Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm… chống bạo hành gia đình bằng phim!
Những mảnh đời có thật
* Trong lúc các hãng phim tư nhân chạy đua với các đề tài “chân ngắn, chân dài”, “gái gọi”, “trai bao”, rồi... đồng tính, hoặc ma quái để “câu” người xem thì hãng phim của gia đình anh lại lấy “bạo hành gia đình” để ra mắt khán giả. Nên hiểu đó là sự hứng thú với đề tài hay có một lý do nào khác?
- Bạo lực gia đình là vấn đề mang tính toàn cầu, nó có thể xảy ra với bất cứ gia đình nào trên thế giới này nếu chúng ta ý thức được tính nghiêm trọng của nó. Ngay từ khi thành lập, đây là một trong số nhiều đề tài xã hội mà Điệp Vân Film quan tâm và muốn thực hiện ở một dự án dài tập. Nếu muốn chuyển tải thông điệp chống nạn bạo hành gia đình đến với đông đảo khán giả thì con đường tốt nhất chính là truyền hình. Và chúng tôi đã may mắn gặp được một số đối tác quan tâm đến đề tài này như Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp quốc.
Hoàng Nhuận Cầm tại trường quay
* Nhắc đến Hoàng Nhuận Cầm là nhắc đến thơ, đến kịch bản và... diễn hài. Còn đạo diễn e có vẻ mới quá. Anh có nghĩ mình có duyên với nghề này không và để vượt qua bước nhảy đầu tiên ở một đề tài nặng tính “tuyên truyền” anh và đoàn phim đã phải làm gì?
- Tôi đã từng làm đạo diễn một số phim giải trí và cũng khá lâu rồi. Tất nhiên, bạo hành gia đình là đề tài mới với tất cả mọi người trong đoàn phim, không riêng gì tôi. Để làm bộ phim này, chúng tôi đã tham gia tập huấn hàng tháng trời tại Trung tâm CSAGA ...
Bộ phim này đã được chiếu cho các thành viên CLB Chống bạo hành gia đình ở CSAGA xem và họ đã khóc, vì dường như họ đều nhận ra mình trong mỗi nhân vật. |
- Tôi đã đưa vào phim những mảnh đời có thật. Một phụ nữ làm nghề buôn gà ở Ga Hà Nội luôn bị chồng bạo hành, coi vợ không khác gì một “con gà”. Một lần, gã chồng đã nhổ một bãi nước bọt xuống đất và bảo chị vợ nếu bãi nước bọt khô mà không mang được chai rượu lúa mới về, gã ta sẽ bẻ gẫy cổ vợ như bẻ cổ một con gà. Kết thúc cuộc hôn nhân buồn này là chị vợ phải nhờ đến các cơ quan luật pháp để giải thoát và gã chồng đã bị phạt tù 12 tháng vì tội bạo hành vợ.
Đó là một chị 38 tuổi, đã có 5 con gái, bị chồng đuổi đánh cả ngày lẫn đêm với mục đích buộc chị phải sinh bằng được một cậu con trai, cho dù bác sĩ đã khuyến cáo với thể trạng của chị việc sinh nở sẽ nguy hại đến tính mạng...
Nhiều phụ nữ tham gia trong CLB phòng chống bạo hành gia đình ở CSAGA đã được chuẩn bị những kiến thức để bảo vệ mình, như: luôn chuẩn bị sẵn 1 túi nhỏ đựng chứng minh thư nhân dân, ít tiền, ít quần áo và khi bị bạo hành thì thay bằng ở nhà “chịu trận” hãy chạy ngay đến UBND xã, phường; hội phụ nữ và nhà tạm lánh...
Cảnh bạo hành trong phim
Tôi cũng có… bạo hành, nhưng nhẹ thôi
* Tìm hiểu các dạng thức bạo hành gia đình và tâm lý của những kẻ gây ra nạn bạo hành này, có thành viên nào trong đoàn làm phim thấy “nổi gai” vì mình cũng từng có những hành vi giống thế?
- Tuy không nói ra, nhưng cánh đàn ông tham gia làm bộ phim này đều “thủ thỉ” vào tai nhau: “Thôi chết rồi, có lúc tôi cũng là thủ phạm bạo lực gia đình. Bản thân tôi cũng... có. Nhưng nhẹ thôi, có thể sửa chữa được (cười). Điều khiến tôi ân hận nhất khi làm bộ phim này chính là đã có lần “bạo hành” một diễn viên ngay tại trường quay. Đó là nữ diễn viên chính đóng vai Na - người phụ nữ bị chồng đuổi đánh bắt phải đẻ con trai. Hôm đó cô ấy đến trường quay muộn và tôi đã nổi cáu, quát tháo ỏm tỏi, thậm chí dùng những lời lẽ rất nặng nề. Lúc đó, tôi không nghĩ cô ấy là diễn viên, mà chỉ nghĩ cô ấy là vợ tôi - diễn viên Điệp Vân - và tôi có quyền quát tháo cô ấy vì đã bắt cả đoàn phim phải chờ. Trên thực tế, cô ấy đến muộn cũng vì muốn tốt cho bộ phim, đó là đi mua thêm bánh mì để thúng bánh (đạo cụ) đầy hơn, đẹp mắt hơn khi lên hình vì hôm đó quay cảnh cô Na bỏ nhà lên Hà Nội bán bánh mì và cảnh này được thực hiện trước của Nhà hát Lớn.
* Anh sẽ tiếp tục làm phim về đề tài này?
- Kế hoạch là thế nếu tìm thấy kịch bản hay. Còn trước mắt tôi và hãng Điệp Vân đang chuẩn bị cho việc sản xuất 30 tập phim về đề tài thiếu nhi; 25 tập phim về giới trẻ và 30 tập phim về đề tài Hà Nội.
* Xin cảm ơn anh!