Nhà văn 'bật mí' chuyện từ thiện
(Thethaovanhoa.vn) - Ở thời điểm chuyện quyên góp cứu trợ đồng bào miền Trung đang trở thành tâm điểm của xã hội, các nhà văn cũng đã có những chia sẻ rất thật, từ câu chuyện của cá nhân mình.
- TTXVN ủng hộ đồng bào miền Trung
- Văn phòng Chính phủ quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung
- CẬP NHẬT: Nghệ sĩ Bắc - Nam ủng hộ đồng bào miền Trung hàng tỷ đồng
Như câu chuyện của các nhà văn, trường hợp MC Phan Anh quyên góp được số tiền rất lớn để ủng hộ miền Trung trong những ngày qua cũng phần nào đến từ việc anh là gương mặt thân quen của hàng triệu người xem truyền hình. Nhưng, cũng có nhiều nghệ sĩ trong giới showbiz nổi tiếng còn hơn Phan Anh, nhưng lại khó thuyết phục được cộng đồng hưởng ứng trong một thời gian nhanh như vậy.
Bởi, để đến được với người khác trong cơn hoạn nạn, ngoài danh tiếng cá nhân, những người làm công việc thiện nguyện còn buộc lòng phải thuyết phục được cộng đồng bởi sự chân thành của mình nữa.
Cuộc họp của giới làm sách Tp HCM vào chiều 22/10 đã quyên được hơn 50 triệu đồng cho đồng bào miền Trung
Từng đi với một vài tổ chức thiện nguyện tự phát, một nhà văn quen biết với người viết chia sẻ: thông thường, nhiều tổ chức vẫn trích ra một số tiền để chi phí đi lại, ăn ở trong tổng số tiền quyên góp được.
"Khi biết được việc này, chúng tôi đi chung một lần rồi thôi, vì quan điểm làm thiện nguyện giữa các bên không đồng quan điểm" – anh nói. "Đành rằng mình có công đi nhưng hãy đi bằng tiền túi của mình, chứ không thể dùng tiền người khác đóng góp”.
Quan điểm này gần như trở thành nguyên tắc bất thành văn các văn nghệ sĩ hướng về đồng bào khó khăn. Điển hình, như lời kể của nhà văn Nguyễn Đông Thức: “Tiền quyên được bao nhiêu, chúng tôi đều đem đến tận tay những học sinh có gia cảnh khó khăn cần trợ giúp. Các thành viên đi trong đoàn phải tự túc tất cả các chi phí cho bản thân. Bởi đi làm thiện nguyện khác với việc đi du hí, có người bao show cho mình”.
Một câu chuyện khác trong những ngày qua. Im lặng vận động người thân và bạn bè, nhà văn trẻ Đoàn Phương Huyền (Đài Tiếng nói TP.HCM) âm thầm kéo vali ra tàu lửa hướng về Quảng Bình. Phương Huyền quê Quảng Bình nhưng sống xa quê từ bé, nên cô đã nhờ một người quen rành rọt Quảng Bình như lòng bàn tay tư vấn về các trường hợp cần trợ giúp.
Nhà văn Đoàn Phương Huyền tại Quảng Bình
Phương Huyền nói: “Em muốn những gì em nhận từ các tấm lòng phải gởi đến đúng người nhận chứ “rơi vãi” một đồng nào khi phát cho không đúng đối tượng. Việc em đi tàu lửa mà không đi máy bay bởi em nghĩ đi làm những việc thế này nên được thực hiện tế nhị, khác với đi du lịch”.
Câu chuyện ấy khiến nhiều người nhớ lại những chuyến đi đầu tiên của nhóm Mô-tô học bổng. Khi ấy, hai nhà văn Đoàn Thạch Biền và Nguyễn Đông Thức sức khỏe còn tốt. Và hai ông chọn phương thức chở nhau trên xe gắn máy đem các phần quà, học bổng về cho học trò các vùng khó khăn.
Chọn xe gắn máy, cũng bởi một lý do rất đơn giản: phần quà, học bổng chẳng đáng bao nhiêu mà dùng phương tiện như ô tô sẽ mang đến sự cách biệt không gần gũi.
Và, ít người biết, những nhà buôn sách cũ, sách quý tại Hà Nội và TP.HCM vừa có cuộc bán đấu giá sách lâu năm họ sưu tập để giúp miền Trung. Với người ngoại đạo, một cuốn sách sưu tập như vậy chỉ được biết đến như món đồ trị giá vài triệu đồng. Nhưng với người chơi, giá trị tinh thần là rất lớn.
Chẳng hạn, nhà báo Yên Ba, người nổi tiếng trong giới chơi sách phía Bắc, đã đưa ra "sàn đấu" một cuốn Văn mới. Đây là cuốn sách thuộc dạng ấn bản đặc biệt, được phía xuất bản in có giới hạn. Và cuốn Văn mới này có số 62, con số mà Yên Ba thích vì trùng với năm sinh của anh.
Để rồi, khi có một nhà sưu tập mua lại cuốn sách với giá 5 triệu đồng, Yên Ba vẫn sung sướng thốt lên khi chia tay "bảo vật" của mình: “Vậy là được thêm 5 tạ gạo gửi cho đồng bào”.
Và, sẽ còn rất nhiều câu chuyện khác, để nói về lựa chọn của những nhà văn tham gia cứu trợ miền Trung. Bởi, với họ, giá trị vật chất được chuyển tới đồng bào càng nhiều càng tốt, nhưng giá trị của sự chân thành kèm theo sự giúp đỡ ấy còn đáng giá gấp bội...
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa