(Thethaovanhoa.vn) - Những ngày này mà hẹn NSƯT - diễn viên Thanh Hoàng vào buổi sáng là rất khó, vì anh còn bận “chuẩn bị sức” cho những trận bóng tiếp theo. Anh tâm sự rằng do nghỉ diễn kịch nên càng dễ toàn tâm toàn ý… thức khuya xem bóng đá.
Thể thao & Văn hóa có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ Thanh Hoàng.
“Với giải đấu như EURO 2016 thì những siêu sao kiểu Cristiano Ronaldo (Bồ Đào Nha) khó làm nên chuyện, vì chuyên môn các đội khá đồng đều, tinh thần cạnh tranh của các cầu thủ lại rất khốc liệt. Đây sẽ là mùa bóng của tinh thần đồng đội và chiến lược hữu hiệu, nên chính nó sẽ tạo ra những gương mặt mới” - Thanh Hoàng bắt đầu câu chuyện.
* Anh xem giải bóng đá vô địch châu Âu (EURO) lần đầu tiên như thế nào?
- Đó là xem ké ở sân của nhà một người hàng xóm cùng hẻm, trên đường Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM), năm 1984. Thời đó ít nhà có ti vi, nếu có cũng chưa chắc bắt được sóng để xem, nên nhà nào mà bắt được, dù rất “nhiễu hột mè” và không có bình luận tiếng Việt, thì cũng rất đông vui.
Còn bây giờ gần như nhà nào cũng có ti vi, nhưng tôi vẫn thích tụ tập bạn bè để xem, ngồi nhà một mình xem không hứng thú cho lắm.
Mùa EURO đó Pháp đăng cai giải lần thứ hai, có trong tay bộ tứ “huyền ảo” Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana và Luis Fernandez, nên họ vô địch. Nhìn phong thái lịch lãm của Platini mà tôi mến mộ tuyển Pháp từ đó, mùa EURO hoặc World Cup nào tôi cũng đều ưu tiên công việc để xem đội này.
* Đức và Tây Ban Nha đã 3 lần đăng quang, còn Pháp thì mới 2 lần, điều gì khiến anh thích Pháp đến như vậy?
- Đội Pháp có nét hào hoa, lãng mạn, sang trọng, nên xem dễ chịu hơn sự khoa học, thực dụng kiểu Đức, hoặc quá cảm xúc, bộc trực kiểu Tây Ban Nha. Và cũng có lẽ do ngày trước ba tôi làm cho Pháp, văn hóa và lối sống của họ có ảnh hưởng ít nhiều đến gia đình.
* Anh nghĩ vòng 8 đội sẽ gồm những ai?
- Đương nhiên sẽ có các “ông lớn” như Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Anh, và còn lại là Croatia, Thụy Điển, Bỉ. Các nền bóng đá lâu đời và hùng mạnh luôn biết cách vượt qua vòng loại, vượt qua khó khăn. Italy mùa này là một ví dụ, ngoài thủ môn Buffon là ngôi sao, những cái tên như Bonucci, Chiellini, Verratti, Marchisio, Insigne, Pelle… có thể hay, nhưng chưa phải ngôi sao.
Tôi chưa bao giờ thích bóng đá phòng ngự, nên ít khi thích Italy, nhưng năm nay họ đã dùng kỹ thuật phòng ngự rất hay: đá “một chặng” (đường chuyền dài vượt tuyến). Trong trận đầu tiên gặp Bỉ - đội được đánh giá trên chân - Italy đã thành công với kỹ thuật đá một chặng.
Một đội bóng hay nhưng không có ngôi sao cũng tương tự như bộ phim hay không có ngôi sao, nó vẫn hấp dẫn. Chán nhất là những đội bóng nhiều ngôi sao mà đá không hay.
* Ngoài sự giằng co về các pha bóng và tỷ số, theo anh thì bóng đá hấp dẫn ở những điểm nào?
- Bóng đá bao hàm nhiều biến cố, nhiều bất ngờ, nhưng đa số là biến cố tốt đẹp, nên nó hấp dẫn. Nhìn diện mạo và điệu bộ, có cầu thủ trông như diễn viên múa, như ca sĩ rock, như người mẫu thời trang, như võ sĩ… nên nhiều người không rành bóng đá vẫn thích thú. Nhiều phụ nữ thích bóng đá chỉ vì trên sân có nhiều cầu thủ đẹp trai, nam tính, thời trang, khỏe mạnh.
Xem bóng đá qua ti vi có vài thú vị khác với ngồi sân bãi, mà rõ nhất là được xem chậm lại những pha bóng gay cấn, phạm lỗi, làm bàn. Dưới con mắt của nhà quay phim và đạo diễn hình ảnh, trận bóng hiện lên với nhiều góc độ độc đáo, mới lạ, rồi các khoảnh khắc của ban huấn luyện, cảm xúc của khán giả, nhưng cảnh hậu trường… nói chung những điều mà khán giả ở hiện trường khó có thể nhìn thấy.
* Câu cuối cùng, anh thích Pháp thì có thích đội này vô địch không?
- Tôi thích Pháp, nhưng lại muốn Anh vô địch. Mùa này đội Pháp đá chưa thuyết phục cho lắm, trong khi Anh lại có cổ tích Leicester City - vô địch giải Ngoại hạng Anh. Chính nhờ Leicester City mà đội tuyển Anh có thêm nhiều cầu thủ đến từ các CLB nhỏ, chính họ làm nên sắc màu đa dạng, tinh thần dân chủ.
Tôi mơ trận chung kết sẽ là câu chuyện giữa Đức và Anh, nhưng cuối cùng Anh làm nên phép màu? Suốt lịch sử EURO, Anh chưa một lần vô địch, nên tôi càng ủng hộ đội này.
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa