A+ A A- Kiểu đọc sách

Nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán với 100 cái Tết: Trăm chuyện của trăm năm

13:52 21/02/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tết 2015 này, học giả Vũ Tuân Sán (bút hiệu Tảo Trang) bước sang tuổi 101. Bản thân con số ấy cũng đủ để người ta ngưỡng mộ khi nghĩ về quãng thời gian dằng dặc mà một người Hà Nội như ông đã đi qua, để viết cả ngàn trang sách về Hà Nội, và đón 100 cái Tết cũng… đặc sệt Hà Nội, theo cách của mình.

Tháng 8/2014, Vũ Tuân Sán nhận Giải thưởng Lớn của giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội do báo Thể thao & Văn hóa tổ chức. Ông đến dự trên chiếc xe lăn với sự hộ tống của rất nhiều cháu, chắt. Họ tới để được chứng kiến ngày ông mình, cụ mình được vinh danh, sau hàng chục năm kiên nhẫn với đóng góp lặng thầm.

100 tuổi vẫn viết

Sự thực, ở tuổi 100, người ta chẳng có cách nào cưỡng lại với phôi pha của thời gian. Ông Sán vẫn ngồi xe lăn từ vài năm nay. Nói được, dù gắng sức, bằng giọng run run của tuổi 100. Nhưng nghe lại rất khó, nếu người đối thoại không ghé sát tai mình.

“Trông vậy mà ông vẫn đọc tốt lắm. Từ sau giải Bùi Xuân Phái, ông cứ bắt chúng tôi đi mua báo Thể thao & Văn hóa hàng ngày, để xem có thêm bài viết mới nào về Hà Nội không” - chị Uyển Vân, con gái học giả, kể.

Những tuần cuối cùng của năm 2014, một trận ốm nặng từng bắt ông phải nằm viện vài ngày trong sự lo lắng đến thắt ruột của gia đình. Mọi người nói, đấy là quãng thời gian ông nhận lời của tạp chí Hồn Việt để hiệu đính một bài viết cũ của mình về bốn chữ Hán “Cao sơn cảnh hành” trên cổng đền Hùng. Ông suy tư, cân nhắc từng chữ để viết trước khi đăng, liền mấy đêm trắng không ngủ, lụi cụi ngồi tư duy và viết trong phòng làm việc.


Nhà Hà Nội học Vũ Tuân Sán

Học giả Vũ Tuân Sán là vậy. Vẫn muốn đọc và muốn làm việc ở tuổi 100, như một cách Thiền đặc biệt để tự neo giữ mình vào dòng chảy của cuộc sống, vốn đã ít nhiều bị tách ra khỏi không gian của thư phòng. Viết rất chậm bằng khổ chữ to, để người nhà đánh máy, và in lại cũng với khổ chữ to cho ông xem lại. Nhưng bù lại, với trí nhớ phi thường của mình, ông có thể “lấy ra” bất cứ thứ gì từ vốn kiến thức trong đầu đã được lưu giữ trong suốt 100 năm nay. Miễn là có một phút tĩnh tâm, để từ tốn tìm kiếm trong kí ức.

Người nhà đưa cho Thể thao & Văn hóa xem một bức thư mà ông vừa bỏ một thời gian dài để viết. Thư là lời cám ơn gửi tới “bác Phái gái” (Phu nhân của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái) với những ký ức về lần gặp gỡ duy nhất với danh họa. “… Bác giai nhà ngồi cạnh bàn, trước mặt có những tệp giấy khổ nhỏ. Ba người mạn đàm. Bác như tiện tay lơ đãng vẽ trên mảnh giấy những hình nhà cũ trong phố cổ… Khi về, anh bạn và tôi trao đổi với nhau: họa sĩ phải là bậc thiên tài, đồng thời phải ghi sâu trong trí óc những hình ảnh nhà phố thân quen, để có thể thuận tay phác họa dựa vào những hình ảnh trong trí nhớ…”.

Nếp nhà Hà Nội cũ

Ông Sán luôn từ tốn, lịch thiệp và điềm đạm, hệt như sự hình dung của mọi người về “những tính cách Hà Nội cũ”. Mà ông là người Hà Nội cũ thật. Những năm dài sau thập niên 50 của thế kỷ trước, ông Sán sống cùng vợ trong căn nhà nhỏ tại phố Phan Huy Ích bây giờ. Thói quen đi dạo nửa tiếng cùng vợ sau bữa cơm tối được duy trì trong ngần ấy năm, rồi kéo dài sang cả thời gian ông bà chuyển về ngôi nhà tại phố Đại Từ. Nhà giữa làng, người dân lúc đầu vẫn khúc khích mỗi khi thấy hai ông bà đi dạo, về sau cũng thành quen. Cứ thế, ông vẫn đi dạo một mình, ngay cả khi bà mất.

Đất hương hỏa các cụ để lại ở Đại Từ, ông chia thành nhiều mảnh, bao quanh lối đi chung. Ở giữa là ngôi Hoa đình có dòng chữ “Tĩnh tâm trai”, nơi ông Sán thường đàm luận với bạn bè và họp đại gia đình. Tĩnh tâm, nên dường như những xô bồ ngổn ngang của nhịp sống hiện đại không mấy khi lọt vào quần thể khép kín với nếp nghĩ, nếp nhà Hà Nội cũ ấy. Tới vài năm trước, học giả có bút danh Tảo Trang này vẫn đón Tết theo nếp cũ của mình. Giao thừa, ông ra đường, đi bách bộ vài vòng trong làng để hít thở bầu không khí đầu tiên của một năm mới vừa sang. Rồi quay lại tự xông nhà, khi con cháu đã ngồi chờ đông đủ để nghe ông đọc những bài thơ Xuân vừa viết. Rồi mấy lời ngắn gọn để “tổng kết” năm cũ và chúc sức khỏe mọi người. Rồi bữa ăn chung của cả đại gia đình vào trưa mùng Một…

“Năm đầu tiên từ khi phải ngồi xe lăn, bố tôi cũng tự đi ra ngoài đường một vòng trong lúc Giao thừa” - chị Uyển Vân kể - “ Những năm sau con cháu lo, ngăn lại. Vậy nhưng ông vẫn quần áo chỉnh tề, ngồi sẵn trong phòng từ trước Giao thừa, chờ tới phút sum họp, tống cựu nghênh tân của cả đại gia đình”.

Lấy Hà Nội làm lẽ sống

Một buổi ngồi với Thể thao & Văn hóa, học giả Vũ Tuân Sán không nói được nhiều. Qua những dòng “bút đàm”, ông kể rằng thời gian gần đây, mình vẫn gắng gượng mỗi ngày đọc vài trang sách. Ông thú vị nhất với một tuyển tập Truyện Trạng Hà Nội vừa phát hành. Bề dày văn hóa ngàn năm của đất Thăng Long có thể đủ cho người ta viết mãi, tìm hiểu mãi, mà không bao giờ cạn.

Rồi trong câu chuyện, ông hỏi về phố Văn Miếu, nơi mà mấy năm qua luôn bày bán những câu đối Tết mỗi dịp Xuân về. Đầu năm 2014, “phố ông đồ” ấy gây ách tắc giao thông, mất mỹ quan và cả “chặt chém” khách có nhu cầu xin chữ nữa.

Băn khoăn, học giả nói rằng, thay vì dẹp bỏ, “phố ông đồ” nên được tổ chức và quản lý tốt, để giữ lại một nét văn hóa rất đẹp của Hà Nội xưa. Rồi, nếu có thời gian, những chuyên gia của Viện Hán Nôm cũng nên qua đây thị sát và góp ý, bởi như ông từng nhớ, nhiều “ông đồ” trên phố ấy từng viết vội, viết sai, hoặc cho chữ mà không tường minh về cái nghĩa sâu xa ẩn sau những chữ Thánh Hiền.

Tuổi tác khiến nhà Hà Nội học này ít khi có dịp ra đường trong vài năm gần đây. Thỉnh thoảng, tới thăm em gái trong khu phố cổ, ông vẫn thích được em gái đẩy xe, để hai anh em có một vòng dạo bộ quanh Hồ Gươm. Rồi, như người nhà kể, mỗi dịp đầu Xuân, ông vẫn muốn được tận mắt nhìn những công trình, những kiến trúc mới của Hà Nội mà báo chí từng đưa tin. Chiều bố, gia đình thuê taxi, đưa ông chạy một vòng, ngắm những cầu Thanh Trì, đường cao tốc trên cao, đại lộ Thăng Long hay cả cầu Nhật Tân nữa.

Hà Nội sinh ra Vũ Tuân Sán, để rồi đến lượt học giả ấy lại lấy Hà Nội làm lẽ sống, làm công việc, làm sự say mê thầm lặng của mình trong suốt một thế kỷ qua. Bởi thế, đón cái Tết thứ 101 trong đời, cây đại thụ văn hóa này vẫn có đủ sự háo hức, tươi vui mà không nhàm chán. Ông lấy giấy, rồi run run viết tặng Thể thao & Văn hóa một câu đối cổ:

Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thiêm thọ

Xuân mãn càn khôn, phúc mãn đường

Tạm dịch:

Trời thêm năm tháng, người thêm thọ

Xuân khắp non sông, phúc chật nhà

Vẫn yêu đời, yêu người ở cái tuổi 101, mấy ai được như học giả Vũ Tuân Sán?

Cúc Đường
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...