A+ A A- Kiểu đọc sách

Lịch Truyện Kiều, Sài Gòn xưa: Trào lưu làm lịch không chỉ để xem ngày

09:59 09/10/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tại Đường sách TP.HCM đang diễn ra triển lãm “Lịch Xuân 2017 – Những sắc màu sáng tạo”. Đến với triển lãm này mới thấy không khí Tết đã được giới làm lịch TP.HCM đem đến mọi nhà sớm hơn thời gian.

Năm nay, tại Đường sách TP.HCM lần đầu có cuộc triển lãm lịch quy mô lớn. Triển lãm trưng bày hàng trăm mẫu lịch các loại được đầu tư về mỹ thuật và in ấn công phu của các đơn vị nổi tiếng trong xuất bản lịch phía Nam.

Chiều sâu của tờ lịch

Đáng chú ý nhất là bộ lịch Truyện Kiều được Công ty An Hảo đầu tư trong hơn hai năm từ việc lên ý tưởng đến bắt tay thực hiện. Bộ lịch này gồm 365 bức tranh được họa sĩ Hữu Hiếu và cộng sự vẽ ròng rã trong 20 tháng. Mỗi bức tranh là một tác phẩm nghệ thuật minh họa cho từng đoạn thơ trong Truyện Kiều, mang đến cho độc giả một cách cảm nhận mới về tuyệt tác này.

Phần chú giải các đoạn thơ trong bộ lịch Truyện Kiều dựa vào cuốn sách Từ điển Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh do NXB Khoa học Xã hội in lần thứ hai vào năm 1993. Việc lựa chon Từ điển truyện Kiều để chú giải cho các đoạn thơ in trong lịch Truyện Kiều, được PGS-TS Vũ Thanh (Phó Viện trưởng Viện Văn học Việt Nam) trực tiếp hướng dẫn những người làm bộ lịch này.


Khách tham quan triển lãm Lịch Xuân 2017

Nói thế để thấy, làm một bộ lịch, dù là lịch bloc, lịch tờ hay lịch để bàn… các nhà làm lịch phải đầu tư rất nhiều chứ lịch không đơn giản là xem ngày xem tháng. Hơn thế, mỗi cuốc lịch trong thời gian những năm gần đây, còn có giá trị về văn hóa, lịch sử và mỹ thuật. Chẳng hạn, cũng Công ty An Hảo, đã từng thực hiện bộ lịch bloc về hình ảnh cuộc đời và sự nghiệp Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ý nghĩa.

Việc các công ty làm lịch đầu tư chiều sâu cho từng ấn phẩm lịch còn thể hiện sự đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Lần đầu tiên tham gia vào thị trường lịch, Công ty sách Phương Nam đã cùng lúc tung ra nhiều mẫu lịch có chiều sâu như thế chẳng hạn như bộ lịch vẽ tay về Sài Gòn xưa.

Lịch vẽ tay

Bộ lịch vẽ tay về Sài Gòn xưa qua nét vẽ và góc nhìn đượm màu cổ tích của họa sĩ trẻ Trọng Lee hiện lên mới mẻ, lãng mạn. Sài Gòn đẹp như một huyền thoại với các địa chỉ quen thuộc: Nhà thờ Đức Bà, Bùng binh cây Liễu, Thảo Cầm Viên, Chợ Bến Thành, Thương Xá Tax, Nhà hát Thành phố… hiện lên với dáng vẻ thần tiên và kiêu hãnh.

Có thể nói, bộ lịch vẽ tay về Sài Gòn xưa này là một món quà tặng dành cho những ai yêu Sài Gòn hoặc hoặc hoài niệm về Sài Gòn một thuở. Và tặng cho những ai chọn những giá trị văn hóa, những kiến trúc cổ điển, tinh tế của vùng đất này để mà gìn giữ. Mỗi địa danh trên mỗi tờ lịch đã kể lại những biến đổi, những truân chuyên đã đi qua thành phố này trong hàng thế kỷ.

NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU: Lần đầu tiên có bộ lịch truyện Kiều kèm 365 tranh minh họa

NGHỀ CHƠI CŨNG LẮM CÔNG PHU: Lần đầu tiên có bộ lịch truyện Kiều kèm 365 tranh minh họa

Đưa Truyện Kiều vào lịch có thể là ý tưởng không mới, nhưng để hiện thực hóa nó thì rất ít khi làm được.


Những địa danh đã từng gắn với tuổi thơ, gắn với niềm vui, hạnh phúc, sự bình an của biết bao thế hệ, của hàng triệu người dân từ nhiều đời nay của thành phố này. Bộ lịch Sài Gòn xưa như níu giữ ký ức về những địa danh đã từng rất nổi tiếng nhưng đang dần dần biết mất và bị xóa sổ bởi sự quản lý đô thị thiếu tầm nhìn. Dù được in đẹp với số lượng giới hạn nhưng giới làm lịch dự đoán bộ lịch này sẽ được nhiều người làm quà tặng cho thân nhân của họ ở nước ngoài.

Vào ngày 10/10 tới đây, triển lãm này sẽ kết thúc, BTC sẽ bình chọn và trao giải cho các sản phẩm lịch đẹp, mang ý tưởng sáng tạo, độc đáo nhằm biểu dương và khích lệ các doanh nghiệp đua tranh và không ngừng tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo cho các sản phẩm của đơn vị mình trong những mùa lịch tiếp theo. Đây cũng là triển lãm được dự kiến thực hiện hàng năm tại Đường sách TP.HCM.

Trạc Tuyền
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...