A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến: Người thiết kế những nốt nhạc

08:56 24/09/2012
loading...

Tốt nghiệp đại học năm 1996, Nguyễn Vĩnh Tiến có 16 năm để tìm kiếm và đi trong những giấc mơ đẹp nhất của mình trên nhiều con đường: kiến trúc, thơ, nhạc… Dường như ở lĩnh vực nào anh cũng kịp để lại dấu ấn của riêng mình.

Chân dung Nguyễn Vĩnh Tiến do Hoàng Tường vẽ

* Mới đây, anh xuất hiện trước công chúng ở vị trí thành viên ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012. Quan niệm của anh về phụ nữ đẹp có vì vậy mà thay đổi?

- Vì tôi luôn mang theo mình một thước đo riêng nên những quan niệm có sẵn hầu như không thay đổi. Về cơ bản vẫn như ông bà ta nói: “Nhất dáng, nhì da…” Đó là thần thái, là lời ăn tiếng nói mà người ta có thể nhìn nhận một cách cảm tính, thông qua trực giác (về mặt lý tính đã có các nhà nhân trắc học). Và điều mà tôi có thể nói với hai cô con gái yêu của mình sau khi trở về từ cuộc thi nhan sắc, đó là: sắc đẹp thì đã có “trời cho”, cha mẹ cho, còn tri thức mới là quan trọng nhất và phải tự mình trau dồi. Tri thức sẽ tạo được sự tự tin, vẻ đẹp rạng ngời trên gương mặt người phụ nữ.

* Điều gì được anh coi là giá trị thực của cuộc sống?

- Biết chắc mình muốn gì, đó chính là giá trị thực, với tôi. Điều này không thể xem nhẹ. Có người cứ đứng núi này trông núi nọ, thấy người ta có tiền nhiều, có bồ đẹp, có nhà to… cũng “bắt chước”, trong lúc không hẳn trong lòng mình đã thật sự muốn những thứ đó. Tôi nói thế vì trên thực tế, có đến 99% số người đã phản bội giấc mơ của chính họ. Ví dụ, lúc bé nhiều người mơ lớn lên sẽ đóng thuyền rồi đi chu du thiên hạ, một giấc mơ rất đáng yêu. Nhưng kết quả là, khi người ta lớn lên, lại lập tức thấy đó là một sự viển vông, và ước mơ tự thui chột đi. Có lẽ, những người lớn đó có lúc phải lục lại xem mình đã phản bội mình những gì. Có khi chính cách này sẽ giúp người ta có được những chiếc chìa khoá để mở cánh cửa hạnh phúc!

* Nhân nói đến hạnh phúc, anh suy nghĩ thế nào về hai từ này? Anh đã tìm được cái gọi là hạnh phúc đó chưa?


- Một anh bạn tôi rất giàu, cỡ “đại gia”, khi đã có trong tay mọi thứ, anh ấy chỉ mơ có một ngôi nhà trên đồi, được ngày ngày lên đó đi tắm suối, câu cá… và coi đó là hạnh phúc. Tôi thích một bài thơ của nhà thơ Vũ Thị Huyền: Hạnh phúc/ ấy là khi ta ngồi một mình để nghĩ về bất hạnh. Bất hạnh/ ấy là khi ta ngồi một mình để nghĩ về hạnh phúc… Bản thân tôi cũng suy nghĩ về hai chữ này rất nhiều, từ chục năm nay. Và tôi đã nghiệm ra, hạnh phúc đối với tôi nằm ở hai chữ: sáng tạo. Tức là được làm cái chưa ai làm mà mình thích. Ngay cả khi nó bao gồm cả những nỗi buồn và sự trả giá cho những cuộc truy tìm. Ngay cả sự cô đơn, mệt mỏi, khổ đau… nếu có, cũng chính là hạnh phúc!

* Và anh đã sớm biết mình là ai trong những cuộc truy tìm mang tên “sáng tạo”?


- Phải nói là, từ năm 20 tuổi – năm bản lề của tuổi trẻ, tôi bắt đầu tư duy về điều đó với những câu hỏi luôn đặt ra cho mình: Tôi là ai? Tôi làm gì? Tôi tồn tại như thế nào? Đó trước hết là sự trăn trở của cái tôi, của con người cá nhân trước cuộc đời, về những suy nghĩ và xử sự của mình. Tôi nhớ, sinh viên kiến trúc hồi đó ai cũng thích những thứ cao đẹp: trung tâm thương mại, bảo tàng… Vậy những cái còn lại như nhà tù, khu xử lý rác cho bệnh viện, nhà tang lễ, bệnh viện tâm thần... thì ai làm? Có thể tôi có phần ngông cuồng khi chọn làm một trong những thứ không ai chọn…

* Cảm giác của người “lội ngược dòng” mà anh đã trải nghiệm?

Nguyễn Vĩnh Tiến sinh năm 1974, tốt nghiệp đại học Kiến trúc Hà Nội và cao học Pháp ngữ chuyên ngành “thiết kế đô thị với di sản và phát triển bền vững” – học bổng bộ Văn hoá Pháp. Anh còn được biết đến như một nhà thơ với bút danh Tiểu Tuyến Thư, từng đoạt nhiều giải thưởng kiến trúc, sáng tác văn học... Anh nổi tiếng với tư cách người sáng tác ca khúc, được giới chuyên môn và dư luận đánh giá cao qua một số bài hát: Bà tôi, Giọt sương bay lên, Ông tôi, Mẹ tôi và những thị xã vắng, Cảm giác yêu, Trai làng tôi...

- Tự tin và khủng hoảng đi liền với nhau. Thất vọng nhưng vẫn hy vọng. Chỉ vì liên tục bị phản đối. Bây giờ nhìn lại cũng thấy bình thường, nhưng 15 năm trước, chẳng hạn ý tưởng thiết kế một khách sạn cheo leo bên sườn núi, lập tức bị chê là “chênh vênh”!

* Tuổi 20 ngông cuồng như anh tự nhận, với đồ án về bệnh viện tâm thần, giờ nhìn lại anh có thấy mình đã làm kiến trúc thực sự, chạm tới được một triết lý về không gian thực sự, chứ không đơn giản là trả bài cho thầy?

- Bất ngờ nhất là khi nghiên cứu, thống kê làm đồ án, tôi có được con số “10% dân số thế giới mắc bệnh… tâm thần”! Tôi lúc đó và bây giờ luôn tin rằng kiến trúc có thể giúp chữa bệnh, bằng màu sắc, hình khối, cây xanh… Thử hình dung: một bệnh viện tâm thần được thiết kế như một ngôi làng, gồm nhiều “thôn”, “xóm” cho những bệnh nhân khác nhau; có bóng cây, có mái nhà, có sân đình… khiến bệnh nhân cảm thấy gần gũi, gắn bó, thanh thản, hồi phục nhanh hơn… Tôi nghĩ đã làm kiến trúc thì phải tạo ra được triết lý của không gian. Không có được triết lý đó, không phải là kiến trúc.

* Dù sống trong thế giới của thơ, nhạc, nhưng anh luôn chỉn chu, nghiêm túc – đặc biệt trong công việc, trong lao động sáng tạo. Điều ấy không chỉ là tác phong bề ngoài mà gắn liền với những thành quả cụ thể…

- Đúng vậy. Tôi là người nghiêm túc từ khi còn rất bé. Khi học lớp một tôi đã biết mình phải làm gì, phải như thế nào ở nhà, ở lớp. Từ cách chơi, cách quan sát, cách làm việc… mọi thứ đều rõ ràng với tôi từ thuở ấy. Tôi thấy mình sống tương đối lý trí. Tôi cũng tin chắc rằng trên đời này không có cái gì là dở, chỉ là mình không biết cách làm nó trở nên hay hơn mà thôi. Tựa như với người hoạ sĩ, không có màu nào là màu xấu…

* Là một nhà thơ thứ thiệt, xuất hiện muộn ở sân nhạc, nhưng anh đã kịp có nhiều fan hâm mộ. Vậy, có thể hiểu về anh qua “kênh” nào thì chuẩn nhất, “nói” được về anh nhiều nhất?

- Kiến trúc, tất nhiên là thế rồi. Thời kỳ này tôi đang theo đuổi đề tài nghiên cứu “đô thị đa cực”, trong đó bao gồm khái niệm bản sắc đô thị, và cũng là đề tài luận án tiến sĩ của tôi. Tôi coi đây là một chiếc chìa khoá để mở ra cánh cửa thực tiễn. Lý thuyết vốn là thầy của thực tiễn và thực tiễn luôn là thước đo của lý thuyết, tôi nghĩ vậy. Khi nào bảo vệ xong luận án, tôi sẽ tiếp tục theo đuổi công tác giảng dạy mà tôi rất thích (vốn trước đây tôi giữ chức trưởng khoa kiến trúc của đại học Chu Văn An (Phố Hiến – Hưng Yên). Tôi hy vọng mình sẽ là một trí thức trẻ của lĩnh vực này. Từ kiến trúc, tôi sẽ tiếp tục “nhìn” ra các lĩnh vực khác …

* Người ta hay đề cập đến tư duy kiến trúc cũ và mới - những rào cản của kiến trúc đương đại. Anh giải quyết mối quan hệ này như thế nào trong tác phẩm của mình?

- Tôi thường không đặt chúng trong sự đối lập. Chỉ khi còn trẻ mới thế. Vì thế tôi thấy nó rất biện chứng. Đơn giản là, sống trong nước lũ thì phải biết bơi. Quyết liệt đến mấy cũng thế. Phải biết nhìn nhận một cách khách quan, khoa học và nhiều chiều, không cảm tính, không duy ý chí. Nhưng quả thật, nhiều lúc cũng là sự “đi trên dây”, phải làm sao để có sự cân bằng… Hiện, tôi đã làm được một số công trình kiến trúc có thể “đại diện” cho mình, như trung tâm thương mại và khách sạn 17 tầng BMC (Hà Tĩnh), khách sạn Tourane trên bờ biển Mỹ Khê (Đà Nẵng), nhà máy kính nổi Viglacera ở Bình Dương – công trình hiệp hội Tư vấn và xây dựng Việt Nam trao giải nhất năm 2004… Hoặc một công trình nhỏ mà tôi rất tự hào: phục dựng cổng Quảng Đức – một bộ phận của di sản văn hoá thế giới là kinh thành Huế – từ đổ vỡ…

* Tâm trạng của anh khi chùa Trăm Gian mới đây bị “phục dựng” một cách vô trách nhiệm và vô lối – điển hình của cách ứng xử thiếu văn hoá với di sản cha ông?

Hạnh phúc đối với tôi nằm ở hai chữ: sáng tạo. Tức là được làm cái chưa ai làm mà mình thích. Ngay cả khi nó bao gồm cả những nỗi buồn và sự trả giá cho những cuộc truy tìm. Ngay cả sự cô đơn, mệt mỏi, khổ đau… nếu có, cũng chính là hạnh phúc!

- Đó là một khuôn vàng thước ngọc của kiến trúc Việt. Tôi lấy làm tiếc cho các em sinh viên kiến trúc năm thứ nhất khi làm bài tập, lấy đâu ra mẫu chùa Trăm Gian nữa mà vẽ. Chùa nào tu bổ rồi mà may mắn giữ được, không bị phai nhợt đi, là nhờ sư trụ trì có kiến thức, chịu khó đọc. Đền nhà Trần mà chạm trên nóc rồng nhà Lý, thấy buồn kinh khủng! Các kiến trúc sư trẻ, hiệp hội này nọ, lướt web và Facebook rất say mê nhưng lại rất yếu trong nhận thức về di sản, đã thế còn thờ ơ, vô cảm. Một thực tế là không chỉ người trẻ bỏ mặc mà người già cũng không mấy quan tâm. Lãnh cảm với di sản là một căn bệnh thực sự. Chúng ta đang thiếu một quy hoạch tổng thể trong ý nghĩ, nhận thức, trách nhiệm đối với di sản…

* Phải quan niệm về di sản như thế nào cho đúng và thích hợp nhất, theo anh?

- Di sản không chỉ là những thứ cha ông để lại mà bao gồm cả những cái chúng ta đang làm, sẽ làm. Hãy giữ lại một vài khu tập thể – một hiện tượng kiến trúc phổ biến ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, bởi đó chính là những di sản kiến trúc do con người tạo ra: một tổ hợp sống tương tự như nhà ống, hay nhà siêu mỏng… Nói một cách nghiêm túc, di sản đó phản ánh sự lộn xộn, tự phát trong kiến trúc và cả nếp sống, nếp nghĩ của cả một thế hệ mà sau này, nếu phá hết, không thể tái hiện nổi, ngoài những “bảo tàng chết” trên ảnh!

* Ý kiến của anh trước sự kiện “bảo tàng ngàn tỉ” đang rất được dư luận quan tâm?

- Đó là một sự lãng phí khổng lồ và không thể tưởng tượng được. Cả Hà Nội hiện đang là một bảo tàng sống, mà không thể chăm chút. Cũng như ta đang có mấy ngàn nhà văn hoá ở khắp các địa phương, chủ yếu là khoá cửa im ỉm… trong khi không đánh giá hết được vai trò, giá trị của các đình chùa, và không kết hợp được sự giao thoa về văn hoá, sự kết nối các thế hệ với nhau tại đây… Rất đáng tiếc.

* Công chúng yêu âm nhạc thường gọi anh là “nhạc sĩ”. Khái niệm “nhạc sĩ” đó theo cảm nhận của riêng anh?


- Hiểu theo kiểu “hơi… kiến trúc” một tí nhé: đó là người thiết kế những nốt nhạc. Do vậy rất chú trọng việc kết hợp các nghệ sĩ hoà âm phối khí với nhau để có được các ca khúc có không gian, tầng bậc và cả những quy luật y hệt kiến trúc. Một là quy luật nhịp điệu và sự lặp lại. Hai là điểm nhấn. Ba là sự tái hiện hay còn gọi là quy luật ở tầng bậc cao hơn. Bốn là sự hoà hợp. Năm là yếu tố con người…

* Có một xu hướng khá đối lập: nhiều người trẻ tuổi nhưng rất già dặn, trong khi không ít người có tuổi lại rất trẻ trung! Anh thuộc tuýp thứ nhất?

- Nói đúng ra là bao giờ tôi cũng “nuôi”, cũng có sẵn trong mình một… ông già và một đứa trẻ.

* Thời gian đã có sự “điều chỉnh” như thế nào đối với anh?

- Đã có một sự chuyển tiếp, nhưng vẫn tiếp tục con đường đã chọn. Vẫn trung thành với những ước mơ của mình ngày xưa… Nhưng cũng có cái khác: nếu xưa đi trong giấc mơ một mình thì bây giờ thích bên cạnh có vợ con, có gia đình.

* Thơ đã giúp ích gì cho nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến trong hành trình sống nhiều cung bậc buồn vui đó?

- Rất nhiều. Đó là một cánh đồng mà mình phải cày xới, vun trồng... Là nơi mình vật lộn với chữ nghĩa, với chính mình. Còn nhớ, lúc trẻ, tôi luôn thấy mình như một ngọn núi cô độc: Tôi giống kẻ trung thành với thời gian/ với con người và những lò than nguội ngắt… Nhờ bài thơ mang tên Ngọn núi cô độc này mà tôi tán đổ một cô gái – vợ tôi bây giờ. Có cảm giác đó như một bài thơ định mệnh của tôi, dù chứa trong đó không ít phi lý, nhưng vẫn logic với cuộc đời tôi.

* Giai điệu hay nhất từ cuộc đời thực đối với kiến trúc sư – nhà thơ – nhạc sĩ?

- Tiếng gió thổi, khiến tôi cảm nhận được rõ hơn về về sự tồn tại của mình. Tôi cảm thấy trong gió luôn có giai điệu, có âm thanh, và có cả những câu chuyện…

Theo Sài gòn tiếp thị
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...