A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: Tôi đang khoan giếng ở vùng đất khác

06:09 06/02/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Muốn gặp Võ Thiện Thanh bây giờ còn khó hơn nhờ anh làm album. Lúc nào vị nhạc sĩ này cũng bận bịu dù năm 2013 Võ Thiện Thanh không ra một sản phẩm âm nhạc nào. Sự bận bịu của Võ Thiện Thanh đơn thuần quay xung quanh công việc mà anh đam mê: Âm nhạc.

Nhưng Võ Thiện Thanh vẫn ngắm dòng chảy âm nhạc quanh mình và trong câu chuyện đầu năm với đề tài Xu thế, với Võ Thiện Thanh, gần như chẳng có gì để hồ hởi.

* Nhạc Việt năm 2013 dưới góc nhìn của anh như thế nào?

- Truyền hình thực tế (THTT)!

* Không lẽ không còn sự nổi trội nào đáng chú ý hơn? Theo anh xu hướng này của 2013 có tiếp tục diễn ra ở 2014 hay có những phân khúc vốn lờ mờ năm trước sẽ nổi rõ hơn trong năm nay?

- Vẫn là THTT thôi nhưng sẽ bổ sung vài format mới. Còn âm nhạc “không lệ thuộc” THTT thì vẫn mờ nhạt. Biết sao được, thời cuộc mà!


Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh

* Vậy trong bối cảnh này dòng nhạc nào sẽ thắng trong năm 2014, theo anh?

- Khi mà âm nhạc của THTT còn thao túng thì khó có dòng nhạc nào gượng dậy được! Vì loại nhạc nào mang lại lợi nhuận quảng cáo nhiều thì sẽ được ưu tiên.

* Vậy có thể suy ra âm nhạc trên truyền hình sẽ là thước đo cho sự thành công hay phát triển của thị trường nhạc phổ thông Việt Nam, anh nghĩ có đúng không?

- Dù thưởng thức bằng hình thức gì: từ những đầu đọc cassette, đĩa nhựa, đĩa CD cho tới nghe bằng iTunes hay thời đại THTT... thì cái thay đổi ở đây là cách thức thưởng thức chứ bản thân âm nhạc vẫn là âm nhạc. Nếu bạn nghe một Yesterday của The Beatles bằng đĩa nhựa hay được số hóa trên iTunes thì tinh thần của Beatles vẫn thế. Có khác chăng là có người cứ nằng nặc đòi phải có tiếng lách tách của đĩa nhựa, còn nghe kỹ thuật số nó sạch quá... Có vẻ là nhiều người ghiền tiếng lách tách đấy hơn cả bản thân âm nhạc.

Nói vậy để thấy rõ vấn đề kia. Âm nhạc trên truyền hình hay gì gì đi nữa, bản chất của nó là thay đổi phương cách thưởng thức, phương thức kinh doanh âm nhạc. Chứ âm nhạc vẫn là âm nhạc mà thôi. Cho nên, muốn đánh giá chất lượng nền âm nhạc đại chúng không thể căn cứ vào số lượng show THTT mà phải nhìn vào chất lượng nền âm nhạc.

Tôi rất thích thú khi một nhạc công cello đã ném thẳng trứng thối vào Simon Cowell, ông trùm của THTT. Ở đây chúng ta thấy rõ cuộc sống là một nghịch lý: người tiên phong trong công nghiệp kinh doanh âm nhạc có thể là... tội đồ của âm nhạc thế giới. Nói gì thì nói, khi phương tiện thưởng thức âm nhạc thay đổi thì nhạc pop vẫn là phương tiện để các ông trùm showbiz kiếm tiền, dựa trên tâm lý đám đông, dễ bị xỏ mũi, cùng với bản năng dễ bị cái hào nhoáng lôi cuốn. Còn nhạc cổ điển, jazz hay các dòng nhạc thiên về nội tâm như new age... vẫn bình chân như vại. Vì chúng là tâm hồn, không phải giải trí đơn thuần.

* Năm 2013 cũng cho thấy sự chuyển động của thị trường nhạc số, các đại gia cùng nhau lập liên minh để cạnh tranh cân bằng, các music video thắng thế. Viễn cảnh sẽ thu được tiền từ thị trường nhạc số mà anh từng ấp ủ sẽ rất khả quan?

THTT còn thao túng thì khó có dòng nhạc nào gượng dậy được - Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh
- Tôi không hy vọng lắm, nhất là sau khi đọc comment của người nghe trong các bài báo nói về bản quyền nhạc số: “Vớ vẩn! Có ông mày nghe là may lắm rồi! Đi sáng tác mà cho nhà mày nghe!”. Như vậy là đa số người nghe không có một chút ý thức gì về vấn đề bản quyền và họ không xem nghề nhạc là một nghề, mà chỉ là “mua vui” cho thiên hạ, họ muốn “bố thí” hoặc nghe chùa là quyền của họ. Còn với các nhà cung cấp thì việc liên minh này nọ chẳng qua là đối phó, vì nếu họ thực thi thì bản thân các web của họ chả có ma nào ghé thăm! Tôi nghĩ phải lâu lắm mới thực hiện được vấn đề này, vì phải đồng bộ với mọi mặt của xã hội.

* Sự ngừng lại của anh trong vài năm qua nói lên điều gì? Võ Thiện Thanh đang “mòn”, đang lười hay...?

- Tôi đang khoan một cái giếng ở một vùng đất  khác, có thể cần một độ sâu nào đó thì mới tìm thấy mạch nước ngầm. Nước mưa, nước biển, nước sông hồ... tôi uống rồi. Tự nhiên cái bản năng con người tôi vẫn cứ muốn tìm nguồn nước sâu hơn, nó thúc giục tôi. Thành ra tôi như gã thợ khoan chưa đến mạch ngầm ấy. Nhưng vì sự tin tưởng của ca sĩ, vì cuộc sống, tôi đã trót nhận nhiều cái thùng hứng nước của nhiều ca sĩ rồi. Lượng nước vẫn chưa thành vòi để đủ làm đầy các thùng nước ngoài kia. Tôi tin là tôi sẽ tìm được mạch nguồn mới nhưng còn các ca sĩ còn đủ kiên nhẫn hay không nữa. Tôi mong là họ hiểu tôi...

* Hỏi thật, nếu bây giờ được mời vào ngồi ghế giám khảo hoặc giám đốc âm nhạc của một chương trình âm nhạc truyền hình anh sẽ đồng ý hay lắc đầu?

- Thì đấy, bạn đã biết là tôi mất khá nhiều thời gian và tâm trí để tìm mạch nguồn mới. Đôi khi bạn thấy “thằng cha” ấy chả làm gì, im hơi lặng tiếng, biến mất khỏi làng nhạc. Có đồng nghiệp còn đồn là tôi bỏ nhạc đi tu rồi. Ấy vậy mà tôi vẫn đang “khổ sở” vì cảm thấy những gì mình đã làm sao “vớ vẩn” thật! Tâm hồn mình vẫn chưa đủ “lặng” tìm thấy mạch nguồn mới... Vậy thì làm sao tôi dám nhận làm giám đốc âm nhạc cho show truyền hình chứ?!

* Thế hệ anh với những Đức Trí, Quốc Trung hay Anh Quân... là gạch nối giữa thế hệ trước đó và các nhạc sĩ trẻ hiện nay. Đến giờ này, theo anh liệu có sự tiếp nối giữa các thế hệ hay là các nhạc sĩ thế hệ sau này không muốn đi theo con đường mà các anh đã từng đi?

- Theo quan sát của riêng tôi, thế hệ các nhạc sĩ trẻ phía Bắc có vẻ chịu ảnh hưởng bởi Quốc Trung, Anh Quân rõ nét. Điều này là chắc chắn vì tôi có thời gian dài phải “bị” nghe hàng trăm bài hát ở Bài hát Việt. Còn trong Nam thì tôi không chắc có sự “nối tiếp”.

Điều này không khó lý giải. Đa số các nhạc sĩ trẻ phía Bắc đã và đang học ở nhạc viện. Bất kỳ một ai được đào tạo trong lò nhạc viện sẽ tự nhiên phải biết cái gì mình nên theo, cái gì mình phải tránh. Rõ ràng từ thế hệ Quốc Trung, Anh Quân... đến Thành Vương... có mạch xuyên suốt. Còn phía Nam, vì nhiều lý do: hoặc không có điều kiện vào nhạc viện, hoặc do môi trường showbiz quá náo nhiệt và bị sự nổi tiếng hấp dẫn nên đa số các nhạc sĩ trẻ “đi tắt”. Thế hệ tôi, Đức Trí, Tuấn Khanh là sự nối tiếp của các anh Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Ngọc Thiện, Bảo Chấn, Quốc Dũng... Còn sau bọn tôi, tôi không chắc lắm...

* Những sản phầm nào anh chắc chắn sẽ thực hiện trong năm 2014?

- Chắc là nhiều đây, vì tôi sẽ không “đáo hạn” nữa mà giải quyết xong “nợ nần” luôn: album Nguyên Thảo, Hồ Trung Dũng, Phương Vy, 2 album nhạc Lounge: Harmonies Of Forest Rừng xưa đã khép.

Cung Tuy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...