Lật lại 'nghi án' Vua Quang Trung sang Trung Quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 25/10, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức giao lưu với Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính. Nội dung buổi giao lưu xoay quanh các tác phẩm nghiên cứu lịch sử về các vương triều Đại Việt, mối quan hệ bang giao giữa Đại Việt và Trung hoa.
Bà Huỳnh Thị Xuân Hạnh, Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, mặc dù Nguyễn Duy Chính là Tiến sĩ Quản trị kinh doanh, song ông vốn yêu thích đọc sách và nghiên cứu. Vì vậy, trong hơn 10 năm trở lại đây, Nguyễn Duy Chính đã đầu tư khai thác được nhiều tư liệu quý bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, đặc biệt là khối tư liệu đồ sộ từ kho tàng thư tịch Trung Hoa như: Thượng dụ, Tấu triệp, Đáng án, Thực lục… có liên quan đến Việt Nam để cho ra mắt nhiều tác phẩm liên quan đến đất nước Đại Việt.
Tiến sỹ Nguyễn Duy Chính (ở giữa) đã có cách tiếp cận lịch sử Đại Việt theo hướng khách quan và tham khảo nhiều tài liệu từ trong và ngoài nước
“Ông đã khai thác những tư liệu gốc này qua sự phân tích tỉ mỉ và đối chiếu cẩn trọng với các tài liệu Việt Nam, phương Tây… ông cũng đã thực hiện một chương trình nghiên cứu lớn về triều đại Quang Trung - triều đại mà nhiều tài liệu trong giai đoạn lịch sử này bị mất mát hoặc sai lệch làm cho một số vấn đề về triều đại Quang Trung và lịch sử Việt Nam cuối thế kỷ XVIII có nhiều điều chưa được sáng tỏ”, bà Xuân Hạnh cho biết thêm.
Với quan điểm “mới lạ hơn không có nghĩa là có những chi tiết khác thường mà là soi sáng thêm cho vấn đề ở một khía cạnh khác”, những công trình nghiên cứu của Nguyễn Duy Chính đã chứa đựng trong đó khối lượng tài liệu lớn, khảo cứu công phu, phân tích sâu sắc, trình bày hấp dẫn và đầy sức thuyết phục được giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc đón nhận.
Tại buổi giao lưu nhiều độc giả tỏ ra băn khoăn với nội dung khác với lịch sử của tập sách Giả vương nhập cận. Bởi nếu theo nội dung của tập sách này đưa ra thì người dẫn đầu phái đoàn Đại Việt đi sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790) là vua Quang Trung đã đi ngược lại với các tài liệu và sách vở trước nay vẫn cho rằng người dẫn đầu phái đoàn sang Trung Quốc năm ấy là một “Quang Trung giả”.
Cuốn sách "Giả vương nhập cận" được nhiều độc giả quan tâm khi viết về Vua Quang Trung đi sang Trung Hoa năm Canh Tuất
Trả lời cho thắc mắc này, Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính cho biết: "Cuốn sách này là cuốn sách mỏng nhất trong các cuốn tôi đã xuất bản nhưng tôi phải mất 15 năm để hoàn thành nó. Đây là thời gian tôi đi thu nhập các tài liệu gốc trong sự kiện phái đoàn ngoại giao sang Trung Hoa năm 1790. Trong đó toàn là các tài liệu mật, những văn thư gốc, văn thư bản sảo, văn thư sao phê của nhà vua Trung Hoa… Tôi không viết theo hướng của người Trung Hoa mà đi vào tài liệu gốc để có cái nhìn khách quan nhất. Đặc biệt, để biết Đại Việt nước ta khi đó đã phải đấu trí với triều đình nhà Thanh ra sao, biết được tình hình, chính sách ngoại giao giữa Đại Việt và Trung hoa thời đó như thế nào"…
Phát biểu tại buổi giao lưu, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Tổng thư kí hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng chia sẻ, các tác phẩm của Nguyễn Duy Chính đã thông qua góc nhìn rộng để nhìn nhận về một giai đoạn lịch sử quan trọng, trong đó có nhiều sự kiện được ông nghiên cứu tìm hiểu khách quan, khác với cách viết sử trước kia thường chỉ viết theo bên thắng cuộc.
Những tác phẩm của ông đưa chúng ta về những quy luật thời đó, cho chúng ta biết nguyên nhân vì sao trong bối cảnh nào mà các nhân vật lịch sử có hành động như thế. Ví dụ như việc Nguyễn Quang Toản (con trai Vua Quang Trung) sang cầu viện, liên minh với Trung Hoa. Cách đặt vấn đề của ông Duy Chính là nhìn sự kiện đã qua đặt trong lịch sử và nhìn theo cách vì sao họ làm như vậy. Đây là cách viết sử khách quan, tiến bộ và mới lạ trong thời buổi nhiều thông tin như hiện nay.
Được biết, từ tháng 9/2015 đến nay Tiến sĩ Nguyễn Duy Chính đã cho ra đời các tác phẩm biên khảo, dịch thuật và tiểu luận lịch sử, văn hóa như: Thanh – Việt nghị hòa; Tiến trình công nhận triều đại Quang Trung, Việt – Thanh chiến dịch; Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận - có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không?”; Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần khánh thọ của vua Thanh Cao Tông; Đại Việt quốc thư; Núi xanh nay vẫn đó; Vó ngựa và cánh cung. Tất cả các tác phẩm trên đều do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh độc quyền xuất bản, phát hành rộng rãi trên cả nước.
Ngoài ra, ông còn thực hiện nhiều ấn phẩm lịch sử như “Lê mạt sự ký – Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII” do DT Books và NXB Khoa học xã hội xuất bản, biên khảo. Tác phẩm “Đàng trong thời chúa Nguyễn” do Nhà văn bản Hội Nhà văn và Công ty Phương Nam liên kết thực hiện và nhiều bài viết, bài dịch đăng trên các báo trong và ngoài nước.
Theo Hoàng Tuyết - Tin tức