(Thethaovanhoa.vn) - Ngay sau đêm Beethoven được trình diễn một cách ấn tượng tại tại Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội, nghệ sĩ piano Trang Trịnh cùng chồng - giọng tenor Park Sung Min lại tiếp tục cùng "sánh đôi" trong chương trình CEG số 9 Nơi hội tụ các tài năng âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Cường tối 28/12 tại 52 Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Để lại ấn tượng đặc biệt với chương trình độc tấu piano Nhật ký Dương cầm tại Nhà hát Lớn Hà Nội hồi đầu năm ngoái, năm 2012 này tiếp tục là một năm tràn đầy tình yêu dành cho âm nhạc và cuộc sống của Trang Trịnh. Bên cạnh một dấu ấn cá nhân trong đêm Beethoven đầy cảm xúc, Trang Trịnh đã có những chương trình giao lưu âm nhạc cổ điển gần gũi với khán giả cùng với người bạn đời của mình như chương trình Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hay CEG số 9.
Và dù được trình diễn ở hình thức nào, chương trình nào thì cô luôn có cách “kể chuyện” rất riêng dành cho khán giả.
TT&VH đã có cuộc trò chuyện với cô
Không đơn thuần là chơi lại tác phẩm
* Điều gì khiến chị "trung thành" với lối diễn độc tấu, kết hợp trình diễn và kể chuyện trong mỗi chương trình của mình?
- Điểm mạnh của việc trình diễn độc tấu piano đó là khả năng lên một ý tưởng chương trình (concert programming) với sự tính toán kỹ càng về cảm xúc âm nhạc và mối liên hệ giữa các tác phẩm, hợp lý với trạng thái tâm lý của người biểu diễn cũng như người nghe. Khi kết hợp thế mạnh này với một cốt truyện và hình ảnh hỗ trợ, tôi có thể đến gần hơn với khán giả.
Tôi không đơn thuần là người nghệ sĩ biểu diễn cổ điển, là người chơi lại một tác phẩm đã vài trăm năm tuổi. Đối với khán giả của đêm diễn, tôi có lẽ giống hơn với tư cách một người kể chuyện âm nhạc. Nhạc cổ điển vốn khó gần với người nghe Việt Nam do rào cản tâm lý rằng nó "khó hiểu". Nhưng ai cũng thích nghe kể chuyện. Và, nền văn hoá của bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cùng đều được xây dựng nên bởi những câu chuyện trong cuộc sống.
Cách kể chuyện này khác với việc "giải thích" âm nhạc một cách cứng nhắc và khô khan, vì câu chuyện luôn mang theo trí tưởng tượng và cảm xúc. Vì vậy, tôi muốn sử dụng những câu chuyện rất gần gũi, rất con người của Beethoven để xóa đi rào cản tâm lý trên. Không có gì để "hiểu" khi thưởng thức nhạc cổ điển, vì đó là nơi của cảm xúc và trí tưởng tượng.
Nghệ sĩ piano Trang Trịnh và chồng |
* Chị có nghĩ đến cơ hội thành công lâu dài của cách trình diễn này không ?- Nếu trong Nhật ký Dương cầm, tôi sử dụng hình ảnh trừu tượng thì trong đêm diễn Beethoven vừa qua, người dẫn chương trình và đạo diễn hình ảnh Nguyễn Đức Tú tương tác trực tiếp với âm nhạc của tôi, tạo nên một câu chuyện sống động hơn trên sân khấu. Đối với những khán giả trẻ hiện đại, việc tạo ra một không gian nghệ thuật nơi họ có thể "nhìn" lẫn "nghe" là điều rất quan trọng. Tư duy của con người hiện đại đã bị ảnh hưởng rất lớn từ kỷ nguyên kỹ thuật số, tivi và mạng xã hội.
So với tư duy "nghe" của thế kỷ 18, 19, người trẻ hiện đại có tư duy "nhìn" mạnh mẽ hơn nhiều. Vì vây, phương pháp biểu diễn nghệ thuật cũng cần phải được thay đổi để phù hợp với sự thay đổi của xã hội hiện đại.
Chỉ cần nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ thấy hàng loạt các MV (music video) nhạc cổ điển với độ đẹp không thua kém các nghệ sĩ pop. Các chương trình biểu diễn sáng tạo của Leif-ove-Adsnes và Lang Lang, Yoyo-ma chẳng hạn. Tôi tin là nếu mình tiếp tục thử, tìm hiểu và cố gắng, Tôi sẽ tìm thấy và đến được với một lớp khán giả mới của nhạc cổ điển.
Hôn nhân luôn có sự lãng mạn
* Được biết chị mới lập gia đình và chồng chị không ai xa lạ: nghệ sĩ giọng nam cao Park Sung Min. Chị có thể chia sẻ gì về một gia đình mà cả hai cùng làm nghệ thuật?
- Có rất nhiều điều mới mẻ trong cuộc sống hôn nhân. Tôi may mắn có không chỉ một, mà bây giờ là hai gia đình cùng hỗ trợ trong công việc phát triển sự nghiệp. Chồng tôi cũng là một nghệ sĩ cổ điển, vì thế cả hai có nhiều điểm chung và rất hiểu những đòi hỏi khắt khe của công việc này.
* Có khi nào vì gia đình mới cũng cần có thời gian chăm sóc mà chị phải bớt đi một số việc yêu thích thời độc thân không?
- Dĩ nhiên tôi không còn có thể dành quá nhiều thời gian cho bản thân mình, phải sống có trách nhiệm hơn với những công việc thường ngày. Điều này đôi lúc cũng không dễ dàng vì người nghệ sĩ luôn muốn có khoảng không gian của riêng mình, đôi lúc muốn đến bến tàu mua vé đi đến một nơi nào đó thật đẹp, thật xa để tập trung làm việc. Nhưng không thể bỏ trống vị trí của một người vợ trong gia đình được.
Tuy vậy, cả hai người luôn dành cho nhau một khoảng không gian nhất định để nuôi những đam mê nghệ thuật riêng. Có lẽ không được ngăn nắp, ổn định như những gia đình khác, nhưng cuộc sống hôn nhân của tôi vẫn có sự lãng mạn đặc trưng của gia đình nghệ thuật (cười).
* Trong thời gian tới, vợ chồng chị sẽ tiếp tục đứng chung sân khấu như các chương trình mà hai người đã tham gia vừa qua?
- Chắn chắn là như thế. Tôi cũng đang ấp ủ một chương trình biểu diễn cho hai vợ chồng và hy vọng sẽ sớm có cơ hội được phục vụ khán giả. Năm 2013 sẽ tiếp tục là một năm mà tôi sẽ làm việc hết sức mình để đến với khán giả bằng những đêm diễn và sản phẩm giáo dục âm nhạc có giá trị.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Ngọc Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa