A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhà phê bình Nguyễn Đỗ Bảo: Hơi chậm, nhưng bản sắc văn hóa đã được quan tâm!

08:24 24/09/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - "Công văn này ra đời là cần thiết, nhưng hơi chậm" là ý kiến của PGS.TS Mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình Mỹ thuật thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam xung quanh chỉ thị di dời sư tử đá, vật phẩm lạ ra khỏi một số di tích, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội trước ngày 31/12/2014.

PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo cho biết:

- Cách đây khoảng hơn 10 năm, một phong trào cúng tiến ồ ạt các vật thể lạ vào các chùa chiền, đền miếu... ở ta đã làm dấy lên sự quan ngại của nhiều nhà nghiên cứu văn hoá, đặc biệt là giới mỹ thuật, với những người tiên phong như: các họa sĩ Nguyễn Đức Bình, Nguyễn Hoài Nam, Trần Hậu Yên Thế...

Dù vậy, công văn này cũng chứng tỏ Thành phố Hà Nội đã quan tâm đến bản sắc văn hoá truyền thống của vùng đất cổ "ngàn năm văn hiến" mà trong đó các di sản văn hóa không chỉ riêng Hà Nội mà cả Việt Nam nói chung đang mất dần.


PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo

* Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân mua sư tử đá làm linh vật đặt trước cửa. Việc vận động di dời cũng đang được UBND TP Hà Nội tìm hướng giải quyết triệt để. Ý kiến cá nhân ông về việc này như thế nào?

- Theo tôi với các công ty tư nhân họ di dời hay không là quyền của họ. Nhưng các công trình văn hóa thuộc Nhà nước quản lý phải là điều bắt buộc. Ở nhà riêng có thể người ta có, thậm chí có những mẫu vật cổ hàng trăm năm tuổi là di sản văn hoá có giá trị, người ta có thể chơi nó với tư cách trong gia đình nhà mình, thậm trí trao đổi, mua bán với nhau.

Tuy nhiên, ở các công sở, đặc biệt là các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tư nhân lớn, thì phải vận động họ, định hướng và giải thích cho họ. Họ là doanh nhân, tiếp nhận văn hóa ngoại lai theo kiểu phô trương như thế, chứng tỏ trình độ nhận thức văn hóa của họ cũng thuộc loại thấp kém.

Do vậy, cần vận động chính họ tự giác loại bỏ những con vật linh không phải mẫu mã truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những con sư tử đá được nhắc đến nhiều trong thời gian qua chủ yếu là loại sư tử "hống" được làm theo mẫu con sư tử đời nhà Minh - Trung Quốc ở Thiên An Môn, Bắc Kinh.

Về hình thức, những con sư tử này du nhập từ vùng Trung Á và đã được Trung Quốc hóa nên không phù hợp với tinh thần thẩm mỹ của người Việt. Người Việt Nam tình cảm nhẹ nhàng, mềm mỏng, đôn hậu không thích bạo quyền hoặc dùng sức mạnh dọa nạt các dân tộc khác.

Hơn nữa, những con sư tử này được các nghệ nhân Trung Quốc làm ra dùng để canh mộ người chết ở nghĩa địa. Sau đó được phong kiến, tư sản mại bản nước này bày trước cửa nhà để thể hiện uy quyền của mình. Bây giờ, ta để trước cửa cơ quan, doanh nghiệp như thế là hay sao! Chẳng khác nào như bọn "trưởng giả học làm sang!".


Sư tử bằng đá thời Lý, chùa Bà Tấm, huyện Gia Lâm, Hà Nội

* Vậy theo ông, cần một định hướng chung về cách dùng linh vật phù hợp với mỹ thuật Việt Nam nói riêng, với văn hóa Việt Nam nói chung và đặc biệt là với văn hóa Thăng Long – Hà Nội?

- Nói về việc này tôi nghĩ phải ở cấp cao hơn được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ là Bộ VHTT&DL. Muốn làm được việc này, Bộ VHTT&DL phải đứng ra chủ trì cùng với những nhà khoa học có chuyên môn của các chuyên ngành văn hóa nghệ thuật nghiên cứu tìm ra, chỉ định những con linh vật tiêu biểu và đẹp nhất ở các di tích, các đền thờ lớn, các chùa tháp tiêu biểu, sau đó cùng nghiên cứu để đưa ra những con linh vật tiêu biểu vừa có giá trị nghệ thuật cao, lại vừa có giá trị ứng dụng để trở thành những con linh vật phù hợp với tinh thần của người Việt, phù hợp với tín ngưỡng thờ cúng ở các di tích lịch sử văn hóa của Việt Nam.

* Theo ông, bài học rút ra từ hình ảnh sư tử đá ở đây là gì?

- Nhiều người nói về sự "xâm lăng" văn hóa, dùng từ đó theo tôi hơi nặng. Đứng về góc độ văn hóa mà nói, đây là sự tiếp biến văn hóa theo cách nói của GS sử học Trần Quốc Vượng. Tiếp biến văn hóa ở đây là có tiếp thu nhưng đồng thời phải biến đổi trên cơ sở thẩm mỹ của con người lịch sử, đồng thời phải phù hợp với tâm linh là rất cần thiết. Đó cũng chính là điều mà Nghị quyết TW 5 của Đảng đã nhấn mạnh việc tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam hiện đại. Nhưng theo tôi tiếp biến văn hóa thế giới là để làm giàu cho vốn văn hóa Việt Nam, trên tinh thần thẩm mỹ của người Việt Nam. Tức là mình phải biến đổi nó theo đúng quan niệm thẩm mỹ của người Việt chúng ta.

Sư tử xuất phát từ Ấn Độ, cái nôi của Phật giáo. Đạo Phật đầy mãnh lực đã thuần hóa được sư tử và nó đã trở thành vật cưỡi cho Đức Phật và các Quan âm. Hình tượng sư tử khi du nhập vào Trung Quốc hay Việt Nam đều đã được chuyển hóa cho phù hợp với nhu cầu sử dụng trong tín ngưỡng và đời sống tinh thần của cộng đồng dân tộc nước đó.


Sư tử bằng đá thời Lý, chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh

Trong khi sư tử Trung Quốc chỉ có hình ảnh ngồi hoặc đứng, một chân đặt trên quả cầu trông rất dữ tợn như muốn dọa nạt con người hay muốn làm bá chủ thế giới, thì sư tử Việt du nhập vào thời nhà Lý (thế kỷ 11-12) bao giờ cũng nằm đỡ tòa sen như sư tử ở chùa Hương Lãng (Hưng Yên) hay chùa Bà Tấm (Hà Nội).

Ngoài ra còn rất nhiều hình tượng sư tử có kích thước nhỏ hơn thường thấy ở vùng Hà Nam, Nam Định, Bắc Ninh và Hà Tây cũ... nằm đội tòa sen, mồm ngậm hạt ngọc trông rất hiền lành.

Hình tượng con nghê của thời kỳ Hậu Lê (thế kỷ 17-18) cũng rất đẹp. Cho dù bằng gỗ, đá hay đồ gốm ở các di tích tôi thấy đều rất dân dã và gần gũi với tình cảm người Việt. Tất cả các con vật linh này đều có cùng chức năng trong các di tích lịch sử văn hóa ở Việt Nam.

Theo tôi, một câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không trả lại vai trò và chức năng vốn có của nó như các cụ ta vẫn thường làm như thế, cần gì phải nhọc công đi tìm tận nơi đâu?

Hoa Chanh (thực hiện)

Đọc bài 'Hầm mộ' xuất hiện khắp Hà Nội TẠI ĐÂY

Đọc bài Sư tử đá: Văn hóa lai căng bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết TẠI ĐÂY

Đón đọc bài 4: Bày sư tử ngoại lai mặt phố Hà Nội: Không thể là chuyện riêng tư trên Thethaovanhoa.vn sáng mai 25/9

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...