A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhạc sĩ Trần Tiến bất ngờ thành 'nhà văn trẻ'

06:56 28/09/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Chiều 27/9 tại Đường sách TP.HCM, nhạc sĩ Trần Tiến có buổi ra mắt tác phẩm Ngẫu hứng do NXB Hội Nhà văn và First News ấn hành. Ngẫu hứng không phải là tập nhạc hay album, mà là một cuốn văn xuôi.

Nhạc sĩ cho biết ông hoàn thành cuốn sách này trong vòng vài tháng, mỗi sáng dậy sớm lúc gà chưa gáy và ngồi viết. Ngẫu hứng chia làm 5 phần: 27 khúc “ngẫu hứng văn xuôi”, Du ca, Lưu ảnh ký và bạn bè Viết về Trần Tiến. Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với “nhà văn trẻ” Trần Tiến.

* Ở tuổi thất thập, điều gì khiến ông “ngẫu hứng” làm “nhà văn trẻ” với cả cuốn sách hơn 250 trang in này?

- Xưa nay tôi không in tập nhạc, không tự ra album, nói chung là Trần Tiến không có một tác phẩm nào để trình làng, ngoại trừ các bài hát được các nghệ sĩ biểu diễn. Có nhà nghiên cứu nhạc của ĐH San Francisco tìm đến tôi, anh ấy ngạc nhiên vì chưa có một nhạc sĩ nào trên thế giới gần như không làm album, không in sách nhạc mà lại nổi tiếng.

Lần này, tôi in sách vì bạn văn “xúi” và vì sự thuyết phục của nhà sách, nhất là cô biên tập viên dùng “mỹ nhân kế một cách đáng yêu” khiến tôi mềm lòng cho in cuốn sách này.

Với một nhạc sĩ du ca, có thể nói Trần Tiến là người du ca duy nhất còn sống sót trên quả đất này, còn với văn chương cứ gọi Trần Tiến là “nhà văn trẻ” cũng chả sao, bất ngờ… vui ấy mà! Viết xong cuốn sách này, tôi xem như trả xong nợ trần gian.


“Nhà văn trẻ” Trần Tiến ký “Ngẫu hứng” tặng bạn đọc

* Vì không in sách nhạc, nên nhiều ca sĩ hát bài của Trần Tiến sai tùm lum, trong karaoke thì còn sai tệ. Không lẽ ông cứ để cái sai này tiếp diễn hết năm này đến năm khác?

- Sau Ngẫu hứng này, tôi sẽ bỏ tiền túi in một cuốn sách nhạc Trần Tiến, tạm lấy tên là “truyện nhạc”. Dưới mỗi bài hát, tôi sẽ kể lại vì sao có bài hát này. Do vậy mới gọi là “truyện nhạc”. Chẳng hạn như bài Nhăng nhố à nhăng nhố ơi, tôi viết ở Huế trong một chuyến đi diễn.

Trong đêm đi lang thang bên bờ sông Hương, gặp một cô gái bán hoa cần tiền nuôi con, lúc đó chưa nhận thù lao nên không có tiền, tôi hẹn sáng mai gặp cô và đưa tiền. Tối đó tôi hoàn thành bài hát này, sáng hôm sau gặp cô gái tôi đã đưa tiền và bài hát. “Truyện nhạc” đại loại là như thế.

* Lâu nay, nhiều người cho rằng Trần Tiến có phổ thơ nhưng không thấy ghi tên nhà thơ?

- Như đã nói, tôi chưa bao giờ in sách nhạc hay tự làm album để mà có cơ hội ghi tên các nhà thơ mà tôi phổ thơ?! Nhiều người trách tôi như vậy oan cho tôi quá.

Thực ra, tôi chỉ mượn một hai câu của các nhà thơ, như: Hoàng Cầm (Lá diêu bông trong Sao em nỡ vội lấy chồng), Bế Kiến Quốc (Ngẫu hứng lý qua cầu), Lưu Quang Vũ (Chim sẻ tóc xù)… Nếu in sách “truyện nhạc”, tôi sẽ kể rõ bài hát nào tôi sử dụng câu thơ nào của các nhà thơ.


Cuốn sách “Ngẫu hứng”

* Có ý kiến nói nhạc Trần Tiến chỉ có Trần Tiến hát là hay nhất. Ở tuổi 70 và rồi ai cũng “trăm tuổi”, nếu Trần Tiến không hát Trần Tiến thì ông chọn ca sĩ nào?

- Thực ra, Trần Tiến hát Trần Tiến chỉ hay có vài bài thôi. Cháu gái Trần Thu Hà của tôi nói không ai hát bài Chị tôi hay hơn tôi. Còn các bài khác, mỗi ca sĩ hát hay một vài bài. Tôi là nhạc sĩ sáng tác nhạc cho người khác hát, chứ Trần Tiến sáng tác cho mỗi Trần Tiến hát thì hóa ra tôi là nhạc sĩ… không chuyên à?

* Thời còn phong độ du ca, ông có nhiều bóng hồng bao quanh, có tin đồn ông và ca sĩ Hồng Ngọc trong nhóm “du ca đồng nội” yêu nhau?

- Thì đó chỉ là tin đồn thôi. Chúng tôi chỉ có tình đồng nghiệp yêu quý nhau chứ không có tình yêu, tình ái gì hết. Như khi anh Trịnh Công Sơn đi hát với ca sĩ Khánh Ly, ngủ chung cả bọn như anh em một nhà. Sáng nào thức dậy, anh Sơn cũng thấy trong ví có thêm tiền. Anh Sơn kể: “Khánh Ly biết mình hết tiền nên lén nhét vào ví cho mình rủ bạn bè đi uống rượu đấy”. Tình đồng nghiệp của nghệ sĩ nó cao quý lắm.

* Ông nói thế hơi khó tin, vì giới nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ nổi tiếng như ông thường bay bướm lắm?

- Đến giờ tôi vẫn có một người vợ duy nhất và vẫn yêu thương chăm sóc nhau. Vợ tôi là cô giáo Trần Thị Bích Ngà, nguyên hiệu trưởng trường Huỳnh Khương Ninh (Q.1, TP.HCM). Chúng tôi cưới nhau khi Bích Ngà còn là sinh viên sư phạm, cô ấy làm thêm bằng nghề soát vé rạp hát và mê bài Cô gái Sầm Nưa của tôi. Khi ở chiến trường về tôi bị sốt rét rất nặng, mẹ tôi nói cưới vợ ngay vì lo tôi sẽ không có con.

Tôi và Bích Ngà cưới nhau từ đó đến nay đã thành ông bà ngoại. Nếu tôi là một “học sinh cá biệt” thì Bích Ngà là một cô giáo có “phương pháp giáo dục tốt” để thằng học trò là tôi không hư hỏng.

* Xin cảm ơn và chúc “nhà văn trẻ” Trần Tiến tiếp tục làm “học sinh cá biệt” cho ra đời nhiều tác phẩm!

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...