Modern Talking đến Việt Nam: 'Hanoi is calling'
(Thethaovanhoa.vn) - Việc Modern Talking đến Việt Nam đã làm nức lòng nhiều công chúng hâm mộ ban nhạc này. Như một bài Hit ngày xưa rất được yêu thích của họ, Atlantis Is Calling (S.O.S. For Love) thì giờ đây, bài này nên chuyển thành Hanoi is Calling.
Nếu như Boney M. đã đến Việt Nam không dưới 3 lần thì đây là lần đầu tiên Modern Talking đến đây. Có một điểm chung giữa 2 nhóm nhạc nổi tiếng này là họ đều đến Việt Nam khi mà đội hình nguyên thủy hầu như không còn.
Nếu như Boney M. chỉ còn mỗi Liz Mitchell thì giờ đây Modern Talking chỉ còn một nửa biên chế, là Thomas Anders.
Nhiều người nói rằng, nếu ca khúc You're my heart, You're my soul được xem là bài hát thành công nhất của Modern Taking thì vai trò của Thomas Anders chính là heart (trái tim), người còn lại, Dieter Bohlen, chính là soul (linh hồn). Nhưng dù chỉ có một nửa Modern Talking đến Việt Nam thì vẫn đủ sức để làm những công chúng ưa thích hoài niệm chuẩn bị sẵn cho mình một đêm nhạc được chờ đợi từ lâu.
Modern Talking tượng trưng cho một thời âm nhạc sôi động, một thời những giai điệu của Europop phủ khắp các vũ trường, hàng quán, từ châu Âu đến châu Á, từ Berlin đến Hà Nội... Họ là nhóm nhạc Pop thành công nhất nước Đức và đến bây giờ, sau những lần tái hợp rồi lại tan vỡ, Modern Talking vẫn là nhóm nhạc luôn luôn được yêu mến.
Đình đám
Mọi
chuyện bắt đầu vào năm 1984 khi tay hát chính của nhóm Sunday, Dieter
Günter Bohlen, muốn thử sức mình trong vị trí ông bầu kiêm sáng tác đã
quyết định thành lập một nhóm nhạc 2 người trong đó Bohlen giữ vai trò
linh hồn, người còn lại sẽ hát chính.
Nhóm
nhạc có cái tên khởi thủy là Modernes Gesprach nhưng thành viên của nó
vẫn còn phải đi tìm. Cho đến mùa thu 1984, một anh chàng nhìn khá trung
tính, tóc đen, dài, lông mi rậm, nhân trung sâu đến phòng thu tìm gặp
Bohlen và ngỏ lời muốn tham gia dự án này.
Sau khi nghe demo, Bohlen
quyết định nhận chàng trai 21 tuổi ấy vào nhóm và đổi tên của anh ta,
Bernd Weidung, thành Thomas Anders. Sau cùng cả hai cũng quyết định đổi
tên nhóm thành Modern Talking cho hợp với những sáng tác bằng Anh ngữ
của nhóm và cũng để nhen nhóm giấc mơ được nổi tiếng ra bên ngoài biên
giới.
Thời điểm ấy Thomas Anders sống trong một gia đình rất khá giả và
bố mẹ anh quyết định cấm con trai mình đi hát. Đáp lại, Thomas “thề” sẽ
chỉ về nhà khi đã 25 và không làm nên trò trống gì với sự nghiệp âm
nhạc.
“Tôi nghĩ, không gì tồi tệ hơn khi lúc về già mà phải ấm ức một điều: ta đã để lại phía sau một ước mơ mà tuổi tác không cho phép thực hiện được nữa”. May mắn cho anh, vừa bước chân vào Modern Talking chưa lâu thì lập tức nhóm đã nổi như cồn và Modern Talking được xem là nhóm nhạc dance Pop hấp dẫn nhất của Đức, thậm chí còn vượt cả Boney M.
Modern Talking thời hoàng kim những năm 80
Ngày 29/10/1984, Modern Talking phát hành đĩa đơn đầu tay You’re My Heart, You’re My Soul
và lập tức đĩa đơn này đã khai hỏa cho sự nghiệp rực sáng của họ. Ca
khúc đứng vị trí quán quân ở 35 quốc gia, 25 tuần liên tiếp đứng đầu
bảng xếp hạng ở Đức, bán 8 triệu bản trên toàn thế giới và ở đâu người
ta cũng hát bài này, từ giới trung niên tới các em nhỏ.
Giới thanh niên thì khỏi phải bàn, từ đám cưới cho đến các vũ trường, hàng quán…, những giai điệu nghe thì rất cơ bản ấy nhưng có một ma lực khủng khiếp đã khiến giới trẻ không thể ngồi yên.
You’re My Heart, You’re My Soul trở
thành một hiện tượng và đưa Modern Talking trở thành nhóm nhạc số một ở
châu Âu. Chương trình ca nhạc Peter’s Pop Show 1985 đã đông nghẹt người
xem truyền hình khi 2 chàng trai Modern Talking xuất hiện. Một người
tóc vàng, mặc đồ da cực kỳ nam tính với cây guitar điện thường trực, nụ
cười làm các cô gái mê mẩn; người còn lại, với giọng hát mềm mại như thể
thần Ái tình giương cung chiếm lấy trái tim người mộ điệu.
Cả hai bổ
sung cho nhau như thể họ sinh ra để trở thành những kẻ tiên phong (sau
này Thomas Anders tuyên bố anh và Bohlen chưa bao giờ là bạn nhưng tuyên
bố đó được đưa ra khi Modern Talking đã rã đám). Album đầu tay của họ The 1st Album bán chạy như tôm tươi, đó còn chưa kể single You Can Win If You Want cũng gây đình đám khắp nơi.
Nhưng
cũng cần phải nói rõ, nhạc của Modern Talking thành công vang dội nhưng
chưa bao giờ họ được đối xử công bằng ở Anh và Mỹ khi ở cả 2 thị trường
này Modern Talking chưa bao giờ len vào nổi. Ở Anh, họ chỉ một lần duy
nhất lọt vào Top 10 với ca khúc Brother Louie (1986, thứ 4). Còn ở thị
trường Mỹ thì họ hầu như không được biết đến (chưa bao giờ xuất hiện
trên các bảng xếp hạng).
Nhưng
chuyện đó chẳng khiến Modern Talking quan tâm, họ có hàng triệu fan ở
châu Âu, châu Á, Nam Mỹ và một số nước châu Phi.
Năm 1985, sau thành
công vang dội với album đầu tay, nhóm nhạc này tung ra album tiếp theo Let’s Talk About Love và đây lại là một thành công tiếp theo của họ. Các single từ album này như Cheri, Cheri Lady (đứng số 1 tại 11 quốc gia), Heaven Will Know…
lại tiếp tục làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng, đài phát thanh
suốt hơn 20 tuần liên tiếp, các chuyến lưu diễn của Modern Talking luôn
đầy ắp khán giả và họ có mặt hầu như thường xuyên trên truyền hình châu
Âu.
Năm 1986, Modern Talking cho ra đời thêm 2 album Ready For Romance và In The Middle Of Nowhere, album nào cũng lại là một thành công đáng kể. Những ca khúc như Brother Louie (8 tuần đứng vị trí thứ 4 tại Anh), Atlantis Is Calling (rất được yêu thích tại Iran, nơi mà các nhóm nhạc phương Tây bị “cấm nhập” từ năm 1979), Geronimo’s Cadillac, Give Me Peace on Earth… xuất
hiện ngập tràn trên các đài phát thanh công cộng và hai chàng ca sĩ này
trở thành những nghệ sĩ giàu nhất nước Đức. Chỉ tính đến năm 1988,
Modern talking đã bán được 85 triệu đĩa, là nhóm nhạc người Đức duy nhất
có năm đĩa đơn đứng số một liên tiếp tại Đức, có hơn 75 đĩa vàng. Năm
2003 thì tổng số đĩa bán ra của Modern Talking là… 120 triệu và nhờ đó
họ trở thành ban nhạc Đức có lượng đĩa tiêu thụ nhiều nhất trong lịch
sử, trên cả Scorpions, Snap!, Boney M, Sandra, Rammstein...
Sang
đến năm 1987, Modern Talking bắt đầu có những dấu hiệu rạn nứt. Nhưng
tất cả được bưng bít để nhóm vẫn đoàn kết cho ra 2 album cuối cùng, Romantic Warriors và In the Garden of Venus. Có thể nói đây là hai album thành công tương đối, single được nhớ nhất là Jet Airliner nhưng không đình đám như xưa.
Giữa năm 1987 Modern Talking bất ngờ tan rã chỉ sau chưa đầy 3 năm làm mưa làm gió.
Làm ít hưởng nhiều
Ngay từ đầu người ta đã thấy có độ vênh của Modern Talking khi hầu như tất cả những ca khúc của nhóm chỉ do một mình Dieter Günter Bohlen sáng tác còn Thomas Anders chỉ viết và hát mà thôi. Nhưng nhiều nhà phê bình cho rằng giọng hát của Thomas quyết định đến 60% thành công của Modern Talking. Chính vì điều ấy những bất hòa tạm thời được gỡ bỏ nhưng vẫn âm ỉ cháy trong lòng Bohlen.
Thomas Anders và người vợ đầu tiên, Nora Balling, người bị xem là nguyên nhân khiến Modern Talking tan rã lần đầu tiên năm 1987
Năm
1987, sau khi chia tay Modern Talking để thành lập nhóm nhạc mới, Blue
System, Bohlen có tâm sự rằng nguyên nhân sâu xa là do có sự xen vào của
một nhân vật thứ ba, Nora-Isabelle Balling, người mẫu tiếng tăm ở Đức
đồng thời là vợ của Thomas Anders.
Người ta đồn cô người mẫu này thọc
tay rất sâu vào nội bộ Modern Talking, thậm chí điều hành tour diễn, ra
album của nhóm, lấn lướt quyền ông bầu của Bohlen và rất có thể Balling
cũng dính dáng tình cảm với Bohlen.
Thomas biết nhưng rất yêu chiều vợ
(lúc nào anh cũng đeo mặt dây chuyền có chữ Nora trên cổ) và càng ngày
Balling càng tỏ rõ quyền lực của mình. Bên cạnh đó, Bohlen làm việc như
điên và lo chăm chút cho tương lai của nhóm. Ngược lại, Thomas Anders,
với thành công quá sớm nên chểnh mảng tập luyện và suốt ngày chỉ chăm
chú vào thời trang. Đến lúc không thể chịu nổi nữa, Bohlen quyết định
dứt áo ra đi cho dù trong tay anh còn rất nhiều ca khúc vẫn có thể giúp
Modern Talking giữ danh tiếng thêm một thời gian dài.
Đáp lại cái vẫy
tay chào tạm biệt của người bạn, Thomas trả lời báo chí “giữa chúng tôi
chưa bao giờ có một tình bạn”. Sau đó cả hai có lên báo cãi nhau ầm ĩ và
quyết định sẽ không bao giờ nhìn mặt nhau nữa.
Chia
tay Modern Talking, Bohlen thành lập ban nhạc Blue System với phong
cách phối âm tương tự như nhóm cũ và tiếp tục gặt hái thành công. Ngoài
ra anh còn làm ông bầu cho hàng loạt các ca sĩ nổi tiếng như C.C.Catch,
Bonnie Bianco, nhóm Smokie (ca khúc nổi tiếng của ca sĩ Chris Norman, Midnight Lady, là của Bohlen sáng tác).
Còn Thomas Anders sau đó chuyển sang Los Angeles định cư và mãi tới năm 1989 mới bắt đầu sự nghiệp ca nhạc với đĩa Different,
tham gia một số phim truyền hình, các chương trình của một số đài
truyền hình địa phương. Mức độ thành công của Thomas khiêm tốn hơn nhiều
so với Dieter Bohlen.
Và rồi cuối những năm 1990, khi nguồn cảm hứng sáng tác của Bohlen đã cạn kiệt còn Thomas vẫn cứ loay hoay không biết đi hướng nào là đúng thì một buổi chiều năm 1994, sau khi đã hồi hương về Đức thì Thomas nhận được một cú điện thoại của Bohlen với một câu hỏi: “Chúng ta có thể bắt đầu lại được không?”. Một câu hỏi mà phải đến 4 năm sau mới có câu trả lời.
Tái hợp
Năm 1998,
Modern Talking chính thức tái hợp, họ cũng là nhóm nhạc euro dance đầu
tiên của thập niên 80 tái hợp và điều đó gây phấn khích khắp nơi. Bohlen
tuyên bố giữa anh và Thomas không còn bất cứ một hiềm khích nào (năm
1999 Thomas ly dị cô vợ cũ và cưới một cô người mẫu kém mình gần 10
tuổi) và từ lúc này Modern Talking sẽ mạnh hơn bao giờ hết.
Tháng
3/1998, Modern Talking xuất hiện trên show truyền hình Wetten, dass..? của Đức và hát lại ca khúc You’re My Heart, You’re My Soul đã được remix. Cùng lúc đó nhóm tuyên bố chuẩn bị ra lbum mới có tên Back For Good.
Ngày
30/3, sau 11 năm vắng bóng, Modern Talking trình làng album mới và ngay
lập tức một triệu đĩa đã bán hết veo trong vòng 9 tuần (chỉ riêng ở Đức
tuần đầu tiên đã bán 700 nghìn bản). Album này đứng đầu ở Đức suốt 54
tuần lễ và bán được hơn 1 triệu bản trong vòng hơn một năm (tính cả châu
Âu là 3 triệu). Họ đã bán hơn 100.000 bản Back For Good tại
một thị trường nhỏ như Nam Phi, tức đạt mức hơn hai lần đĩa bạch kim
tại nước này.
Cùng năm đó, tại cuộc trình diễn đầu tiên bên ngoài nước Đức sau khi tái hợp ở Budapest (Hungary), Modern Talking đã biểu diễn trước 214.000 người và được trình chiếu trên MTV Châu Âu.
Thomas Anders (trái) sau khi chia tay với Dieter Bohlen lần thứ hai, đã kết hợp với nhạc sĩ Fahrenkrog tạo thành bộ đôi Anders - Fahrenkrog
Năm 1999 họ ra mắt album Alone và nhận được giải Cannes Music cho nghệ sĩ Đức ăn khách nhất. Năm 2000 với Year Of The Dragon, những bản nhạc từ những năm 80 được mix với phong cách mới đã đem lại một thành công nữa cho Modern Talking.
Thành
công vang dội như thế những tưởng Modern Talking sẽ tiếp tục chinh phục
những đỉnh cao mới. Nhưng đến đầu 2003, một lần nữa họ bất ngờ tuyên bố
rã đám khi tour diễn còn chưa kết thúc. Lần này thì chẳng liên quan gì
đến những mâu thuẫn như năm xưa, đơn giản là cả hai muốn đi theo lối
riêng. Thomas Anders bắt đầu lại sự nghiệp solo riêng của mình ở Mỹ,
trong khi đó Bohlen bắt đầu dành thời gian của mình cho việc đào tạo
những tài năng âm nhạc mới.
Báo
chí Đức cũng cho rằng vì Dieter luôn được xem là người sáng lập Modern
Talking, là người thành công trên lĩnh vực âm nhạc, vậy nên một cuộc
chia tay kiểu “bất ngờ” như thế này chỉ có lợi cho anh và có hại cho sự
nghiệp âm nhạc tiếp theo của Thomas.
Nhưng khi người ta hỏi Thomas rằng liệu có một cuộc tái hợp nào nữa không thì anh lại nửa kín nửa hở mà rằng: “Đừng bao giờ nói không!”. Có lẽ vậy, vì biết đâu có ngày Dieter thất bại trong lĩnh vực thời trang, sách không bán được, bị hất khỏi truyền hình và lại đành tìm đến Thomas để kiếm tiền nhờ cái tên Modern Talking như lần tái hợp đầu tiên vào năm 1998. Mà lúc ấy liệu âm nhạc của họ có còn phong độ như xưa?
Những điều ít biết về Modern Talking - Ca khúc Cheri Cheri Lady (Chery là tên con chó lông xù của Thomas). - Ca khúc You Can Win If You Want (là bài hát viết cho chính Dieter sau thành công bài You’re My Heart You’re My Soul). - Ca khúc Brother Louie (Luis Rodriguez là tên người cộng sự của Dieter ở hãng đĩa Hansa). - Ca khúc Goodnight Marielin (Marielin là tên con gái của Dieter). - Dieter có 3 người con (2 trai 1 gái) với người vợ đầu là Erika. Người vợ kế của Dieter là Verona Fieldbush (hoa hậu thế giới) và đã ly dị. Người tình thứ ba không cưới là Nadja (người mẫu), rồi lại chia tay. - Chữ Nora mà Thomas đeo trên dây chuyền vào những năm 80 là tên của vợ đầu của Thomas (Nora Balling). |
Nguyên Minh