(Thethaovanhoa.vn) - Năm nào cũng vậy, khi tên nhân vật đoạt giải Nobel Văn học được Viện Hàn lâm Thụy Điển công bố, không ít người cảm thấy thật bất công, bởi nhiều cây bút "xứng đáng hơn" lại chẳng được tôn vinh.
Vài năm trở lại đây, nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami là cái tên luôn chiếm tỷ lệ đặt cược cao của các nhà cái.
Năm nay cũng vậy, song một lần nữa ông lại bị Viện Hàn lâm Thụy Điển bỏ qua và giải thưởng thuộc về nhà văn, nhà báo Belarus Svetlana Alexievich. Nhân đây, báo Thể thao & Văn hóa xin được điểm lại những nhà văn nổi tiếng “vô duyên” với giải Nobel.
1. Leo Tolstoy (1828-1910): Bê bối đã xảy ra khi Leo Tolstoy đã bị “hắt hủi” tại lễ trao giải Nobel Văn học đầu tiên, được tổ chức hồi năm 1901. 42 nhà văn và nghệ sĩ Thụy Điển đã viết thư cho ông, bày tỏ sự thất vọng của họ với cách nhìn sai lầm của Viện Hàn lâm.
Tuy nhiên, Tolstoy đã phúc đáp những người hâm mộ của mình rằng: “Tôi rất hạnh phúc khi biết giải Nobel không thuộc về mình. Giải thưởng chỉ khiến tôi gặp rắc rối, do phải nghĩ cách sử dụng khoản tiền thưởng như thế nào. Tôi tin chắc rằng số tiền đó chỉ mang họa cho mình”.
Bê bối đã xảy ra khi Leo Tolstoy bị bỏ qua trong năm đầu tiên của giải Nobel Văn học
2. Henry James (1843-1916): Trong những thập kỷ cuối của thế kỷ 19, nhà văn Mỹ Henry James đã tung ra hơn 20 cuốn tiểu thuyết, trong đó phải kể đến Portrait of a Lady (1881), The Bostonians (1886), The Ambassadors (1903) và The Golden Bowl (1904).
Ông còn viết các tiểu thuyết ngắn như Daisy Miller và Turn of the Screw, cùng hàng chục truyện ngắn và kịch. James thể hiện mối quan tâm rõ ràng về thân phận con người. Các nhà văn cùng thời luôn xem ông là một “bậc thầy” văn chương.
Vậy tại sao James lại chưa từng đoạt giải Nobel? Lý do là trong những năm đầu tiên của giải Nobel Văn học, Ủy ban trao giải chỉ chấm các nhà văn có những tác phẩm “lý tưởng”, theo đúng như yêu cầu của Alfred Nobel.
Hơn nữa, các cây bút đầu tiên đoạt giải hầu như là người châu Âu. Phải đến năm 1923, giải Nobel Văn học mới được trao cho một nhà văn viết truyện bằng tiếng Anh, là William Butler Yeats.
3. Virginia Woolf (1882-1941): Nữ văn sĩ Virginia Woolf đã cho ra đời nhiều tiểu thuyết hay, khảo sát những nhân vật phức tạp. Chẳng hạn trong cuốn Mrs. Dalloway, Woolf đã có cách mô tả cực kỳ khéo léo về London thời hậu Thế chiến II.
Mặc dù có những áng văn đầy chất thơ, song nhãn quan của bà lại rất mạnh mẽ và tác phẩm của bà mang chất hiện thực khắt nghiệt. Được các đồng nghiệp ghi nhận là bậc thầy, song sinh thời bà không phải là một nhà văn nổi tiếng.
Đối với các thành viên trong Ủy ban trao giải Nobel thì cách viết của bà quá mang tính thử nghiệm, quá trí tuệ và gợi lại những ký ức đau lòng. Đó chính là lý do bà không được trao giải.
4. James Joyce (1882-1941): Nhiều người cho rằng cuốn Ulysses của Joyce là tiểu thuyết hay nhất mọi thời. Có cấu trúc giống với trường ca Odyssey của Homer, Ulysses mang tính triết lý, thể hiện tinh thần cấp tiến. Những người yêu thích văn học Anh kinh ngạc trước sự thay đổi văn phong qua từng chương của cuốn tiểu thuyết. Với nhiều người, chỉ riêng với tác phẩm này, Joyce đã xứng đáng đoạt giải Nobel. Song đáng tiếc, điều đó đã không bao giờ xảy ra.
James Joyce được coi là một trong những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ 20
5. Robert Frost (1874-1963): Frost là một cây bút sâu sắc, viết khỏe. Ông đã xuất bản hàng chục tuyển tập thơ, đoạt 4 giải Pulitzer và giải thơ của Mỹ.
Nhiều người cho rằng lý do khiến Frost không đoạt giải Nobel là bởi ông quá nổi tiếng và hơn nữa ông là một người Mỹ. Chưa kể, Ủy ban trao giải Nobel Văn học có thể đã nhìn nhận Frost là cây bút lỗi thời.
Theo các nhà viết tiểu sử, sinh thời Frost bị ám ảnh với việc đoạt giải Nobel. Ông đã công khai vận động hành lang và điều này khiến Ủy ban trao giải Nobel càng lảng tránh ông.
6. John Updike (1932-2009): Updike đã viết hơn 20 tiểu thuyết và xuất bản ít nhất 12 tuyển tập truyện ngắn. Giống như Frost, Updike là nhà văn “mắn đẻ” và gần như năm nào cũng tung ra một tiểu thuyết.
Ông nổi tiếng nhất với tác phẩm viết về những người đàn ông Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu. Ông còn là một nhà phê bình sắc sảo về nghệ thuật và văn học cho các tờ báo New Yorker, The New York Review of Books và nhiều tạp chí mang tính văn hóa cao.
Updike “vô duyên” với giải Nobel bởi ông là một người Mỹ và các tiểu thuyết của ông mang nặng yếu tố tình dục. Điều này có thể “chạm nọc” các thành viên quá khắt khe và khổ hạnh của Ủy ban giải Nobel.
7. Vladimir Vladimirovich Nabokov (1899-1977): Nabokov là tác giả của nhiều tiểu thuyết nổi tiếng thế giới, trong đó Lolita đã được đưa lên màn bạc. Ông được đề cử giải Nobel hồi năm 1974, song phải chịu thua trước 2 người Thụy Điển là Eyvind Johnson và Harry Martinson - cả 2 lúc đó đều là thành viên của Ủy ban trao giải Nobel.
8. Chinua Achebe: Viện Hàn lâm Thụy Điển luôn bị chỉ trích là quá thiên vị các nhà văn châu Âu và có lẽ đó là lý do giải thích tại sao nhà văn nổi tiếng Nigeria Chinua Achebe chưa được trao giải.
Đến nay, mới chỉ có 4 cây bút châu Phi đã đoạt giải Nobel Văn học, gồm Wole Soyinka, Naguib Mahfouz, Nadine Gordimer, JM Coetzee.
9. Primo Levi (1919-1987): Ủy ban giải Nobel có thiên hướng trao giải cho các nhà văn khi họ đã ở gần cuối đời. Nhà văn ít tuổi nhất được trao giải là Rudyard Kipling, khi ông đã 42 tuổi. Về phần mình, Primo Levi được đề cử giải Nobel Văn học ngay trước khi ông đột tử ở tuổi 67.
10. WH Auden (1907-1973): Auden được Dag Hammarskjold tiến cử cho giải Nobel Văn học, song trớ trêu là tác phẩm được đề cử của ông lại là bản dịch cuốn Vagmarken của Hammarskjold và đương nhiên ông không thể đoạt giải.
Việt Lâm (theo quora.com; Telegraph)
Thể thao & Văn hóa