Nghệ sĩ piano Phó An My: Lại sắp 'điên' với tuồng 'Lửa thiêng'
Có nhiều người cho rằng Phó An My bị “điên” còn với chị, có lẽ nếu không “điên” theo cách của riêng mình thì không thể gìn giữ những giá trị quý báu của âm nhạc Việt Nam đang dần mai một.
* “Lửa thiêng” đã từng được chị nhắc đến cách đây nhiều năm nhưng đến giờ mới có dịp ra mắt?
- Một dự án luôn cần có duyên mới làm được vì nhiều khi đang làm dở, lại bị chi phối bởi nhiều yếu tố. So với lần công bố năm 2008, bản diễn chính thức lần này có nhiều sự thay đổi, hiện đại hơn dù hình thức vẫn là khí nhạc cổ điển ở giai đoạn hậu cận đại. Là một vở diễn sân khấu nhưng phần sân khấu sẽ tối giản với hai màu đỏ, đen và chú trọng vào phần âm nhạc.
Sẽ có 8 nghệ sĩ trên sân khấu, trong đó 4 nghệ sĩ chơi nhạc cụ là tôi, NSƯT Ngọc Khánh (kèn bóp), NSƯT Văn Quý (trống chiến), Xuân Hòa (bộ gõ giao hưởng). 4 diễn viên có lúc hát nói, có lúc khóc cười cùng tôi là đại diện 4 nhân vật, lão Tạ (NSƯT Nguyễn Văn Thủy) - ông tướng về hưu cùng với 3 người con: Phương Cơ (NSND Hương Thơm), Tư Cung( NSƯT Xuân Quý), Kim Hùng (NS Chu Quang Cường).
* Đến thời điểm này, chị có còn hi vọng khán giả sẽ đón nhận chương trình của mình vì sự tò mò nữa không?
- Thực ra, chương trình của tôi cũng như nhiều chương trình khí nhạc cổ điển trên thế giới, nên xác định trước là chỉ có thể thu hút khoảng 40% người nghe. Tuy nhiên, năm 2011 vở Bóng cũng không được diễn nhiều nên tôi nghĩ sẽ còn những khán giả chưa xem, hoặc có những người xem rồi nhưng vẫn rất tò mò xem lần này tôi làm có gì mới không. Chưa kể, tôi đang đi độc lập một con đường riêng nên chuyện khơi gợi sự tò mò là chắc chắn có rồi.
* Những năm qua theo đuổi một con đường riêng, chị có thấy cô đơn?
- Không. Tôi thích âm nhạc truyền thống và trân trọng những nghệ nhân vẫn yêu nghề đến bây giờ - khi mà âm nhạc truyền thống không còn nhiều đất dụng. Nhưng tôi lại không phải “dân” truyền thống, bảo tôi ngồi nghe một vở tuồng kéo dài ba tiếng chắc tôi cũng ngất. Nên tôi chỉ có thể lấy được những hơi thở đẹp của âm nhạc truyền thống đến với khán giả theo cách của mình. Tôi muốn đưa đến một sự hiểu biết súc tích, ngắn gọn nhất về bản chất của từng thể loại âm nhạc truyền thống, từ chầu văn, chèo, tuồng, chúng hay ở điểm nào để giới thiệu chúng đến với mọi người.
Và tôi nghĩ rằng, bất cứ ở thời kỳ nào của âm nhạc Việt Nam, đều có những cái hay mà nếu chưa nghe, hoặc chỉ nghe kiểu “nhạc cổ điển khó nghe lắm” chẳng hạn, thì vô tình, mỗi chúng ta tự giới hạn khả năng cảm nhận âm nhạc của mình, chỉ vì mình chưa chịu nghe mà thôi.
* Vậy còn chuyện chị từng chia sẻ muốn bỏ đi buôn gỗ vì âm nhạc thì sao?
- À, đơn giản là cuộc sống vẫn là cuộc sống, vẫn phải có việc nọ việc kia. Việc có thêm nghề tay trái để mưu sinh vì gia đình với ai cũng là điều bình thường. Nói tôi đi buôn gỗ cũng không hẳn thế. Là vì trước đây, ông ngoại tôi là họa sĩ nên nhà có xưởng gỗ lớn và từ bé tôi rất thích những sản phẩm nội thất từ gỗ. Đó cũng là nghệ thuật, là cái đẹp nên tôi tham gia thêm.
* Trong chương trình lần này, chuyện bán vé có còn là bài toán khó với chị nữa không?
- Lần này cũng thế thôi, nhưng tôi đã rút kinh nghiệm so với lần trước là làm sớm hơn để đỡ vất vả hơn và hy vọng sẽ thuận lợi hơn.
* Còn việc tiếp tục đưa vở diễn lần này vào phương Nam như chị đã từng làm với show Bóng thì sao?
- Điều này tôi đang cân nhắc!
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện! Vở piano tuồng Lửa có nội dung dựa theo kịch bản của nhà thơ Lương Tử Đức, vở tuồng cổ Ngọn lửa Hồng Sơn (thế kỷ 17), xuất phát từ vở tuồng cổ khuyết danh Tam Nữ Đô Vương có 4 phần: 1. Lão Tạ (Old Man Named Ta); 2. Cha con (Fatherhood); 3. Quăng gươm (Throwing Sword); 4. Lửa (Fire). Trước khi vào 4 phần này là Khúc khởi nhạc (Ouverture).
Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa