A+ A A- Kiểu đọc sách

Nghi vấn mẹ Leonardo Da Vinci là nô lệ người Trung Quốc

08:05 03/12/2014
loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Sử gia kiêm nhà văn Italy Angelo Paratico vừa công bố một nghiên cứu mới gây sửng sốt, cho rằng mẹ danh họa Phục hưng Lenardo da Vinci (1452-1519) có thể là một nô lệ người Trung Quốc.

Paratico đã sống ở Hong Kong trong 20 năm và ông chỉ đưa ra giả thuyết trên sau khi nghiên cứu nhiều tài liệu.

Truy tìm gốc gác phương Đông

Thời gian gần đây, ông đang hoàn tất cuốn sách mang tựa đề Leonardo Da Vinci: A Chinese Scholar lost in Renaissance Italy (tạm dịch: Leonardo Da Vinci: Một học giả Trung Quốc bị lạc ở Italy thời Phục hưng) và hy vọng sẽ xuất bản nó vào năm 2015. Trong cuốn sách này, Paratico truy tìm nguồn gốc mối quan hệ giữa Da Vinci và phương Đông.

Qua tác phẩm mới nhất của mình, Paratico bày tỏ niềm tin rằng mẹ Da Vinci có xuất thân từ phương Đông. Tuy nhiên để khẳng định bà là một người Trung Quốc, ông đã sử dụng phương pháp suy diễn.


Danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci

Người ta vẫn biết cha danh họa là một công chứng viên, còn mẹ ông, bà Caterina, thì không được nhắc tới nhiều. Một số người cho rằng bà là một nông dân địa phương.

Tuy nhiên, Paratico lại ủng hộ một giả thuyết khác hẳn. “Một khách hàng giàu có của cha Da Vinci có một người nô lệ tên là Caterina. Sau 1452, năm Da Vinci chào đời, bà biến mất. Bà không còn làm việc ở đây nữa” – Paratico viết và tin rằng bà Caterina được đưa tới Vinci, cách Florence khoảng hơn 30km, để sinh con. Thời điểm ấy việc quan hệ tình dục với một nô lệ bị xem là không đứng đắn.

Thực ra, các giả thuyết nói rằng mẹ Da Vinci là nô lệ tới từ phương Đông đã từng xuất hiện trong một số tư liệu được tìm thấy năm 2002. Sau đó, vào năm 2007, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Chieti đã nghiên cứu dấu vân tay của Da Vinci và cho rằng nhiều khả năng ông có dòng máu Arab trong người. Năm 2008, các nhà nghiên cứu Italy công bố giả thuyết mẹ ông là một nô lệ.

Đối với Vitor Teixeira, sử gia nghệ thuật đồng thời là Phó giáo sư trường Đại học  St Joseph ở Macau, giả thuyết bà Caterina tới từ Trung Đông dễ chấp nhận hơn ý tưởng cho rằng bà có xuất thân từ Trung Quốc, xét theo nguồn gốc của các nô lệ thời đó, cũng như nét mặt của danh họa.


Nhà tâm lý Áo Sigmund Freud từng cho rằng kiệt tác Mona Lisa là bức vẽ chân dung mẹ Da Vinci

Giới nghiên cứu hoài nghi

Có một câu hỏi được đặt ra là vì sao Paratico lại nghĩ bà Caterina là một người phương Đông? “Trong thời Phục hưng, nhiều nước như Italy và Tây Ban Nha có không ít nô lệ tới từ phương Đông” – Paratico nói.

Ông còn chỉ ra những dấu hiệu khác về "nguồn gốc Trung Quốc" của Da Vinci, chẳng hạn danh họa "viết bằng tay trái, từ trái sang phải". Da Vinci còn là người ăn chay, một thói quen ăn uống không phổ biến đối với người châu Âu thời điểm đó”.

Thêm nữa, người ta có thể tìm thấy nhiều yếu tố phương Đông trong tranh của Da Vinci. Kiệt tác Mona Lisa có thể là chân dung của mẹ ông, như nhà tâm lý người Áo Sigmund Freud từng nhận xét hồi năm 1910. Đằng sau kiệt tác Mona Lisa có một phong cảnh mang đậm hơi hướng Trung Quốc và thậm chí gương mặt nàng Mona Lisa cũng có nét của người Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông nói rằng chỉ qua phân tích mẫu di truyền từ di hài những người thân của danh họa được chôn cất ở Florence, người ta mới có thể giải mã được bí ẩn này.

Ông Paratico còn tin một bức phác họa của Da Vinci đã truyền cảm hứng để người Macau xây dựng công trình nhà thờ Thánh Paul nổi tiếng. Nhà thờ Thánh Paul, có niên đại từ thế kỷ 16, nay chỉ còn là phế tích. Nơi này từng có một quần thể các công trình thuộc về nhà thờ, gồm Đại học Thánh Phaolô và Nhà thờ chính tòa Thánh Paul.

Ngày nay, khu di tích này là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của Macau. Hồi năm 2005, di tích đã được xếp hạng Di sản thế giới chung trong nhóm Khu lịch sử Macau.

Nhiều nhà nghiên cứu đã hoài nghi về các giả thuyết của Paratico. “Tôi tôn trọng giả thuyết của Paratico và đây là một gợi ý thú vị. Song tôi không nghĩ rằng nhà thờ đã được làm theo tranh phác họa của Da Vinci” – sử gia nghệ thuật Cesar Guillen Nunez thuộc Viện Macau Ricci nói.

Còn ông Francisco Vizeu Pinheiro, kiến trúc sư kiêm Phó giáo sư thuộc trường Đại học St Joseph, cho rằng Paratico “đã quá nhanh chóng đi đến kết luận trong khi không có chứng cứ chắc chắn”.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...