A+ A A- Kiểu đọc sách

Nghệ sĩ Bùi Công Duy: Không có tiền, nghệ thuật khó tồn tại

14:50 04/06/2012
loading...

(TT&VH) - Gần đây, ai gặp Bùi Công Duy cũng thấy anh bận rộn hơn trước rất nhiều. Không chỉ chấm thi, lên sân khấu và giảng dạy, anh còn tất bật cả với những công việc tưởng như chẳng liên quan đến một người nghệ sĩ vốn chỉ quen với cây đàn như lên lịch chương trình, dàn dựng tổ chức, xin tài trợ cho đến việc bán vé.

Hai trong số các dự án anh đang tham gia tổ chức và biểu diễn là mô hình âm nhạc cổ điển của Hà Nội Ensemble do các giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia (ÂNQG) biểu diễn đã thực hiện được đến số thứ 3 vào giữa tháng 5 vừa qua. Tiếp đó là sự kiện nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker sẽ ra mắt công chúng Việt Nam trong 3 đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tháng 7 tới. Đặc biệt, các chương trình này đều được thực hiện từ nguồn ngân sách phi chính phủ.



Sẽ quá sớm để nói về sự thành công của Hà Nội Ensemble với 3 chương trình dù với giá 200 000 đồng/vé nhưng toàn bộ vé đã được bán sạch trong đêm 19/5 có thể xem đó là tín hiệu vui khi cách làm này đang được công chúng đón nhận.

Xã hội hóa để đến gần công chúng

* Mới bước chân vào thế giới của "tổ chức sự kiện" mà anh đã mời ngay được một dàn nhạc tầm cỡ như dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker. Xem ra, anh không chỉ có khả năng biểu diễn hay giảng dạy thôi nhỉ?

- Nói như vậy thì to tát quá. Cũng vì một phần tôi gặp may mắn khi nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều cộng sự trong sự kiện này. Đây là một dự án hoàn toàn phi chính phủ nên rất vất vả trong mọi khâu tổ chức. Từ nghiên cứu thị trường, thăm dò thông tin, sắp được lịch để có thể mời dàn nhạc sang Việt Nam đã mất đến 2 năm. Có những lúc tôi cảm thấy không làm được vì quá nhiều việc phải lo, nhất là về kinh phí.

* Vậy còn việc tạo dựng Hà Nội Ensemble, có đơn giản hơn không?

- Đơn giản cũng có mà không đơn giản cũng có. Đơn giản là khi thực hiện dự án này các thành viên của Hà Nội Ensemble rất thoải mái về tâm lý vì chúng tôi làm bởi sự yêu thích.

Dự kiến chúng tôi sẽ thực hiện khoảng 4 số một năm, với những hình thức biểu diễn như: tam tấu, tứ tấu, song tấu piano hay opera (chủ yếu là trích đoạn) trong không gian thưởng thức quy mô vừa phải khoảng 200 - 300 chỗ như phòng hòa nhạc của Học viện ÂNQG, hội trường L'Espace, Không gian Việt. Hiện nay chúng tôi đang phải lên khung serie chương trình bằng một dự án dài hơi để tìm kiếm tài trợ cho những chương trình kế tiếp.

* Điều gì khiến anh lựa chọn phương thức xã hội hóa cho âm nhạc cổ điển?

- Tôi thấy rằng, muốn nâng cao dân trí âm nhạc thì cách đi nhanh nhất chính là xã hội hóa. Xã hội hóa là làm mọi thứ thành dễ, mang đến những gì khán giả dễ đón nhận và âm nhạc cũng sẽ không có sự lựa chọn nào hay hơn là đi theo con đường này. Hiện nay, các nước trong khu vực họ cũng đã làm như vậy rất nhiều rồi. Bản thân đào tạo âm nhạc hàn lâm rất khó, nhưng xã hội hóa là để âm nhạc đến với cuộc sống, để những ai yêu âm nhạc đều có thể học được chứ không phải muốn học là cứ phải vào trường chuyên nghiệp hay học là phải để trở thành một cái gì đó.


Các giảng viên trong nhóm Hà Nội Ensemble

Liều có cơ sở

* Tìm kiếm tài trợ ở thời điểm kinh tế đang suy thoái như hiện nay, có lẽ không được dễ dàng?

- Đúng là khi kinh tế khó khăn thì đời sống tinh thần cũng bị kéo theo. Nhưng mình không làm thì sẽ không có cơ hội phát triển, chỉ dậm chân tại chỗ. Chương trình Hà Nội Ensemble tuy cũng có những khó khăn như vậy nhưng chi phí để thực hiện chương trình trong khuôn khổ nhỏ thì không phải quá lớn đối với một số các doanh nghiệp.

* Dù sao, vẫn là một sự mạo hiểm...

- Tôi là người lạc quan ngay cả khi... sắp chết, nên không có gì mạo hiểm cả (cười lớn). Trong tất cả các công việc mình đã làm, tôi nhận thấy nếu không có máu liều thì không làm được.

Trong những công việc tôi đang làm hiện nay, nếu nói liều thì tôi liều có cơ sở cũng như có lý do để lạc quan. Không tính đến hai chương trình đầu diễn ra để thử nghiệm, chương trình thứ 3, với giá vé 200.000 đồng, chúng tôi bán hết. Quan trọng là khán giả phản hồi tốt thì không có lý do gì để bi quan.

* Như đã từng chia sẻ với TT&VH, trở thành một người đa năng với anh là một điều có ý nghĩa. Vậy, tham gia ở lĩnh vực tổ chức sự kiện anh thấy thế nào?

- Cuộc sống hấp dẫn tôi từ nhiều khía cạnh. Khi tham gia vào tổ chức biểu diễn, lúc đầu tôi cũng bở ngỡ nhiều lắm. Nhưng dần dần lại thấy mình "gặt hái" được những bài học miễn phí từ những cộng sự chuyên nghiệp, được khám phá trong lĩnh vực giải trí, hoạt động. xây dựng chương trình, xin tài trợ...  Làm gì cũng thích nên tôi có cảm giác mình như cá trong bể.

Và có dấn thân vào lĩnh vực này, tôi lại càng thấy làm gì cũng phải đi xin tiền vì không có tiền thì không làm được. Nhưng bù lại, những hoạt động  này khiến mình không bị áp lực bó buộc bởi một công việc nhất định, Đó cũng là cách cân bằng trong cuộc sống của tôi...

* Vậy theo anh, khi không có tiền, nghệ thuật sẽ... đi về đâu?

- Chắc là sẽ khó để có thể tồn tại và phát triển lâu dài.

* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!

Lam Ngọc


loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...