Nhật ký vẽ Mẹ VN anh hùng: Mong sao cơn mưa gió vô thường…
(TT&VH) - Trong góc nhỏ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, bắt đầu từ ngày 24/7, có một khoảng riêng cho chiếc xe Chaly nhỏ bé và cũ kỹ. Chủ nhân, họa sĩ Đặng Ái Việt đã hiến tặng nó để trưng bày ở bảo tàng sau 20 năm gắn bó với hành trình 35.600km ký họa chân dung Mẹ Việt Nam anh hùng. Công tơ mét dừng lại ở mốc 97.893 km, con số nhân gần 50 lần chiều dài từ mũi Cà Mau đến Hữu Nghị Quan. Đấy cũng là lý trình Ái Việt trở đi trở lại để vẽ chân dung mẹ, tính sơ, cũng gấp gần 20 lần chiều dài đất nước.
Trong hành trình ấy, có mồ hôi thấm nỗi nhọc nhằn của lữ khách đường xa, có suy tư đến thổ tận can tràng của người nghệ sĩ với mỗi tác phẩm của mình, có nước mắt xót thương của đứa con với “Mẹ mình” khi mình “đến muộn”. Để hôm nay, nhiều nước mắt đã rơi cùng 863 bức ký họa chân dung của bà, rất nhiều nỗi ngậm ngùi khi bà rưng rưng: “Mong sao cơn mưa gió vô thường. Không lung lay làm rớt hạt sương”.
|
Hành trình vẽ Mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) của bà Ái Việt đã gần 3 năm, nhưng dự định ấp ủ thì dài hơn thế rất nhiều.
Vốn là cán bộ của cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam, cái nghề “công tác phụ nữ” nó vận vào cái nghiệp họa sĩ. Ái Việt trăn trở với ý nghĩ phải lưu lại hình ảnh bất khuất, anh hùng của người phụ nữ Việt Nam cho đời sau, nhưng cứ nghĩ thế thôi chứ chưa có điều kiện thực hiện và cũng chưa tìm được tuyến nhân vật thể hiện ý tưởng của mình. Khi Nhà nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng năm 1994, Ái Việt được khai sáng một hình ảnh biểu tượng cho phụ nữ Việt Nam, đó là hình ảnh các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Ngày 19/2/2010, sau 3 năm để tang chồng là Giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM, Anh hùng Lao động Phạm Khắc, bà bắt đầu từ Nam ra Bắc trên chiếc Chaly bé nhỏ.
Người hỗ trợ nhiều nhất trong chuyến đi trải dài suốt 3 năm, từ tháng 2/2010 đến tháng 6/2012 lại chính là người chồng quá cố, NSND Phạm Khắc. Trong ngày những tác phẩm được trưng bày giữa thủ đô, bà tri ân người chồng thân yêu:
“Kinh phí chủ yếu trong chuyến đi chính là từ quyển sách Mê Kông ký sự phim và ảnh, quyển sách song hành với bộ phim Mê Kông ký sự mà chồng tôi là Tổng đạo diễn – bà kể - Trong quá trình làm phim về dòng sông bắt nguồn từ Tây Tạng đi qua 5 nước Đông Nam Á, anh đã chụp trên 20 ngàn bức ảnh dòng sông. Trở về cùng lúc với dựng phim, anh sắp xếp lại tập ảnh để làm cuốn sách, nhưng công việc mới được phân nửa thì anh mất. Tôi là họa sĩ, trước đây cũng từng là phóng viên nên tôi quyết định tự tiếp tục làm cuốn sách đó, tiếp tục thực hiện tâm nguyện của anh. Khi sách hoàn thành và chia sẻ với bạn bè xong, còn lại 500 cuốn tôi gửi các nhà sách và lấy tiền từ bán sách đó để thực hiện chuyến đi vẽ”.
Chuyến đi gần 3 năm trời, Ái Việt thống kê mất gần 200 triệu đồng, ngoài tiền bán sách, còn rất nhiều anh em bạn bè đã đóng góp cho bà, với bà đó không chỉ là tiền mà là những ân tình.
Ở nơi nào đi qua, bà cũng được sự chia sẻ, giúp đỡ của cả người dân và chính quyền. Đoạn đường nào cũng có cái để nhớ, để ấn tượng. Bà nhớ như in hình ảnh người bán xăng hiền lành khi qua cây xăng ở huyện Nam Giang (Quảng Nam). Trong xe còn nửa bình xăng nhưng bà vẫn vào đổ đầy để đi tiếp đề phòng đường xa. Khi trả tiền xăng 25 nghìn, cậu thanh niên bán xăng tên là Châu Hàng Việt không lấy tiền. Bà đòi trả bằng được, cậu nói rằng: “Bác cho con gửi một ít xăng để bác đi vẽ tiếp chân dung Mẹ VNAH”.
Nghe câu nói này, bà rơi nước mắt.
|
863 Mẹ VNAH mà bà đã vẽ, không chỉ là những nhân vật, mà người phụ nữ 65 tuổi đời coi mình như đứa con bé nhỏ của các mẹ.
Bà thuộc từng gia cảnh, nhớ từng nỗi đau riêng của mẹ, nhớ mẹ nào còn, mẹ nào đã mất. Như mẹ Trần Thị Viết 119 tuổi là Mẹ VNAH lớn tuổi nhất nước, mẹ sinh năm 1892. Khi bà đến vẽ mẹ là ngày 22/12/2010 thì đến tháng 6/2011 mẹ mất, thọ 119 tuổi. Trong 863 mẹ, có mẹ bà vẽ được 1 tuần lễ sau thì mẹ mất; có mẹ vừa vẽ xong, mới đi từ huyện này qua huyện khác thì được tin là mẹ mất, có những mẹ định đến nơi thì mẹ mất.
Một cuộc rượt đuổi với thời gian mà con người khi thắng, khi thua. Họa sĩ đã không vẽ kịp rất nhiều.
Ai cũng hỏi bà mẹ nào để lại trong lòng ấn tượng nhất? Bà nói rằng: “Với tôi mẹ nào cũng nhất cả”. Bà tìm đến nơi của từng mẹ, mà không hề chọn lựa, từ mẹ có nhiều con hy sinh nhất như mẹ Thứ đến những mẹ chỉ có một người con độc nhất hy sinh. Nỗi đau nào chả rứt ruột giống nhau.
Chiếc Chaly trưng bày trong Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
* Nhật ký dọc đường
Những tượng đài mẹ không chỉ được ghi lại trong từng bức chân dung, mà cả những dòng nhật ký chép vội dọc đường đi. Những dòng nhật ký đơn sơ mà làm người đọc rưng rưng cảm động.
Trước chân dung các mẹ, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Nguyễn Thị Tuyết đã chia sẻ: “Một mình với chiếc xe Chaly nhỏ bé, họa sĩ đã thực hiện 3 chuyến xuyên Việt với tổng quãng đường hơn 35 nghìn km đến 63 tỉnh thành tìm đến từng mẹ, tâm tình và lưu lại chân dung mẹ. Đó là kỷ niệm gần 1 tháng dừng chân ở Quảng Nam, địa danh có nhiều Mẹ VNAH nhất đất nước và vẽ được chân dung hơn 40 mẹ. Đặc biệt là kỷ niệm vẽ chân dung Mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ trong tư thế nằm và chỉ ít lâu sau mẹ qua đời. Ở đất mũi Cà Mau vẽ mẹ Lê Thị Có đã mù lòa nhưng người con của mẹ vẫn thiết tha đề nghị: “Xin chị hãy làm cho mắt mẹ sáng lên”.
Những dòng nhật ký lưu lại những cuộc vượt đèo lên Cao nguyên vẽ các Mẹ VNAH người dân tộc duy nhất ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu, sự hối hận trách mình của họa sĩ đã chậm chân để đến khi đến Lào Cai thì Mẹ VNAH cuối cùng của tỉnh đã qua đời. Những dòng nhật ký hành trình cũng là lời tâm sự về những khó khăn vất vả chạy đua với thời gian của nữ họa sĩ, chỉ có bạn đồng hành là chiếc xe máy cũ kỹ. Qua đó chúng ta cảm phục trái tim, tấm lòng của người phụ nữ bình thường nhưng rất đỗi phi thường”.
Vâng, hành trình là cuộc chạy đua của một phụ nữ đã ngoài 60 và chiếc xe cũ kỹ với cỗ xe thời gian lăn gấp gáp, không chờ đợi ai. Như ngày bà đến nhà mẹ Nguyễn Thị Nghí ở xã Đại Minh, Yên Bình (Yên Bái), mẹ đã 92 tuổi có 3 con hy sinh ở chiến trường. Mẹ bị ốm. Mẹ nằm sát giường, gầy gò nhưng tai thính và đôi mắt còn tinh. Bà định không vẽ mẹ trong trạng thái ấy nhưng người con trai út thiết tha muốn họa sĩ vẽ lại hình mẹ.
Nhìn lên bàn thờ, 3 bằng Tổ quốc ghi công và những di ảnh liệt sĩ như nhìn mình trách móc, họa sĩ quyết định vẽ vì có lẽ đây là hình ảnh cuối cùng của mẹ. Nhật ký của họa sĩ ghi lại cuộc chạy đua với thời gian ấy: “Vẽ trong nước mắt. Thương mẹ quá! Mẹ cũng cảm nhận nỗi niềm xúc động của họa sĩ. Mẹ yên lặng, mắt chớp chớp. Mẹ đang vui đấy. Cho một vài nét nhấn bắt được niềm vui của mẹ như nắng hoàng hôn sắp tắt nhưng vẫn lóe lên màu tím cuối chân trời”.
Những ai xem tranh càng hiểu và đồng cảm cho nỗi niềm họa sĩ: Mong sao cơn mưa gió vô thường. Không lung lay làm rớt hạt sương…
Những dòng nhật ký viết vội của họa sĩ Đặng Ái Việt * Ngày 21/4/2010 – Mẹ Bùi Thị Dậy, Bình Sơn, Quảng Ngãi Cán bộ chính sách xã nói: “Mẹ còn khỏe lắm”. Quả thật mẹ còn khỏe nhưng ta thì nghe lòng trắc ẩn khi gặp mẹ không phải ở nhà mà mẹ đang bán khoai lang ngoài chợ nhỏ. Nhiều người đang lựa khoai, đống khoai to bung bới. Mẹ nhặt từng củ khoai văng ra ngoài, gom lại mỗi lần khách chọn lựa. Vẽ mẹ ngay tại chợ. * Ngày 10/6/2010 – Mẹ Nhẹ, Thanh Hóa Mẹ 94 tuổi, đẹp dịu dàng, đôi mắt xa xăm. Ôm đôi vai gầy của mẹ mới thấy sự tàn phá của thời gian, những nếp gấp chồng chéo đan như lưới lên cơ thể mẹ, mềm xốp nhão. Giấc ngủ trưa đến như trẻ thơ được nằm bên mẹ. Tỉnh giấc, hình như mẹ đang thút thít. “Mẹ không ngủ à?” – “Buổi trưa mẹ không ngủ, chỉ nằm thôi”. Từ lâu lắm, mẹ cô đơn một bóng không ai nằm kề bên, giờ đây chắc mẹ đang tận hưởng cái hạnh phúc được nằm bên người khách gọi mình bằng mẹ, tuy xa lạ nhưng lại rất gần gũi. * Ngày 3/8/2010 – Mẹ Lê Thị Đàm, Hà Tĩnh Buổi trưa nằm nghe mẹ kể chuyện: “Khi mới lọt lòng cha, ra lòng mẹ cực khổ gian nan, nó hy sinh khi con nó mới hai tháng…”. Người mẹ sinh ra con nhưng cội nguồn cuộc sống là từ lòng người cha trao cho mẹ, hạt giống ấy được nuôi ở mảnh đất tốt chờ ngày lọt lòng mẹ. Chu trình của con người có 3 lần dịch chuyển: lọt lòng cha, ra lòng mẹ, điểm đến cuối cùng là lòng đất. Triết lý nhân sinh của người xưa vô cùng thâm thúy, hôm nay mình được nghe từ một người Mẹ VNAH. * Hải Phòng ngày 1/6/2012 Vẽ Mẹ Bùi Thị Ít, 95 tuổi, xã Thanh Lương, Vĩnh Bảo. Mắt mờ, lưng còng mẹ phải di chuyển bằng ghế. Mẹ ở với người cháu con ông anh chồng. Ở lại ăn cơm với nhà mẹ. Mẹ nhúm cơm bỏ vào mồm, mấy con gà chíu chit giành những hạt cơm rơi. Mình nghe lòng xốn xang một ngày nào đó những con gà biết tìm đâu những hạt cơm rơi quanh mẹ. Mình bước xuống thềm, mẹ nói theo: “Người đi người vẫn trông theo. Chừng nào khất bóng qua đèo mới thôi”. Và còn dặn: “Nhớ lâu lại nhà chơi nhá…” Mình ra xe, đạp máy, chiếc xe Chaly rung rung. Mẹ ơi, con sợ câu nói ấy lắm! |