(Thethaovanhoa,vn) - Ngày 16/12/2016, Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh đã có công văn gửi tới Cục NTBD về việc xem lại nội dung một số ca khúc sáng tác trước năm 1975 kèm theo danh mục một số bài hát đã có Quyết định cho phép phổ biến kèm theo.
Qua xem xét nội dung ca từ một số bài hát do Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh cung cấp, Hội đồng nghệ thuật - Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tiến hành tổ chức thẩm định lại và thống nhất tạm thời dừng việc tiếp tục lưu hành môt số bài hát đã
cấp phép phổ biến để xem xét, xác minh, thẩm định trên cơ sở đối chiếu với bản nhạc gốc.
Đây là 5 bài hát khá nổi tiếng, được nhiều người biết đến, gồm: Cánh thiệp đầu xuân của tác giả Lê Dinh - Minh Kỳ; Rừng xưa của tác giả Lam Phương; Chuyện buồn ngày xuân của tác giả Lam Phương; Đừng gọi anh bằng chú của tác giả Diên An; Con đường xưa em đi của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương.
Bìa nhạc bướm ca khúc "Con đường xưa em đi" của tác giả Châu Kỳ - Hồ Đình Phương xuất bản năm 1969
Theo Cục NTBD, hơn 40 năm qua đã có hơn 2.500 bài hát của các tác giả sáng tác trước năm 1975 và của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp phép.
Nhiều bài hát do thất lạc bản nhạc nhạc gốc, các đơn vị đề nghị xin cấp phép sử dụng đều ký âm lại và cam kết tính chính xác của tác phẩm, việc làm này dẫn đến nhiều tên tác giả/bút danh và ca từ có sự khác nhau trên cùng một tác phẩm âm nhạc.
Trong thời gian tới, Cục NTBD sẽ chủ động tiến hành thẩm định, rà soát, so sánh, đối chiếu những bài hát đã cấp phép sử dụng với những bản nhạc gốc do các đơn vị, cá nhân cung cấp và nguồn dữ liệu từ việc thu thập, sưu tầm nhằm quản lý chặt chẽ chất lượng nội dung các bài hát, việc hoạt động sản xuất chương trình bản ghi âm, ghi hình và tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật.
Bên cạnh đó, Cục NTBD cũng yêu cầu Sở VHTT TP. Hồ Chí Minh cung cấp danh mục các bài hát mà Sở đã thẩm định, cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng và lưu hành các bài hát sáng tác trước 1975 và của người Việt Nam định cư tại nước ngoài sáng tác tại thời điểm trước ngày 01 tháng 01 năm 2013, khi Nghị định số 79/2012/NĐ-CP ngày 05 tháng 10 năm 2012 chính thức có hiệu lực để rà soát và cấp phép theo quy định của pháp luật.
N.M