?
- Nhà thơ Vi Thùy Linh: Tôi theo nghề 19 năm liên tục với gần 10 tác phẩm và từ năm 2005 tôi chính thức bắt đầu đăng ký bảo hộ tại Cục Bản quyền tác giả, mỗi lần ra sách, tôi đều mang đi đăng ký luôn. Tháng 10 này tôi sẽ mang toàn bộ tác phẩm đã xuất bản của mình đăng ký bảo hộ toàn bộ tác phẩm tại Trung tâm Quyền tác giả Văn học VN. Việc của tôi phải đăng ký bảo vệ như có xe phải khóa. Tất nhiên, có những ngân hàng lớn còn mất cắp, nhưng ít nhất về mặt ý thức cái khóa đấy cũng là một cách để xác định chủ quyền.
Tuy nhiên, ngay trong Hội Nhà văn chúng tôi, một hội nghề nghiệp gần 60 năm tuổi đời, Trung tâm Quyền tác giả văn học VN đã tồn tại 11 năm nay, nhưng nhiều người không đăng ký bảo hộ, dù chỉ mất một số thủ tục đơn giản...
* Qua đây xin hỏi nhà văn Đỗ Hàn, với trường hợp tác giả không đăng ký bảo hộ tác phẩm với trung tâm thì có được giúp đỡ không?
- Nhà văn Đỗ Hàn: Về luật mà nói, chúng tôi không được phép. Chính vì vậy, tôi muốn nhắc lại luật pháp của mình cần phải đồng bộ. Vừa rồi 600 nhà văn, nhà thơ có tác phẩm in trong sách giáo khoa từ lớp 1 đến 12, trừ khoảng 200 nhà văn đã mất quá 50 năm rồi, còn lại 111 người ủy nhiệm cho chúng tôi và chúng tôi chỉ đòi được tiền nhuận bút cho 111 tác giả đó. 300 tác giả không ủy nhiệm, chúng tôi cũng không thể đòi được.
Vì thế, người có tác phẩm phải kiên quyết bảo vệ và quyết liệt với hiện tượng “ăn cắp” đó thì mới ra vấn đề. Người bị vi phạm chẳng kêu chẳng kiện thì ai làm kể cả chúng tôi, không ai kêu đến thì cũng chịu...
* Xin cảm ơn nhà văn Đỗ Hàn và nhà thơ Vi Thùy Linh về cuộc trò chuyện này.
“Chúng tôi mong chính tác giả có tác phẩm bị vi phạm bản quyền phải lên tiếng một cách quyết liệt và các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới có thể rõ ràng được đó là quyền của ai, đó là tác phẩm của ai” - nhà văn Đỗ Hàn. |
Đăng ký bảo hộ tác phẩm tại nhà Trung tâm Quyền tác giả văn học VN đã làm sẵn hợp đồng. 3 cán bộ trực điện thoại sẽ liên lạc và đến tận nhà tác giả giới thiệu việc cần thiết phải bảo hộ tác phẩm. Các tác giả chỉ việc điền các tác phẩm và ký vào hợp đồng là xong. |
Yên Khương - An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa