loading...
(TT&VH) - Từ lâu một số chuyên gia đã nghi ngờ danh họa Italia thời Phục hưng Leonardo Da Vinci, tác giả của bức Mona Lisa nổi tiếng, đã làm giả hình Chúa trên vải, gọi là “tấm vải liệm thành Turin”. Kết quả nghiên cứu mới của nhà tư vấn đồ họa Lillian Schwartz tại trường Nghệ thuật thị giác ở New York khẳng định tấm vải liệm in hình gương mặt của Leonardo Da Vinci chứ không phải của Chúa Jesus Christ.
Chân dung của Leonardo da Vinci
|
Leonardo Da Vinci là một người đa tài - nghiên cứu thuật giải phẫu, thiết kế một chiếc máy bay thô sơ và vẽ ra những bức tranh nổi tiếng nhất thế giới. Nhưng liệu con người tài hoa này có phải là kẻ giả mạo lớn nhất trong lịch sử? Đây là câu hỏi mà nhà tư vấn đồ họa Mỹ Lillian Schwartz đã có câu trả lời trong một bộ phim tài liệu. Bà tuyên bố Leonardo phải chịu trách nhiệm vì đã làm giả tấm vải liệm thành Turin.
Tấm vải liệm Turin là một miếng vải lanh in hình gương mặt của một người đàn ông bị nhiều vết thương trông giống với bức vẽ Chúa Jesus bị đóng đinh trên Thánh giá. Tấm vải liệm này hiện được lưu giữ trong nhà nguyện của nhà thờ St John ở Turin, Italia.
Tấm vải liệm này từng là tâm điểm của những cuộc tranh cãi nảy lửa sau khi các nhà khoa học xác định niên đại bằng carbon và cho thấy nó có xuất xứ thời Trung cổ. Giờ đây, Lillian Schwartz tiếp tục tạo nên cuộc tranh cãi mới khi đưa ra giả thuyết mới về hình ảnh trên tấm vải liệm.
Lillian Schwartz tuyên bố hình ảnh trên tấm vải chính là chân dung tự họa của Leonardo và ông đã tạo nên hình ảnh đó bằng cách sử dụng kỹ thuật chụp ảnh thô sơ. Sử dụng máy quét, Schwartz nhận thấy gương mặt in trên tấm vải liệm Turin và chân dung tự họa của Leonardo da Vinci có những kích thước tương đương nhau.
Schwartz nổi bật trong giới nghệ thuật vào những năm 1980, sau khi bà đưa ra những số đo chi tiết bức tranh Mona Lisa nổi tiếng và chân dung tự họa của Da Vinci. Bà không khỏi kinh ngạc khi tìm thấy sự tương đồng rõ rệt ở hai gương mặt và kết quả đó khiến bà cho rằng danh họa thời Phục hưng đã dùng chính gương mặt mình làm mẫu cho bức tranh, rồi sau đó “nữ hóa” nhân vật.
Đầu năm nay Schwartz vẫn áp dụng kỹ thuật đó để so sánh một bức chân dung tự họa khác của Da Vinci với hình in trong tấm vải liệm thành Turin. “Nó rất tương xứng và tôi vô cùng phấn khởi về kết quả đó”, Schwartz cho biết. “Tâm trí tôi không hề nghi ngờ bởi Da Vinci đã áp dụng “số đo” của ông để tạo nên gương mặt trên tấm vải liệm”.
Theo nghiên cứu của Schwartz, Da Vinci đã in đường nét gương mặt mình lên tấm vải lanh bằng cách dùng một bức tượng của chính ông và một thiết bị chụp ảnh gọi là “hộp nhìn hình chiếu”. Da Vinci treo tấm vải lên một chiếc khung để trong phòng tối và phủ lên trên một chất nhạy cảm với ánh sáng. Khi các tia mặt trời đi qua thấu kính treo trên một bức tường, mô hình 3D của Da Vinci sẽ chiếu lên chất liệu để đó tạo ra hình ảnh.
Nhà nghiên cứu tấm vải liệm Lynn Picknett cho biết: “Người làm giả tấm vải liệm hẳn phải là người dị giáo (nếu có đức tin thì không dám thực hiện). Người đó còn phải có kiến thức về thuật giải phẫu và hiểu rõ về kỹ thuật chụp ảnh mà phải đến thế kỷ 20 mới được hoàn thiện”.
“Hộp nhìn hình chiếu”
Da Vinci là người đam mê thiết bị quang học và trong các cuốn sổ ghi chép của ông có bức phác họa của một chiếc hộp nhìn hình chiếu thuộc loại lâu đời nhất.
Mặc dù tấm vải liệm Turin vẫn là điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng, nhưng giờ đây hầu hết mọi người đều coi đó là hàng giả. Xác định niên đại bằng carbon năm 1988 cho thấy tấm vải được dệt vào khoảng năm 1260 - 1390. Tuy nhiên, hình ảnh trong đó lại chưa được xác định niên đại. Mặc dù vậy, Giáo sư John Jackson, giám đốc Trung tâm vải liệm Turin ở Colorado, vẫn nhất quyết tin rằng tấm vải liệm này có niên đại từ thời Chúa bị đóng đinh trên cây thập tự. Ông loại bỏ giả thuyết Da Vinci in chân dung mình lên đó. Ông nói: “Nó dựa trên sự hiểu biết nghèo nàn về khoa học và lịch sử. Không có bằng chứng nào cho thấy Da Vinci liên quan đến tấm vải liệm này”.
Lương Tuấn Vĩ
loading...