Phạm Lực mở triển lãm ở Hà Nội: Không phải tranh... bao tải
(Thethaovanhoa.vn) - Với sức vẽ khủng khiếp, trung bình mỗi năm, Phạm Lực mở một triển lãm cá nhân.
Sau nhiều năm ròng mở triển lãm ở các nhà triển lãm lớn tại Paris (Pháp), London (Anh), Berlin (Đức), New York (Mỹ)... và năm ngoái là triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia, năm nay, người được mệnh danh là “Van Gogh của Việt Nam” quyết định mở triển lãm cá nhân thứ 22 ở nhà triển lãm 16 Ngô Quyền (Hà Nội).
Trao đổi với Thethaovanhoa.vn tại phòng tranh cá nhân, Phạm Lực cho biết: Triển lãm cá nhân lần này của ông có tên gọi "Sắc xuân" bởi nó kỷ niệm mùa xuân thứ 72 của ông. Đồng thời, triển lãm được tổ chức gần ngày nhà giáo Việt Nam (20/11) và ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) để ghi nhớ những chặng đường đã qua của cá nhân họa sĩ. Đây cũng là món quà dành tặng cho những đồng nghiệp của ông vẫn đang miệt mài đứng lớp và những đồng đội của ông đang ngày đêm giữ biển trời Tổ quốc.
Theo bật mí của họa sĩ, triển lãm lần này sẽ là lần đầu tiên ông giũ bỏ chất liệu bao tải vốn đã "đóng đinh" thương hiệu Phạm Lực. "Theo dự định, tôi sẽ bày 36 bức tranh. Trong đó có 32 bức sơn dầu và 4 bức sơn mài. Sau một thời gian cân nhắc, lần này tôi đánh bạo bỏ hoàn toàn tranh vẽ trên chất liệu bao tải. Vẫn là những chủ đề về nỗi buồn chiến tranh, cuộc đua cơm áo gạo tiền, hoài niệm về những điều đã mất... nhưng công chúng yêu tranh sẽ được thấy một Phạm Lực khác. Một Phạm Lực không tranh bao tải!"- Họa sĩ Phạm Lực nói.
Được sự chấp thuận của họa sĩ Phạm Lực, Thethaovanhoa.vn xin gửi tới độc giả một vài bức tranh dự kiến sẽ có mặt trong triển lãm "Sắc xuân":
Bức tranh "Cha con" nói về vấn nạn giáo dục con của thời đại. Họa sĩ cảnh tỉnh, việc chăm bẵm, nuông chiều thái quá sẽ dẫn đến một thế hệ "Em Chã".
Bức tranh "Vòng Xoáy"
Bức tranh "Gà trống"
Trong triển lãm tới, Phạm Lực sử dụng rất nhiều hình tượng "múa lân", "múa sư tử". Theo ông, dùng những hình tượng này làm mọi vấn đề của xã hội bớt gay gắt và có tình người hơn.
Triển lãm sẽ khai mạc lúc 16 giờ 30 phút ngày 21/11 tại nhà triển lãm số 16 Ngô Quyền (Hà Nội)
Phạm Mỹ