(Thethaovanhoa.vn) - First Kiss quay 10 cặp đôi, vốn không quen biết hôn nhau trên nền nhạc We Might Be Dead By Tomorrow (Biết đâu mình chết ngay ngày mai). Những nụ hôn lúc đầu gượng gạo, về sau say đắm, không phải là tình yêu nhưng là tình người.
First Kiss, dài 3 phút rưỡi. do nữ đạo diễn Tatia Plleva thực hiện. Trở thành hit trên YouTube từ chiều thứ Hai (10/3) từ khi tác giả đăng lên mạng, đến trưa 13/3, bộ phim ngắn đang có hơn 35 triệu lượt xem.
"Chúng ta sẽ hôn nhau thêm chứ?"
Đoạn đầu phim, các cặp đôi đứng đối mặt, bắt đầu giới thiệu bản thân với người kia. Họ không nói gì nhiều, chủ yếu là giới thiệu tên và nói đùa ít câu để bầu không khí đỡ gượng gạo. "Một lần nữa, anh tên là gì ý nhỉ?", "Chuyện này thật đáng sợ quá", "Có nên tắt đèn không", "Mắt em đẹp quá" – họ nói.
Tiếp đó, từng cặp bắt đầu hôn nhau, có cặp hôn sâu, có cặp – cả hai đều là đàn ông – chỉ hôn phớt qua môi. Có cặp trai gái càng hôn càng trở nên say sưa.
Những hình ảnh trong phim ngắn First Kiss
Kết phim, tất cả bắt đầu buông nhau ra. Họ ôm nhau tạm biệt. Tất cả đều cười. Có đôi trông khá tiếc nuối. Một cô gái còn hỏi chàng trai: "Chúng ta sẽ hôn nhau thêm chứ?".
Đoạn phim mô tả chân thực sự kết nối giữa những người xa lạ qua một hành động rất thân mật – hôn nhau. Phép màu của một nụ hôn, đó là điều nhà làm phim muốn thử nghiệm. Ngay cả nữ đạo diễn, một người thạo quay cảnh ân ái, cũng cảm thán: "Có thứ gì đó thật dịu dàng khi ghi hình những nụ hôn này, tất cả chúng tôi đều như tan chảy đằng sau 5 chiếc máy quay".
Nhờ được sử dụng trong phim, bài hát We Might Be Dead Tomorrow của ca sĩ Soko cũng gây sốt theo. Bài này đã bán được 1 triệu bản trên iTunes chỉ trong ngày 11/3. Bản thân Soko cũng xuất hiện trong video.
Phim quảng cáo không có vẻ gì là quảng cáo
First Kiss là một đoạn phim quảng cáo cho một thương hiệu thời trang, có cả người mẫu tham gia, nhưng vấn đề là người xem còn không nhận ra tính chất quảng cáo ở đây. Melissa Coker, nhà sáng lập thương hiệu thời trang nói trên, còn không thể tin nổi ở thành công bất ngờ của đoạn phim.
"Mỗi mùa chúng tôi đều thực hiện những đoạn phim như thế" – Coker nói với trang Fashionista – "Tôi quyết định phải làm những phim thật thú vị, tự thân chúng có giá trị mà không gây cảm giác là phim quảng cáo. Và dường như điều đó đã chạm được đến trái tim mọi người, không chỉ những người làm việc trong ngành thời trang".
Coker cho biết, kể cả những người không quen biết cũng tìm cách nhắn tin cho chị và thông báo rằng họ đã xem First Kiss vì đoạn phim được giới thiệu trên mạng xã hội chia sẻ thông tin Reddit.
Có một tranh cãi nhỏ xung quanh bộ phim, đó là ý kiến cho rằng nếu muốn chân thực như ý định ban đầu thì phim nên chọn những người không chuyên thực sự, đằng này trong phim có cả người mẫu. Coker đã mời những người bạn và người quen của chính cô, trong đó có các người mẫu Natalia Bonifacci, Ingrid Schram và Langley Fox. Thực tế thì không phải vậy. Dù hầu hết các nhân vật tham gia đoạn phim đều có vẻ ngoài khá ưa nhìn, nhưng theo Coker, cô đã không có ý định tuyển chọn toàn những người quyến rũ. Cô đã gửi lời đề nghị tham gia đến những người có mối quan hệ với thương hiệu thời trang của cô, bởi vậy trông họ đều ưa nhìn và ăn hình.
Một số trong đó làm nghề liên quan đến âm nhạc, như sáng tác, hát. Còn chàng trai xăm trổ đầy cánh tay trông rất thân thiện là một nhân viên trong hãng thời trang.
Dù các bộ trang phục được sử dụng trong phim đều là thiết kế mới của thương hiệu thời trang, First Kiss không hướng sự tập trung của khán giả vào đó. Mặc dù vậy, thành công của đoạn phim cũng chứng minh rằng: Phim quảng cáo không nhất thiết phải nhấn mạnh hình ảnh của sản phẩm quảng cáo.
Thông điệp "Free Hug" nổi tiếng hơn nhiều so với "Free Kiss" (thậm chí còn chưa có phong trào nào tên là Free Kiss), bởi thường thì một cái ôm an toàn hơn nhiều so với một nụ hôn. Nhưng hôn nhau rõ ràng có sức tác động của riêng nó, và để đối mặt với cuộc đời rộng lớn, con người cần cả hai.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa