Nhà báo, nhà thơ Tân Linh: 'Đời dông bão sợ quá nhiều may rủi'
(Thethaovanhoa.vn) - Tân Linh không phải nhà báo nổi tiếng. Anh cũng không phải “người thơ” có nhiều khai phá. Song, trong cả hai lĩnh vực mà mình theo đuổi, Tân Linh đã tạo ra những sự khác biệt đầy bản sắc bằng lối sống và viết quyết liệt, tận hiến. Bởi anh vẫn tự nhủ: “Đời dông bão sợ quá nhiều may rủi.”
An nhiên trước số phận
Nhà thơ Tân Linh |
Thời bình, Tân Linh về làm cán bộ tuyên huấn tại Đắk Lắk. Những tháng ngày ở Tây Nguyên này ảnh hưởng khá lớn đến lối viết của anh sau này. Một trong những người truyền cảm hứng lớn nhất với anh là giọng ca đại ngàn Y Moan.
Tân Linh kể: Những tháng ngày cùng Y Moan phát rẫy là những tháng ngày đáng nhớ.
Y Moan là người dung dị và hoang dã. Tôi nhớ mãi hình ảnh Y Moan cởi trần, đóng khố, hát giữa buôn làng (mà không cần một đồng cát-sê). Với nghiệp viết, tôi nghĩ đó là những người giữa đời thường cần được vinh danh. Và cả bản thân tôi cũng được anh “tiếp lửa” với quan điểm sống và tận hiến.
Sau những tháng ngày ở Tây Nguyên, Tân Linh ra Hà Nội học ở Phân viện Báo chí và tuyên truyền (nay là Học viện Báo chí và tuyên truyền). Đây là những tháng ngày rất khó khăn của anh. “Tân Linh đã xoay xở đủ nghề: xe ôm, xích lô… để trang trải cuộc sống. Nhiều người gặp Tân Linh lái xe ôm còn tưởng anh thâm nhập để viết bài. Nhưng thực tế anh đang mưu sinh” - nhà báo Nguyễn Thế Khoa, TBT Tạp chí Văn hiến Việt Nam cho biết.
Nói chung, Tân Linh gặp nhiều khó khăn nhưng cuộc sống của anh không quá bi kịch. Bởi “trong đời ai cũng gặp những cảnh huống. Nhưng Tân Linh xử lý những cảnh huống với tâm thế an nhiên, nên anh luôn ổn” - nhà báo Hồng Thanh Quang nhận định.
Cuốn “Có lẽ mùa xuân có lý riêng” và “Những tài năng, những số phận” của Tân Linh |
Trở lại với buổi ra mắt sách, hôm ấy Tân Linh vui lắm. Không hoạt ngôn như mọi khi, Tân Linh nói ấp úng, giọng không giấu nổi nỗi nghẹn ngào: Cả hai cuốn sách, tôi muốn ghi lại chân dung những con người. Tập ký chân dung tôi muốn ghi thân phận những người tài hoa phía sau ánh hào quang. Còn tập thơ, tôi muốn phác họa chân dung tôi, nên đa phần là thơ tình, ít thơ thế sự.
“Anh em làm báo chúng ta đi qua cánh đồng bao la cuộc đời, coi con chữ là nghiệp. Và chính con chữ là những dấu vết vô tư và trung hậu chúng ta để lại với cuộc đời” nhà thơ, nhà báo Tân Linh chia sẻ với TT&VH. |
Nói về Tân Linh, nhà báo Nguyễn Thế Khoa nhận định: Tân Linh là tay viết ký chân dung đặc sắc của làng báo. Anh không sa đà vào những nhân vật “hot” của truyền thông. Anh thường đi vào những con người bình dị, tài năng, chưa nổi tiếng. Ví như “báu vật dân gian” Hà Thị Cầu, Tân Linh là số ít những người tìm đến “bu” đầu tiên từ ngày chưa nhiều người biết về “bu”. Hay nhiều nhân vật anh chọn lại qua thời vàng son của sự nghiệp. Với độ lùi thời gian, những đánh giá của Tân Linh về những nhân vật rất công tâm và không thiên kiến.
Theo Tân Linh, con đường làm báo thì rất dài, chẳng ai đo đếm nổi những bước chân. Song qua tập thơ Có lẽ, mùa Xuân có lý riêng anh muốn gom góp những cảm xúc của một đời làm báo xê dịch. Còn tập ký chân dung Những tài năng và những số phận là để ghi lại những con người đã và đang thiết tha với cuộc đời.
“Qua họ, tôi cũng muốn gửi vào đó niềm mến thương vô hạn với cuộc sống” - Tân Linh nói.
Nhà thơ, nhà báo Tân Linh tên thật là Phạm Quang Tính. Ông sinh năm 1952, tại làng Tân Trại, Vĩnh Thành, Vĩnh Linh, Quảng Trị. Tân Linh đã xuất bản 3 tập sách riêng: Tha hương (thơ); Những tài năng - những số phận (ký chân dung); Có lẽ mùa Xuân có lý riêng (thơ). Ngoài ra, Tân Linh còn góp mặt trong nhiều tuyển tập thơ như: Nghìn năm thơ Việt, Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long, Trời Nam thương nhớ… Hiện ông đang công tác ở báo Văn hóa tại Hà Nội. |
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa