loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin bất ngờ: trong phiên đấu giá của sàn Christie’s Hong Kong ngày 28/5, các nhà nghiên cứu Việt Nam đã phát hiện một bức tranh đề là của họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhưng có dấu hiệu rất rõ là tranh giả.
1. Và nhân vật chính trong vụ việc này là ông Jean François Hubert, nhân vật từng liên quan đến vụ trưng bày tranh giả động trời vào tháng 7/2016 tại TP HCM.
Ở thời điểm đó Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức Triển lãm Những bức tranh trở về từ châu Âu giới thiệu 17 tác phẩm (trong đó có tranh của bộ tứ Nghiêm - Liên - Sáng – Phái) nằm trong bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung.
Chất lượng của bộ sưu tập được “chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong” là ông Jean François Hubert đảm bảo. Nhưng ngay sau đó, giới mỹ thuật Việt Nam đã kết luận nhiều bức tranh trong bộ sưu tập này đều là giả.
Để rồi,ngày 28/5 vừa qua, nhà nghiên cứu Phạm Long phát hiện vào ngày 28/5, sàn Christie’s Hong Kong rao bán bức tranh Mơ về một ngày mai (Dream of the following day) ký tên danh họa Tô Ngọc Vân. Trên website Christie đăng kèm bài viết giới thiệu của Jean François Hubert với những lời đảm bảo dành cho bức tranh.
Trả lời báo giới, nhà nghiên cứu Phạm Long cho biết bức tranh ký tên danh họa Tô Ngọc Vân thực ra là tranh chép tác phẩm The Young Beggar (Trẻ ăn mày) của họa sĩ Tây Ban Nha thế kỷ 17 Bartolome Esteban Murillo. Giả dụ Tô Ngọc Vân có chép tranh thì ông cũng sẽ không thể ký tên mình vào bức tranh.
Và, trao đổi với Thể thao & Văn hóa ( TTXVN), các chuyên gia về mỹ thuật Việt Nam đều cho rằng bức tranh trên là tranh giả, cũng như hành vi của Jean François Hubert là trắng trợn.
2. Nhà báo Nguyễn Trọng Chức, thành viên Hội Mỹ thuật TP HCM rất bức xúc. Ông cho rằng Jean François Hubert đã động đến “bàn thờ” của Mỹ thuật Việt Nam.
“Có thể khẳng định dứt khoát bức tranh Mơ về một ngày mai là tranh giả hoàn toàn. Đó là một bức tranh chép tầm thường. Một danh họa như Tô Ngọc Vân không bao giờ vẽ như thế" – ông Chức nói.
"Ông Jean François Hubert đã có hành vi làm giả quá lộ liễu, trắng trợn, coi thường Mỹ thuật Việt Nam. Thiết nghĩ, các hội chuyên ngành, các cơ quan nhà nước có trách nhiệm trong lĩnh vực này nhất thiết phải lên tiếng. Không thể để các sự việc tương tự xảy ra, lặp lặp lại” – ông cho biết thêm.
Ở một góc độ khác, với vụ việc này, họa sĩ Trần Lương cho rằng nền mỹ thuật Việt Nam đang có tội với tiền nhân. Theo lời ông, do tình trạng bản quyền tại Việt Nam vẫn còn hoang dã, chế tài xử lý vi phạm bản quyền về mỹ thuật còn xa vời, nên mới có trường hợp có người đem cả bộ sưu tập tranh giả trưng bày ở bảo tàng mà chúng ta không làm gì được.
Nhà sưu tầm Thái Lan Tira Vanichtheeranont đã làm gì để thuyết phục ông Tô Ngọc Thành, con họa sĩ Tô Ngọc Vân, bán 380 bức ký họa của cha cho một người nước ngoài như ông? Đó là lời hứa làm một cuốn sách.
"Còn chuyện làm giả tranh Việt ở nước ngoài, cá nhân tôi nghĩ, bất kì người Việt nào cũng cảm thấy đau lòng" – họa sĩ Trần Lương nói. "Giới quản lý khi biết sự việc phải tổ chức điều tra, tìm ra giải pháp. Đó mới là có trách nhiệm với mỹ thuật dân tộc”.
Ngoài ra, họa sĩ Trần Lương cũng cho rằng nhiều người tại Việt Nam đổ lỗi cho nhà đấu giá Christie không hẳn là đúng. Bởi, Christie chỉ là đơn vị kinh doanh, họ có cơ sở dữ liệu rất lớn để có thể phát hiện tranh giả. Khi họ nghi ngờ một bức tranh, họ vẫn có thể cho đấu giá, bởi đó là cơ hội để họ xác định nó là thật hay giả. Còn lại, pháp luật sẽ xử phạt rất nghiêm những kẻ đem tranh giả đến phòng tranh đấu giá”.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết gần đây ông có trao đổi với một đồng nghiệp người Pháp, ông này rất bức xúc sao Việt Nam không giải quyết dứt điểm vụ Jean François Hubert.
“Hội Mỹ thuật Việt Nam đã gửi công văn cho Bộ VH,TT&VDL về chuyện các cá nhânnước ngoài trục lợi tranh của danh họa Việt Nam, nhưng tới nay chưa thấy phản hồi. Đây là những vụ việc lớn, rất cần có sự chủ động vào cuộc của Bộ VH,TT&DL cũng như Cục Bản quyền” - ông Đoàn nói.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa
loading...