(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay ở Việt Nam, nhiều trí thức trong thành phố đã về trang trại làm... nông dân trồng rau. Sự lựa chọn này, thật đáng ngạc nhiên, cũng đang là xu hướng ở một số nơi trên thế giới. Ta có thể nhìn thấy điều này khi xem bộ phim tài liệu Ngày mai của minh tinh Mélanie Laurent và nhà hoạt động môi trường Cyril Dion (Pháp).
Không lấy viễn cảnh thế giới bị hủy diệt để "dọa" và thức tỉnh con người như những bộ
phim tài liệu đi trước đã làm,
Ngày mai đi theo hướng chỉ ra những sáng kiến ứng phó biến đổi khí hậu tuyệt vời ở nhiều nước, cho khán giả niềm tin rằng những cá nhân, những nhóm nhỏ hoàn toàn có khả năng thay đổi thế giới. Bộ phim truyền cảm hứng cho chúng ta chung tay hành động thay vì sợ hãi, bất lực.
Những ai đã từng xem bộ phim tài liệu Food, Inc, hẳn sẽ không khỏi rùng mình về nguồn thức ăn mà các tập đoàn lớn đang cung cấp cho toàn thế giới.
Những trang trại nuôi gà quy mô lớn, mà con gà cả đời không nhìn thấy ánh nắng mặt trời sẽ cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến những cái ức gà với kích cỡ đều tăm tắp. Những trang trại nuôi bò khổng lồ, mà con bò đứng ngập chân trong phân, gần như không có khả năng di chuyển, sẽ là nguồn "thịt sạch" cho siêu thị. Bộ phim đó đã khiến khán giả khiếp sợ, nhưng không thể phủ nhận đây là một cách thức hữu hiệu để thức tỉnh thế giới.
Bốn nhà làm phim “Ngày mai” rong ruổi khắp thế giới tìm những sáng kiến tuyệt vời để bảo vệ môi trường "Tôi muốn con tôi sống trong thế giới tốt hơn"
Ngày mai đi theo con đường khác hẳn. Những người thực hiện nó nghĩ rằng điện ảnh ngày nay đã cung cấp quá đủ những bộ phim khiến con người lo lắng với viễn cảnh Trái đất trở thành hoang mạc, con người biến thành xác sống (zombie)... Họ nghĩ rằng con người cần niềm tin, cần bắt tay vào hành động thay vì tê liệt vì sợ hãi.
Nữ diễn viên đa tài người Pháp Mélanie Laurent, người từng tham gia các bộ phim Hollywood gần đây như Inglourious Basterds, Now you see me đã được nhà hoạt động môi trường Cyril Dion thuyết phục đồng đạo diễn bộ phim Ngày mai.
Cyril Dion đã cung cấp cho Mélanie Laurent tài liệu nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature năm 2012 của tác giả Anthony Barnosky và Elizabeth Hadly. Tài liệu đó dự báo năm 2100 một phần nhân loại có thể sẽ biến mất vì vấn nạn môi trường.
Trong bài trả lời phỏng vấn, Mélanie Laurent cho biết thời điểm đó cô đang mang thai, cô đã khóc và "nguyền rủa" Cyril Dion đẩy cô xuống đáy cùng tuyệt vọng. Nhưng sau đó cô nhận ra kịch bản của bộ phim vô cùng tích cực, điều đó thúc đẩy cô thực hiện bộ phim vì muốn "con cái được sống trong một thế giới tốt đẹp hơn".
Nữ diễn viên Mélanie Laurent (phải) và nhà bảo vệ môi trường Cyril Dion đồng đạo diễn phim "Ngày mai". Còn nhà hoạt động môi trường Cyril Dion, người từng đi nói chuyện rất nhiều về thảm họa môi trường cho biết anh bị ám ảnh phải tìm ra một ý tưởng khiến mọi người cùng chung tay xây dựng tương lai thay vì sợ hãi, bất lực trước biến đổi khí hâu.
Ngoài phần kinh phí do Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ, để giữ được sự khách quan, độc lập, nhóm Ngày mai đã huy động vốn cộng đồng (Crowdfunding). Họ đã thu về về 45.000 Euro, chiếm khoảng 1/3 tổng kinh phí sản xuất phim. Bộ phim quay trong vòng 4 tháng, ra mắt vào năm 2015 đã được đề cử hạng mục Phim tài liệu hay nhất của giải Lumiere 2016, đoạt giải César Phim tài liệu hay nhất năm 2016.
Phim Ngày mai (giải César Phim tài liệu hay nhất năm 2016) đã được trình chiếu tại Việt Nam vào ngày 13/7/2016 tại Trung tâm Văn hóa Pháp - l'Espace (24 Tràng Tiền, Hà Nội). Rất tiếc, hiện Trung tâm này chưa có kế hoạch chiếu lại. |
Nhóm làm phim 4 người trong đó có Cyril Dion, Mélanie Laurent đã từ Pháp qua Ấn Độ, Mỹ, Đan Mạch, Phần Lan, Bỉ, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Iceland vàđảo Réunion để tiếp xúc với những người tiên phong, đã tái sinh ngành nông nghiệp, năng lượng, kinh tế, giáo dục và dân chủ.
Họ đã cho khán giả thấy những nông dân, giáo viên, nhà nghiên cứu trong các thành phố lớn, các thị trấn nhỏ ở khắp nơi trên thế giới đã sáng tạo thế nào trong việc chống biến đổi khí hậu, đối phó với tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng kinh tế nói chung.
Thay vì rao giảng về biến đổi khí hậu, về mối đe dọa hủy diệt toàn cầu, Ngày mai đem tới sự lạc quan, niềm tin vào những giải pháp có thật. Với hình ảnh đẹp, âm nhạc rất hay, dàn nhân vật thông minh, dí dỏm và khiêm nhường, Ngày mai là một bộ phim tài liệu thú vị không thể rời mắt, càng xem càng tỉnh ngộ.
Sự thật trái ngược với những gì chúng ta biết
Ngày mai đã chỉ ra một thực tế, tập trung nông nghiệp ở quy mô lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn công nghiệp lợi bất cập hại.
Ở Mỹ, vì sản xuất nông nghiệp tập trung, nên thực phẩm phải di chuyển 2400 km mới đến được tay được người tiêu dùng. Sản xuất nông nghiệp kiểu này sẽ cần rất nhiều xăng dầu, thuốc trừ sâu, phân bón (sản phẩm làm từ dầu mỏ). Nền nông nghiệp phụ thuộc vào dầu mỏ sẽ gây hại nặng nề cho môi trường.
Rất nhiều nơi trên thế giới đã từ bỏ dầu mỏ, chuyển sang dùng năng lượng mặt trời, địa nhiệt, điện gió - nguồn năng lượng sạch, sẵn có.
Bộ phim Ngày mai cho khán giả thấy tại Đan Mạch, người dân đầu tư vào điện gió còn lãi hơn gửi tiền vào ngân hàng. Paris (Pháp), Copenhagen (Đan Mạch) từ lâu đã nhận ra nghịch lý: một chiếc ô tô 1500 kg chở một người nặng 70 kg là quá tốn diện tích đường; càng mở rộng đường, càng gia tăng xe cộ. Do đó hai thủ đô này đã dần chuyển sang đi xe đạp, với những giải pháp tiện ích cho người dân.
Hiện nay ở Việt Nam vẫn duy trì mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Nhiều trí thức trong thành phố đã chuyển nghề sang làm... nông dân trồng rau. Sự lựa chọn này đang là xu hướng ở một số nơi trên thế giới.
Phim Ngày mai chỉ ra 70% nguồn thực phẩm nuôi sống nhân loại hiện nay đến từ các trang trại nhỏ trên thế giới, chứ không phải các khu nông nghiệp tập trung. Tại Normandy (Pháp), một luật sư chuyển nghề trồng rau đã tạo ra một trang trại liên canh, theo phương pháp nông nghiệp sinh thái cho năng suất gấp đôi so với các trang trại kiểu "công nghiệp" hiện nay.
Ngày mai đã cho thấy ở Anh, có những địa phương phát triển hệ thống tiền tệ riêng, tạo sự vững mạnh cho cộng đồng, hay hệ thống giáo dục ưu việt Phần Lan, hay công nghệ tái chế rác thải tuyệt vời của thành phố San Francisco (Mỹ)...
Ngày mai cho thấy những cộng đồng tại khắp nơi trên thế giới không đã không chịu "bó tay" trước biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường.
Cuối bộ phim Ngày mai, lời nhắn nhủ của học giả Ấn Độ, nhà hoạt động vì môi trường Vandana Shiva sẽ khiến nhiều người phải suy nghĩ: nguyên tắc phát triển số một mà con người cần tuân theo, đó là phải tôn trọng tự nhiên.
Bộ phim gây kinh ngạc Trên trang dữ liệu phim nổi tiếng thế giới IMDb, Ngày mai được chấm 8,2 sao (trên thang 10 sao). Bộ phim đã nhận được những phản hồi đầy tích cực: "Những nhân vật trong phim thật khiêm tốn và tuyệt vời. Một số người trong đó rất nổi tiếng như Pierre Rabhi, Vandana Shiva, nhưng họ không xuất hiện trong phim như những người hùng mà họ ở đó để hướng dẫn, chỉ cho chúng ta những sáng kiến mới. Âm nhạc hay và những hình ảnh đẹp là điểm cộng của phim. Bộ phim cho thấy chúng ta phải chung tay vì trái đất và chúng ta có thể" (Người dùng tên Valentynne đến từ Pháp) "Không còn nghi ngờ gì nữa, đây là bộ phim tài liệu xuất sắc, truyền cảm hứng. Bộ phim đã cung cấp rất nhiều thông tin, những ví dụ tuyệt vời về các thành phố, các ngôi trường, các cá nhân có thể làm những gì cho môi trường. Khi bộ phim kết thúc tất cả chúng tôi đã đứng dậy vỗ tay. Đây thực sự là một bộ phim Phải xem, dành cho những người muốn có một tương lai cho con em của họ". (Người dùng tên Commenterprise từ Canada) |
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần