(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 19-21/9 tới, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhạc sĩ Phú Quang sẽ tổ chức đêm nhạc có cái tên khá dài: Hà Nội và em khi Thu chớm Đông sang lấy cảm hứng từ lời thơ của một người bạn đã quá cố của ông: nghệ sĩ Chu Hoạch.
Tự hào là người cần cù, nên Phú Quang mỗi năm đều đặn làm 2 chương trình. Lần này, ngoài những cái tên quen thuộc: Hồng Nhung, Ngọc Anh (3A), Tấn Minh… nhạc sĩ còn mời cả Tùng Dương – Ca sĩ của năm – Giải Âm nhạc Cống hiến lần 9 – 2014 của báo Thể thao & Văn hóa.
Chương trình sau cố gắng hay hơn chương trình trước. Không dám so với bất kỳ ai.
* Trong nỗ lực của làng nhạc Việt hiện nay, người ta đều muốn làm mới âm nhạc của mình. Nhạc sĩ có bị áp lực với việc đổi mới không?
- Với nghệ sĩ, làm mới là một bổn phận. Động lực không phải vì người ta muốn mình phải thế này, thế kia hay để người ta khen mà cho chính mình khoái cảm. Tất nhiên, sau đó hy vọng tìm thấy cái khoái cảm đó ở khán giả.
* Bây giờ, Phú Quang làm nhạc chỉ vì khoái cảm?
- Làm mà không thích thì làm để làm gì? Tất nhiên tôi luôn tỉnh táo để nhận ra rằng, ngay cả mình thích thì chưa chắc khán giả thích. Mặc dù vậy, trong các chương trình âm nhạc của tôi khán giả cũ vẫn sẽ luôn tìm thấy điều gì đó khác. Đó là mơ ước của tôi.
Một chương trình nghệ thuật, có người coi nhẹ như lông hồng. Còn tôi, tôi phải mất 5-6 tháng chuẩn bị, không thể chủ quan được. Để có bữa tiệc ngon, người ta phải bắt đầu từ việc quét nhà, kê bàn ghế…, nhưng cuối cùng, quan trọng nhất là có làm ra món ăn ngon hay không.
Trong quá trình chuẩn bị, tôi vứt đi nhiều ý tưởng. Nhiều người hỏi, làm thế nào mà chương trình của tôi thường bán hết vé? Tôi chỉ nghĩ rằng, tôi quý trọng khán giả họ thì vì sao họ phũ phàng với tôi được. Như việc một người đến với mình, nếu mình tôn trọng họ thì sao họ dám văng tục chửi bậy với mình chứ. Nhưng sự tôn trọng ấy phải chân thành bạn ạ. Bây giờ khán giả khôn lắm, thông minh lắm, tôn trọng giả vờ là họ biết ngay.
* Trong cuộc đời làm nghệ thuật, có khi nào ông rơi vào thế “chủ quan”?
- Không biết là ưu hay nhược điểm, nhưng tôi may mắn vì rất dễ chán mình. Gorki từng viết về một con gián kiếm được mẩu bánh mì thì ve vẩy râu đắc ý. Với một số người hoặc vào lúc đói, miếng bánh mì ấy cũng tốt thật, nhưng nó chả là gì đâu và chắc chắn là không thể nhất thiên hạ rồi. Ở ngoài kia còn có biết bao nhiêu sơn hào hải vị chứ đâu chỉ có miếng bánh mì đó.
* Trong âm nhạc, “mẩu bánh mì” với ông là gì?
- Đó có thể là một thành công nho nhỏ hay vài lời khen.
* Không hẳn là ông không tự hào vì sự nghiệp?
- Tôi tự hào mình là người lao động cần cù. Không bao giờ tôi nghĩ sẽ ngồi yên. Nguyễn Du xưa kia nói: Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng? Chính Nguyễn Du cũng từng phải hoảng sợ, dù rằng đến giờ, sau vài trăm năm, chúng ta vẫn coi cụ là thiên tài. Nhưng quả thật, không hai huênh hoang được đâu.
* Nổi tiếng kỹ tính trong âm nhạc và cuộc sống, ông thể hiện tính cách này trong đêm nhạc sắp tới thế nào?
- Trong cuộc sống, tôi không kỹ lắm đâu. Nhưng nếu là công việc thì cực kỳ khó. Trước hết tôi khó với chính mình. Tôi luôn tâm niệm, kỹ còn chưa ăn ai. Không thể chỉ vì kết hợp với một người “ăn khách” thì ngồi rung đùi. Phải xem sản phẩm của mình có hấp dẫn với mình và với khán giả không?
* Trong đêm nhạc của ông sắp tới xuất hiện nhiều cái tên hấp dẫn khán giả đấy chứ?
- Tôi thích vì họ chưa bao giờ làm bài của tôi với thái độ coi thường. Tôi không chịu đựng được một ca sĩ hát sai lời hay một nhạc công đánh sai. Nguyên tắc để ít khi tôi thất bại, đó chính là chả bao giờ dám coi thường khán giả.
* Một số cái tên xuất hiện trong đêm nhạc của ông một lần rồi thôi, phải chăng là vì các lý do nói ở trên?
- Tôi không chịu được bất kỳ người nào không nghiêm túc. Nếu có một lần ẩu thì thà rằng thôi không hợp tác còn hơn là phải làm việc. Tôi gặp nhiều người như thế rồi, nhưng đành phải dứt tình thôi.
* Dứt tình dù đó là cái tên ăn khách?
- Ăn khách với tôi không có nghĩa gì, với tôi, chỉ có hát hay và không hay, đánh đàn hay và không hay mà thôi. Có anh nông dân được truyền thông lăng – xê, ca ngợi là ca sĩ Lệ Rơi, nghe đâu còn định tổ chức hẳn một live show. Vì thế, nói thật, cái từ “ăn khách” cần phải xem lại.
* Vì sao ông mời Tùng Dương?
- Tôi từng nói với Tùng Dương: khi nào bớt điên, nhiệt độ trung bình 37 độ thì hãy hát nhạc của chú. Tùng Dương bài nào cũng khám phá ra được những cái mới. Nhưng có lúc không khám phá mới thì làm lạ đi. Nếu mặc một cái áo vest hàng hiệu mà mặc quần đùi thì rất… dở hơi. Vì thông thường, 1 bộ quần áo đẹp thì đôi giầy phải thế nào, caravat phải ra sao. Người cấp tiến nói Tùng Dương hiện giờ không mới. Nhưng với tôi, thế là bình thường. Tôi không quý mến hay ghét bỏ ai, nhưng người ta phải phù hợp với mình mới hợp tác được.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Hoàng Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa