A+ A A- Kiểu đọc sách

Manga - khi người Nhật viết truyện tranh (Bài 2)

07:00 09/11/2010
loading...
(TT&VH Cuối tuần) - Ở Nhật Bản manga (truyện tranh) được coi là một bộ phận cốt lõi của văn hóa. Từ người lớn đến trẻ con ai cũng đọc manga. Do đó không có gì ngạc nhiên khi có những tạp chí chuyên về manga phát hành đến hơn một triệu bản mỗi số.

>> Bài 1: Truyện tranh vòng quanh thế giới - Một vài thuật ngữ

Tự do trong kiểm duyệt


Theo nhiều nghiên cứu, manga hiện đại xuất hiện từ thời Mỹ chiếm đóng Nhật Bản sau Đệ nhị thế chiến và phát triển cho đến những năm đầu thập niên 1960. Mặc dù quân Mỹ chiếm đóng thi hành chính sách kiểm duyệt ngăn chặn các tác phẩm nghệ thuật và sách báo có nội dung ca ngợi chiến tranh và chủ nghĩa quân phiệt Nhật, nhưng các loại ấn phẩm khác lại hoàn toàn được tự do phát triển, trong đó có manga.



Astro Boy, bộ manga được xem là mở đường cho nền công nghiệp
manga hiện đại của “Vua manga” Osamu Tezuka

Một số học giả Nhật Bản cho rằng sự thua trận của Nhật và sự kiện hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki đã để lại vết thương sâu đậm trong nền nghệ thuật Nhật Bản khi niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh của đất nước trước đây không còn nữa. Các tác giả Nhật đã tìm sự an ủi trong những hình vẽ dễ thương và vô hại. Ngoài ra còn phải kể đến vai trò quan trọng của văn hóa phương Tây, nhất là ảnh hưởng từ văn hóa Mỹ qua truyện tranh, phim ảnh, truyền hình Mỹ trong suốt thời kỳ quân đội Mỹ chiếm đóng Nhật Bản.

Tuy nhiên, một số học giả khác lại cho rằng manga chỉ là sự tiếp nối của nền văn hóa Nhật Bản từ hàng trăm năm trước, bắt đầu từ thế kỷ 12 khi mà các nhà sư khắc họa các truyền thuyết và câu chuyện tôn giáo trên những cuộn giấy dài đến hàng mét. Truyền thống này được tiếp nối trong thế kỷ 16 khi các nghệ nhân khắc hình lên những mộc bản và in những câu chuyện ra giấy với số lượng lớn.

Hình thành và xâm chiếm trái tim độc giả

Hai tác phẩm manga đầu tiên đã có ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử phát triển sau này của manga được sáng tác dưới thời quân Mỹ chiếm đóng là: Mighty Atom (Phân tử hùng mạnh – phiên bản tiếng Anh là Astro Boy) và Sazae-san.

Astro Boy vừa là một robot có sức mạnh phi thường vừa là một cậu bé ngây ngô. Cả hai tính cách này đều bẩm sinh ở Astro Boy, phản ánh một sức mạnh nam tính hướng đến cộng đồng và mang tính xã hội cao. Điều này khác biệt hoàn toàn với sự tôn thờ Nhật hoàng và kỷ luật quân phiệt dưới thời chủ nghĩa đế quốc Nhật. Chính vì thế, Astro Boy nhanh chóng được chào đón hết sức nồng nhiệt ở Nhật Bản và các nước khác trên thế giới như là một biểu tượng của thế giới sống trong hòa bình và từ bỏ chiến tranh.


Hayao Miyazaki: Một trong những nghệ sĩ manga có tính ảnh hưởng nhất ở Nhật Bản

Trái lại, Sazae-san (tiếng Nhật có nghĩa là Cô Sazae) là hình mẫu đại diện cho hàng triệu người đàn ông và phụ nữ Nhật Bản bị mất nhà cửa trong chiến tranh. Cuộc sống của Sazae không hề dễ dàng và đơn giản chút nào nhưng, cũng giống như Astro Boy, Sazae rất gắn bó với gia đình cũng như dòng họ của mình. Cô có cá tính rất mạnh, hoàn toàn tương phản với các giá trị tân Khổng giáo đề cao sự cam chịu và phục tùng của người phụ nữ mà chế độ quân phiệt đã ra sức truyền bá. Sazae đối diện thế giới bằng nghị lực và sự vui tươi.

Cả hai họa sĩ Tezuka và Hasegawa đều có những sáng tạo về mặt phong cách. Kỹ thuật vẽ truyện tranh theo kiểu điện ảnh của Tezuka làm cho các khuôn hình chạy giống như góc máy quay thay đổi liên tục. Kỹ thuật hình ảnh động này được rất nhiều các họa sĩ manga sau này bắt chước và khai sinh ra nền công nghiệp manga hiện đại. Tác phẩm đầu tiên được Tezuka sử dụng kỹ thuật điện ảnh trong sáng tác là Đảo Châu báu mới (1946) và bán được 400.000 bản. Trong vòng 40 năm, ông đã sáng tác 600 tác phẩm với độ dài 150.000 trang. Tezuka được mệnh danh là Vua manga.

Giữa những năm 1950 và 1969, số lượng độc giả của manga ngày càng tăng ở Nhật với sự xác lập vị trí của hai thể loại manga chính là shonen dành cho nam và shojo dành cho nữ.

Nam giới là những độc giả đầu tiên của manga sau Đệ nhị thế chiến. Kể từ những năm 50, nội dung của shonen manga chủ yếu là robot, du hành không gian, khoa học giả tưởng, khoa học kỹ thuật... Sự hoàn thiện cá nhân, kỷ luật thép, hy sinh vì sứ mệnh và vinh dự phục vụ xã hội, cộng đồng, gia đình và bạn bè là những chủ đề chính của thể loại manga này.

Năm 1969, nhóm Ấn tượng 24 bao gồm các nữ họa sĩ Hagio Moto, Riyoko Ikeda, Yumiko Oshima, Keiko Takemiya và Ryoko Yamagishi đã đánh dấu làn sóng đầu tiên của các nữ họa sĩ manga. Nhờ vào đó, các nữ họa sĩ đã trở thành các tác giả chủ lực của các tác phẩm shojo manga.

Những nữ họa sĩ này cũng đóng góp những sáng tạo phong cách rất nổi bật. Họ đã tạo ra những “vần thơ hình ảnh” bằng cách tập trung vào cảm xúc và đời sống nội tâm của các nhân vật nữ chính. Những hình ảnh này vừa nhẹ nhàng vừa phức tạp và thường bỏ qua ranh giới của các khuôn hình để tạo ra một mạch thời gian liên tục mà không hề có sự tự sự.

Vào giữa những năm 1980, khi những độc giả thiếu nữ của shojo manga trở thành người lớn và đi làm, một thể loại manga mới ra đời dành cho các “quý bà” với các chủ đề về công việc, đời sống tình cảm, tình bạn và tình dục.

Nền công nghiệp làm lu mờ phương Tây

Kể từ thập niên 1950, manga từng bước chắc chắn trở thành một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp xuất bản Nhật Bản với giá trị thị trường lên đến 406 tỉ yên vào năm 2007. Manga cũng vượt biên giới Nhật Bản và có sức hút toàn cầu. Năm 2008, thị trường manga ở Mỹ và Canada có giá trị 175 triệu đôla.

Manga chủ yếu là những hình ảnh trắng đen mặc dù vẫn có manga màu. Ở Nhật, manga thường được in nhiều tập với kích cỡ bằng cuốn sách. Tạp chí manga đăng nhiều câu chuyện khác nhau mỗi kỳ một tập. Nếu câu chuyện nào đó được độc giả yêu thích thì nó sẽ được xuất bản lại trọn bộ. Có rất nhiều tạp chí chuyên về manga ở Nhật Bản. “Xương sống” của nền công nghiệp manga Nhật Bản là 13 tuần san cùng với khoảng 20 nguyệt san và 10 bán nguyệt san. Vào bất cứ thời điểm nào cũng có khoảng 250 tạp chí chuyên về manga và 10 trong số đó phát hành đến hơn một triệu bản mỗi số. Không có tạp chí nào có thể có lượng phát hành đến hơn một triệu bản ở Nhật nếu không có manga. Có những tác phẩm manga dành riêng cho các nhóm tuổi và các chủ đề khác nhau. Manga đã trở thành một bộ phận cốt lõi của nền văn hóa Nhật Bản.

Họa sĩ manga thường làm việc với một vài phụ tá trong một xưởng vẽ nhỏ và phối hợp với một biên tập sáng tạo của một nhà xuất bản nào đó. Nếu một câu chuyện manga thành công, nó sẽ được đưa lên màn ảnh hoạt hình sau khi đăng xong hoặc thậm chí trong khi đăng. Chỉ có khoảng 300 họa sĩ là có thể kiếm sống được hoàn toàn từ manga.

Chỉ riêng trong năm 2004, có ít nhất 1,4 tỉ tựa sách manga được xuất bản ở Nhật. Trung bình một tựa manga có thể xuất bản từ 300.000 đến 500.000 bản mỗi tập, một con số khổng lồ đáng mơ ước đối với ngành công nghiệp xuất bản của nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Nền công nghiệp manga ở Nhật Bản có quy mô lớn đến nỗi làm lu mờ cả hai quốc gia hàng đầu thế giới về xuất bản truyện tranh là Mỹ và Pháp. Manga xuất hiện trên báo chí và truyền hình khắp thế giới và những tác phẩm được yêu thích nhất được giới thiệu với bạn đọc các nước thông qua con đường mua bản quyền hoặc... dịch trộm.

Đón đọc Bài Kết: Comic - Ngành nghệ thuật thứ Chín của nhân loại

Lễ Nguyễn
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...